GARDEN GROVE – Gọi là cái “nhà” thì chẳng đúng chút nào. Nơi người đàn ông vô gia cư có tên Lâm đang ở và bị cháy hôm 9 Tháng Tám thực ra là một góc tường khuất, được xây lên lẽ ra là để chủ đất chứa rác.

“Trong cái rủi có cái may,” đám cháy làm ông Lâm hoảng loạn buổi tối đó lại là dịp để ông từ cảnh “một thân một mình” này có thêm những người bạn mới. Hai nhà hàng xóm tốt bụng, một Việt một Hispanic, không chỉ giúp ông dẹp đám cháy mà còn tặng cho chăn mền,
thức ăn…
193801-DP-Homeless-1

Ông Lâm kể lại sự tình cho ông Trần Đại Lựu, người hàng xóm phía bên kia tường mà ông chỉ mới quen sau vụ cháy. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Đám cháy giữa đêm

“Lúc đó khoảng 9, 10 giờ tôi. Tôi đang ngủ thiếp đi thì thấy mùi khói. Bao nhiêu nước tôi có tôi tưới lên hết.” Ông Lâm, 47 tuổi, vừa kể vừa chỉ vào hai bình nhựa ông đựng nước hứng được từ một vòi nước tưới sân đầu đường.

Ngọn lửa để lại một vệt đen lớn trên góc tường và  những tàn lá cháy khô cho đám cây bên kia vách tường. Ông Lâm đã thay chiếc sôfa cũ bằng một chiếc khác, đẹp hơn. Vật dụng được kê lại, gọn gàng. Tuy vậy, đồ đạc vẫn thoang thoảng mùi âm ẩm dù cả tuần đã trôi qua từ ngày mọi người xịt nước dập lửa.

Những chiếc mền che nắng che mưa, nhưng cũng vì thế, làm nơi này nóng và hầm bất thường. Mồ hôi ướt ròng hai bên trán, ông Lâm chỉ vào góc tường cháy đen, giải thích: “Nó không phải cháy từ trên xuống mà nó lại cháy từ dưới lên.”

 

Toàn cảnh nơi ông Lâm ở, một góc được chủ đất xây ban đầu để chứa rác, nay được dọn dẹp lại thành một nơi ở khá tươm tất. (Hình: Trần Đại Lựu cung cấp)

“Tưới hết hai bình nước, mà lửa không tắt, tôi nhảy lên xe đạp, xách hai bình nước chạy đi hứng thêm nước. Về tới thì thấy nó cháy một phần tư rồi.”

“Tôi lấy mấy bình nước uống của tôi tưới vô nữa, mà không nhằm nhò gì.”

“Khi tôi về, lửa cao lên một phần tư rồi, một thùng nước làm sao tạt cho hết được, tui đang tính quay ra  hứng thùng nước khác thì thấy ông Mễ lấy vòi nước bắt đầu xịt.”

“Xe cứu hỏa tới thì mấy người này đã giúp dập tắt hết rồi.”

 

Bà Lorina và ông Hector, hai vợ chồng người sắc dân bạn đã giúp ông Lâm dập tắt lửa và cho ông đồ đạc, thức ăn những ngày sau đó. (Hình: Trần Đại Lựu cung cấp)

Ông Lâm phân trần: “Tôi không biết sao mà nó lại cháy như vậy. Tôi không đốt gì hết. Mà nếu tôi biết mấy gia đình sống bên kia tường thì chắc không để lửa cháy lớn như vậy. Tôi mà biết là hai nhà có hai cái hồ bơi thì tôi sẽ nhảy qua tường, dùng hai cái thùng của mình mà múc lên xối vô là lửa tắt à. Chỉ tại xách xe đạp chạy tuốt ngoài đường hứng nước, rồi đợi nước đầy, rồi đạp về nữa, nên nó cháy hơn nửa.” Ông Lâm vừa giải thích, vừa liên tục xin lỗi người hàng xóm.

Ông Trần Đại Lựu, một trong những người “mém cháy nhà” vì tai nạn phía bên tường ông Lâm, kể lại: “Bữa đó tôi thấy khói, lửa bốc cao. Ông Mễ hàng xóm thì đứng lên tường, lấy vòi nước xịt xuống. Tôi thì lấy vòi nước xịt hướng lên cho đỡ khói, đỡ nóng.”

“Tôi gọi 911, xe cứu hỏa tưởng nhà tôi nên nó chạy qua đó, kéo vòi nước chuẩn bị xịt, nhưng cháy thì đâu có cháy ở nhà tôi, nên nó đi kiếm vòng vòng mới qua được tới chỗ ông Lâm này, mất cũng 10 phút,  lúc đó hàng xóm đã dẹp xong đám cháy rồi,” ông Lựu nói.

“Lúc xịt nước xịt thuốc thì quần áo, nệm đồ của tui ướt hết, cháy hết, cũng nhờ hai hàng xóm giúp đỡ tui quần áo, nệm, và đồ ăn trong mấy ngày qua…” Ông Lâm cười, cám ơn những người tốt bụng sống bên phía kia bức tường cháy xém.

 

Góc làm việc. Những đồ điện tử phế thải được tách ra, lấy kim loại, “giá cao hơn nilông, chai nhựa.” (Hình: Thiên An/Người Việt)

Bồng bột tuổi trẻ

Người đàn ông có gương mặt sáng, đeo kiếng cận, tên Lâm, cho biết sang Mỹ theo diện con lai. Người em gái đi cùng ông năm đó nay đã mất liên lạc.

“Qua Mỹ tôi không có đi học. Ở Việt Nam tôi học tới lớp 4 thôi à. Rồi theo bạn bè đi chơi, bị tù liên bang, rồi ra thế này.”

Ông kể mình sinh tại Biên Hòa, năm Mậu Thân 1968. Gia đình chuyển về Sài Gòn, gần chùa Vĩnh Nghiêm, đến sau 1975 thì chuyển về quê ngoại ở Mỹ Tho. Ông sang Mỹ lúc 23 tuổi cùng em gái.

“Lúc mới qua thì cũng đi làm nhà hàng, làm hãng, lúc đó còn giấy tờ. Sau đó ra ngoài, theo bạn bè chơi riết thì hư thôi,” ông Lâm cười khì vào những chuyện mấy chục năm trước.

“Lúc đó đi chơi theo bạn bè. Mình không có cướp của, giết người, nhưng dính vô mấy cái quốc cấm của chính phủ thì phải bị tù. Nói chung dính vô buôn bán xì ke thì phải chịu.” Ông cho biết bị tù liên bang khoảng bốn năm thì được thả ra, lúc khoảng 33 tuổi. Ông nói thẻ xanh và giấy tờ làm việc bị lấy đi.

 

Bên ngoài nơi ở của ông Lâm. Ông cho biết ông dọn dẹp để nơi này “có thể ở được.” (Hình: Thiên An/Người Việt)

Gian nan đường về

“Mình hổng có quay lại con đường cũ làm gì. Ở tù rồi không muốn bị vô nữa đâu.” Ông Lâm nói quyết không tái phạm những sai lầm tuổi trẻ.

“Ra tù tôi đi làm phụ hồ cho người ta mấy năm. Chỉ có điều giờ làm không nổi nữa. Người ta không mướn mình, người ta mướn Mễ không hà. Người ta trả rẻ cho nó mà tụi nó làm nhiều, mình làm hổng nổi. Muốn làm nhà hàng mà không biết người ta chịu mướn không nữa. Tui tính năm nay tui dành dụm sao để đi nơi khác, có chỗ sống rồi kiếm việc làm.”

“Đâu ai muốn ở như vầy hoài,” ông Lâm cười gượng, nói. Trên tay ông vẫn cầm chiếc kiềm mà ông dùng đễ gỡ sắt, thép vụn từ những đồ điện tử ông đi nhặt vào mỗi tối.

 

Món đồ ông vừa nhặt được đâu đó, muốn tặng lại những người hàng xóm tốt bụng. “Đồ còn tốt mà họ từ chối,” ông nói. (Hình: Thiên An/ Người Việt.)

Chỉ vào mớ hàng điện tử lủng củng đựng trong một xô nhựa, ông Lâm nói về kế hoạch thoát kiếp sống vô gia cư:

“Một ngày tôi ngủ khoảng bốn, năm tiếng gì đó. Sáng mặt trời lên thì bắt đầu làm. Tháo mấy cọng sắt, đồng này ra nè, để riêng bán thì có lời hơn.”

“Chiều thì đạp xe vòng vòng đi kiếm đồ, chứ ban ngày mình đâu có muốn chạy rong, phải để cho người ta làm việc chứ.” Ông chỉ vào chiếc xe đạp cũ để sát vách tường. Một sợi dây dài buộc một thùng giấy lớn vào đuôi xe, làm chỗ đựng ve chai.

“Đầy thùng hoặc nặng quá thì về. Rồi đi tiếp. Cứ vậy, đi suốt đêm. Mệt thì về nhà tắm rửa lau mình rồi đi ngủ.”

Ông nói mỗi ngày làm việc khoảng mười hai tiếng đồng hồ, thu được mười mấy đồng, riêng “ngày nào khá thì tới hai mươi mấy đồng.”

 

Nơi ở gọn gàng, không quên một nhánh hoa để tô điểm góc tường. (Hình: Thiên An/Người Việt)

“Ở đây nóng quá, sao chịu nổi,” tôi hỏi, trong khi tự nhủ chắc phải sớm chào từ biệt vì không thể chịu thêm nữa cái nắng trên đầu và cái nóng từ những tấm mền phủ chung quanh.

“Tại có người đến nên tui mặc đồ này cho lịch sự, chứ bình thường tôi cởi trần ngồi làm, không có nóng đến nỗi này.” Người đàn ông giọng miền Tây vui vẻ trả lời dù mồ hôi tiếp tục đổ ra như tắm.

“Đăng hình ông lên báo, biết đâu em gái ông sẽ tìm ông nhỉ?” Tôi nói.

“Mười mấy năm rồi, nó lấy chồng rồi qua Tennessee, giờ con cái nó chắc lớn hết rồi. Mình không muốn làm phiền. Có một thân một mình cũng quen.” Giọng nói nhanh nhảu của người đàn ông miền Tây bỗng trầm xuống, chậm lại.

“Hồi đó lúc còn ở Việt Nam, tôi cũng có người yêu. Ở Mỹ thì không có. Nhiều lúc buồn, ngày xưa thì uống rượu bia dữ lắm, giờ thì bỏ rồi. Buồn thì xách xe đạp chạy vòng vòng, tìm cái này cái kia làm. Xách xe đạp lụm mấy cái này là tui quên hết buồn à.”

Ông Lâm cười trở lại, tiếp tục chia sẻ về những cuốn tạp chí ông đọc, những người ông thỉnh thoảng gặp khi tự chiêu đãi mình một ly cà phê… Tôi tự hỏi, giấc mơ “có chỗ ở đàng hoàng, có ai đó sẽ mướn mình làm việc” của ông trong mười mấy năm qua không biết khi nào hóa hiện thực.

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: