TRUNG QUỐC – Du học sinh Trung Quốc tại Hoa Kỳ nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, khoảng 300,000, tương đương 29%. Đứng hàng thứ nhì là Ấn Độ, 105,500; tiếp theo tới Nam Hàn 92,000; (các nước) Âu Châu 86,000; Saudi Arabia 65,600. Con số sinh viên Việt Nam du học tại Hoa Kỳ năm 2013 là 16,000.
Xu Yua, chủ tịch hội sinh viên Trung Quốc đại học USC (University of Southern California) nghiêng mình trong buổi lễ tưởng niệm sinh viên Xinran Ri bị 4 nghi can thiếu niên tuổi từ 16 đến 19 đánh chết đêm 24 tháng 7. (Hình: Robert Gauthier-Pool/Getty Images) |
Thật ra so sánh theo dân số thì du học sinh Trung Quốc tại Hoa Kỳ không hẳn là quá nhiều, chỉ gấp 20 lần Việt Nam và hơn 3 lần Nam Hàn trong khi dân Trung Quốc đông hơn từ 15 đến 30 lần.
Gần đây người ta ghi nhận có một khuynh hướng rõ rệt trong số du học sinh Trung Quốc, đó là thành phần học sinh trung học gia tăng nhanh chóng. Năm 2005, Hoa Kỳ cấp 639 visas cho học sinh trung học, năm ngoái con số này là 31,889, nghĩa là tăng gấp 50 lần chỉ trong vòng 8 năm.
Theo nhận định của phóng viên thông tấn xã AP từ Bắc Kinh thì học sinh Trung Quốc muốn có tự do trong suy nghĩ và hành động ngay từ khi còn ở bậc trung học. Nhưng một lý do không thể chối cãi là nếu theo học ở Mỹ ngay từ bậc trung học thì triển vọng được thu nhận vào các trường đại học sẽ dễ dàng hơn.
Mặt khác, việc gởi con em đi Mỹ chủ yếu là quyết định bởi phụ huynh hơn là từ chính cá nhân du học sinh, và phụ thuộc vào khả năng tài chính của gia đình. Trong điều kiện kinh tế khá giả của thành phần ưu tú ở xã hội Trung Quốc – cán bộ cao cấp và giới tư bản kinh doanh – thì đây là đầu tư bảo đảm nhất cho tương lai của gia đình.
Học phí ở một trường tư và tiền cư trú ít nhất $40,000 một năm là đắt hơn tại Trung Quốc từ 3 đến 4 lần. Xu Yi, giám đốc trung tâm luyện thi và tư vấn ‘Focus Education’ ở Bắc Kinh nói: “Với sự tranh đua dữ dội hơn, áp lực phải học trung học ngay tại Hoa Kỳ để có cơ hội vào đại học ngày càng mạnh.”
Mặc dầu theo những thăm dò quốc tế, học sinh Trung Quốc có thành tích cao hơn nhiều so với học sinh Hoa Kỳ về nhiều bộ môn như toán và văn nhưng các trường Mỹ vẫn được giới trí thức Trung Quốc đánh giá cao về sự phát triển khả năng tư duy và kỹ năng truyền đạt. Wang Huiyao, giám đốc Trung Tâm Trung Quốc và Toàn Cầu Hóa ở Bắc Kinh nói: “Trung Quốc kiêu hãnh về nền giáo dục sơ cấp và trung cấp, đặc biệt là về toán học, nhưng thiếu sáng tạo.” Theo ông: “Học sinh Trung Quốc có thể thuộc công thức nhưng thiếu kỹ năng ứng xử và khả năng trao đổi truyền đạt với ngôn ngữ văn hóa toàn cầu.”
Thanh niên Trung Quốc với bằng tốt nghiệp đại học Mỹ thường có được nhiều triển vọng cho sự nghiệp tương lai. Những gia đình khá giả ở Nam Hàn, một quốc gia có tỷ lệ du học sinh tại Mỹ trên tổng dân số cao gấp 90 lần Trung Quốc, từ lâu đã cho con cái họ theo học ngay từ bậc dự bị vào đại học. Trong quá khứ, dân Trung Quốc chưa có khả năng ấy nhưng bây giờ tình trạng kinh tế khá giả, giới trung lưu có thể tìm trường học trên toàn thế giới.
Riley Peng, con gái một nhà kinh doanh thành đạt, nói rằng cô không thích lối học quá chú trọng đến ký ức ở Trung Quốc, bây giờ cô có thể chọn nhiều lớp và tham dự vào những sinh hoạt ngoài học đường tại trường Choate Rosemary Hall ở Wallingford, Connecticut và “trải nghiệm được nhiều điều bổ ích.”
Lisa Li, người bạn của Peng, học tại Lawrence Academy ở Groton, Massachusetts, nói: “Tôi cảm thấy thất bại nếu như không có được điểm cao trong lớp tại Bắc Kinh. Học trình ở Groton cũng khắt khe nhưng tôi không bị áp lực ấy và bây giờ còn được khuyến khích tìm những sở thích khác như viết nhạc.” Cô cho rằng “các trường Mỹ đòi hỏi trí thức nhưng cũng chú trọng đến sáng tạo và giúp tôi tìm phương hướng để biến cái không thể thành có thể.” Bà Jin Min, mẹ của cô, đồng ý và hài lòng thấy con mình “không còn là cái máy sao chép về kiến thức hay là cuốn bách khoa từ điển.”
Các chuyên gia nhắc nhở phụ huynh là nên suy tính kỹ trước khi cho con em mình du học nước ngoài vì hội nhập thành công vào môi trường mới không phải là chuyện đơn giản. Keith Hernandez, phó giám đốc công ty tư vấn DueWest Education cũng cảnh cáo là giáo dục trung học Mỹ có thể không chắc chắn sẽ giúp cho việc vào được các trường đại học danh tiếng. Ông giải thích rằng có chuẩn bị là tốt nhưng quá nhiều kinh nghiệm Mỹ đôi khi là trở ngại nếu các viên chức xét đơn nhập học muốn chọn những gốc gác đa dạng.
Các trường trung học công lập cũng giành được một số nhỏ những “khách học sinh” ấy. Chẳng hạn trường Lake Shore HS ở St. Clair Shores, ngoại ô Detroit, Michigan, mỗi năm có khoảng 90 du học sinh Trung Quốc, tất đầu từ trường quốc tế Haidian ở Bắc Kinh đưa qua để học lớp 11. Để bảo đảm học sinh Trung Quốc qua được kỳ thi mãn khóa trung học ở nước nhà, trường Haidan gởi giáo viên của họ sang dạy kèm về toán, vật lý, hóa học đồng thời là tiếng Anh.
Khác với trường tư, các học khu công lập Mỹ theo luật liên bang không được tiếp nhận học sinh ngoại quốc trong thời gian hơn một năm. Một dự luật được sự ủng hộ lưỡng đảng đang tìm cách thay đổi quy định này mà theo lời những người chủ trương có lợi ích cho cả học sinh Trung Quốc và học sinh Hoa Kỳ.
Theo Bloomberg Businessweek thì sinh viên Trung Quốc du học là giới tiêu thụ nhiều xe hơi hạng sang tại Mỹ. Điều này dễ hiểu vì với trên dưới $50,000 một chiếc là giá phù hợp với họ so với tại Trung Quốc phải đắt gấp 2 hay 3 lần vì thuế nhập cảng. Trong 22 tháng năm 2012-2013 sinh viên Trung Quốc trả $15.5 tỷ tiền mua xe cả mới và cũ, giá trung bình $52,796 một chiếc xe mới, 32% trả bằng tiền mặt; $36,500 một chiếc xe cũ, 58% trả tiền mặt. Thăm dò của cơ quan nghiên cứu CNW cho biết, một nhóm tương đương sinh viên Hoa Kỳ trả $4.7 tỷ tiền mua xe, 40% mua xe mới giá trung bình $19,472 và chưa tới 5% trả tiền mặt.
Cũng do du học sinh Trung Quốc nhiều tiền, dư luận nghi ngờ là các trường đại học có sự phân biệt đối xử giữa sinh viên Trung Quốc và sinh viên Mỹ gốc Á Châu. Con gái chủ tịch Tập Cận Bình, mang tên khác, học tại đại học Harvard. Con trai Bạc Hy Lai, cựu ủy viên bộ chính trị và bí thư thành ủy Trùng Khánh bị truất phế và lãnh án tù cùng với vợ năm ngoái cũng học ở đại học Columbia và Harvard.
Mặc dầu dân Mỹ gốc Á là cộng đồng thiểu số phát triển mau nhất và có số sinh viên ở các trường đại học tăng lên đều đặn từ 1980, nhưng tới 2009 bắt đầu giảm và năm 2013 còn 1.3 triệu. Trong khi đó sinh viên Trung Quốc tăng đều đặn từ vài trăm lên tới 240,000 năm 2010 và vẫn tiếp tục tăng nhanh ở các trường đại học nổi danh. Tuy nhiên không có bằng cớ cụ thể về lập luận kỳ thị này.
Du học sinh từ Á Châu tại tiểu bang Calfornia nhiều nhất, trong khi du học sinh từ Phi Châu ở Texas và du học sinh Nam Mỹ ở Florida. Thống kê năm 2012 cho biết 3 trong số 5 trường nhiều du học sinh ngoại quốc nhất là trường tư: USC 10,487 (26%), Purdue University 9,673 (24%), University of Illinois 9,605 (22%), New York University 9247 (21%), Columbia University 9,201 (35%).