Vào phần cuối của buổi nói chuyện trên đài SBTN hôm 19/7/2015, bà Lydia Nguyễn nói rằng việc chủ tiệm Nail ăn chia theo phần trăm trên lợi tức của người “independent contractor” thuê chổ trong tiệm, là “một hình thức có thể làm được.” Nhưng một phút sau đó, hoàn toàn trái ngược với lời bà Lydia Nguyễn vừa nói, ông Tony Phạm lại cho biết rằng khi chủ tiệm ăn chia theo phần trăm trên lợi tức của người thợ Nail, thì chủ tiệm đã kiểm soát người thợ rồi (có nghĩa rằng người thợ đó không phải là “independent contractor”).

Nail

Ngày 19 tháng Bảy 2015 vừa qua, đài truyền hình SBTN đã tổ chức một buổi nói chuyện về đề tài “Trả lương đúng luật cho ngành Nail.” Hai vị diễn giả trong buổi này là ông Tony Phạm, phụ tá giám đốc, và bà Lydia Nguyễn, thanh tra viên, thuộc Cơ Quan Lương Bổng và Giờ Làm Việc của Bộ Lao Động Hoa Kỳ (Department of Labor – Wage and Hour Division) văn phòng Orange, California. Đây là cơ quan có nhiệm vụ giám sát các doanh nghiệp trong việc thi hành những điều khoản của đạo luật Tiêu Chuẩn Lao Động Công Bằng “The Fair Labor Standards Act” (FLSA) của chánh phủ liên bang.
Qua gần một giờ đồng hồ của buổi nói chuyện đuợc truyền hình trực tiếp, khán thính giả người Việt khắp Hoa Kỳ, đặc biệt là giới chủ tiệm Nail, đã được nghe hai vị đại diện Bộ Lao Động trình bày tóm lược về một số quy định của luật lao động liên bang. Đặc biệt là trong phần cuối của buổi nói chuyện, hai vị diễn giả đại diện Bộ Lao Động có đề cập đến sáu yếu tố được dùng để xác định sự khác biệt giữa “employee” và “independent contractor” trong nghề Nail theo luật FLSA.
Luật FLSA và định nghĩa thế nào là “independent contractor” 
Từ bấy lâu nay, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ cho biết không có một định nghĩa chung nào có thể giải quyết thỏa đáng những vấn đề liên quan đế mối quan hệ giữa chủ và công nhân theo luật FLSA. Theo Bộ Lao Động liên bang, người đi làm là “employee” hay “independent contractor” là một câu hỏi pháp lý được giải đáp dựa trên phương thức trắc nghiệm thực trạng kinh tế (economic realities test) trong mối quan hệ giữa người đi làm và chủ nhân. Phương thức này thành hình từ án lệ United States v. Silk, 331 U.S. 704 (1947), trong đó Tối Cao Pháp Viện liên bang Hoa Kỳ đã dùng sáu yếu tố để trắc nghiệm thực trạng kinh tế trong mối quan hệ giữa chủ và công nhân, và dựa vào đó mà áp dụng luật FLSA. Tối Cao Pháp Viện cũng cho biết việc xác định ai là “independent contractor” theo luật FLSA cũng không thể dựa vào một yếu tố riêng biệt nào của phương thức trắc nghiệm đó, mà còn phải tùy vào hoàn cảnh của toàn bộ sinh hoạt trong quan hệ giữa chủ và công nhân.
Hiện nay, phương thức trắc nghiệm “economic realities test” vẫn được các tòa án liên bang áp dụng để xác định sự khác biệt giữa “employee” và “independent contractor” trong những vụ kiện liên quan đến luật FLSA. Nhưng trong cùng vấn đề này thì cơ quan thuế vụ IRS dùng phương thức trắc nghiệm theo luật thông thường (common-law test), và các tiểu bang cũng áp dụng nhiều phương thức khác nhau. Vì luật FLSA chỉ áp dụng cho “employee,” Bộ Lao Động là cơ quan có tránh nhiệm thực thi luật FLSA luôn dựa vào phương thức trắc nghiệm “economic realities test” để xác định người đi làm là “employee” hay “independent contractor.” Và sáu yếu tố của phương thức trắc nghiệm này đã được hai vị đại diện Bộ Lao Động đề cập đến trong buổi nói chuyện trên đài SBTN hôm 19/7/2015 vừa qua.
Để giúp cho những ai muốn tìm hiểu thông tin tổng quát về việc xác định mối quan hệ giữa chủ và công nhân theo luật FLSA, Bộ Lao Động có phổ biến tài liệu “Fact Sheet 13” nhằm giải thích tóm lược sáu yếu tố của phương thức trắc nghiệm “economic realities test.” Tài liệu bằng Anh ngữ này có thể xem tại http://www.dol.gov/whd/regs/compliance/whdfs13.pdf
Qua tài liệu “Fact Sheet 13” phổ biến bởi Bộ Lao Động, sáu yếu tố của phương thức trắc nghiệm  “economic realities test” được dùng để xác định quan hệ giữa chủ và công nhân áp dụng chung cho các ngành nghề, có thể tạm tóm luợc như sau:
1) Mức độ việc làm của nhân công là một phần không thể thiếu trong kinh doanh của chủ;
2) Khả năng quản lý của công nhân có hay không có ảnh hưởng đến cơ hội lỗ lãi của đương sự;
3) Sự đầu tư tương đối về cơ sở hay dụng cụ bởi công nhân và bởi chủ;
4) Kỹ năng và sáng kiến của công nhân trong chủ động kinh doanh độc lập;
5) Tính cách lâu dài trong mối quan hệ giữa công nhân và chủ;
6) Tính chất và mức độ kiểm soát của chủ.
Như đã đề cập bên trên, tài liệu “Fact Sheet 13” trình bày tổng quát sáu yếu tố của phương thức “economic realities test” áp dụng chung cho mọi ngành nghề. Riêng với nghề Nail, Bộ Lao Động cũng có phổ biến tài liệu “Nail Salon Workers Wage and Hour Rights,” trong đó có phần trình bày tổng quát vài yếu tố chính yếu trong việc phân định sự khác biệt giữa “employee” và “independent contractor” áp dụng cho người thợ Nail. Để giúp người thợ Nail biết mình có phải là “independent contractor” hay không, tài liệu này có đặt ra một vài câu hỏi căn bản: Bạn có thuê chổ làm trong tiệm Nail? Có tự mua sắm vật liệu và dụng cụ? Có tự ấn định giờ giấc làm việc và giá biểu? Có khách hàng riêng trả tiền trực tiếp cho bạn? Có giấy phép kinh doanh riêng?
Tài liệu “Nail Salon Workers Wage and Hour Rights” vừa nói trên có thể tìm thấy tại http://www.dol.gov/whd/FLSAEmployeeCard/NailSalonFlyer-viet.pdf (bằng tiếng Việt), và http://www.dol.gov/whd/FLSAEmployeeCard/NailSalonFlyer

pdf  (tiếng Anh).

 
Phán quyết mới nhất của một tòa án liên bang về vấn đề “independent contractor” trong nghề Nail theo luật FLSA  
Tháng Sáu 2012, một thợ Nail làm ăn chia commissions trong một cơ sở thẩm mỹ tại Maryland đã kiện chủ tiệm trước tòa án liên bang, cáo buộc chủ vi phạm luật FLSA trong vấn đề lương bổng. Sau khi xem xét mối quan hệ giữa người thợ và chủ tiệm dựa vào sáu yếu tố trắc nghiệm của phương thức “economy realities test,” tòa án liên bang vào cuối năm 2013 đã đi đến kết luận rằng người thợ Nail nguyên cáo trong vụ kiện này là “independent contractor” chứ không phải “employee,” và đã bác đơn kiện của người thợ Nail, vì luật FLSA chỉ áp dụng cho “employee” mà thôi. (Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon, Case No. PWG-12-1794, 2013 US Dist. LEXIS 171383, D. Md. Dec. 4, 2013).
Trong vụ kiện vừa kể trên, các yếu tố có liên quan đến phương thức “economic reality test” tóm lược sau đây, đã dẫn đến việc tòa án kết luận người thợ Nail là “independent contractor”:
1)  Yếu tố về “Mức độ kiểm soát” (Degree of Control): Người thợ Nail không bị chủ kiểm soát về giờ giấc làm việc, tự ấn định giá biểu, và tự quảng cáo. Người thợ không bị giám sát bởi bất cứ ai, không bị chủ nói phải làm việc gì, và làm cho ai. Người thợ có quyền từ chối phục vụ khách walk-ins. Với những chi tiết này, tòa án nhận định người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố kể trên.
2) Yếu tố về “Cơ hội lãi lỗ” (Opportunity for Profit or Loss): Người thợ Nail được chia commissions trên số tiền làm được, nhưng tự do ấn định giờ làm và giá biểu cho các dịch vụ của mình. Vì vậy, tòa án nhận định rằng nếu người thợ tự thay đổi số giờ làm việc, giá biểu, chất lượng công việc, thì người thợ chắc chắn sẽ là người bị ảnh hưởng bởi kết quả của sự lãi lỗ. Và theo tòa án, đó là những chi tiết cho thấy người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố kể trên.
3) Yếu tố về “Sự đầu tư về dụng cụ và vật liệu” (Investment in Equipment and Material): Người thợ Nail trong vụ này tự mình mua sắm tất cả dụng cụ và vật liệu để làm việc. Theo nhận định của tòa án, đây là chi tiết cho thấy người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố trên.
4) Yếu tố “Mức độ đòi hỏi về kỹ năng” (Degree of Skill Required): Người thợ Nail phải có bằng hành nghề từ tiểu bang Maryland, vì vậy phải học các lớp làm Nail trong 6 tháng, phải có chứng chỉ, và phải trả lệ phí. Người thợ cũng phải trả tiền để gia hạn bằng hành nghề theo định kỳ. Với những chi tiết này, tòa án nhận định người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố trên. Tòa án cũng ghi chú thêm rằng không phải ai cũng thể xuất hiện và làm việc như một thợ Nail, nhưng rõ ràng là cần được sự đào tạo và phải có chuyên môn.
5) Yếu tố về “Sự lâu dài trong mối quan hệ làm việc” (Permanence of the Working Relationship):  Người thợ Nail trong vụ kiện này làm việc cho chủ tiệm khoảng 14 tháng. Không có gì chứng tỏ đây là một quan hệ lâu dài giữa chủ và nhân viên. Theo nhận định của tòa án thì chi tiết này cho thấy người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố trên.
6) Yếu tố “Tính chất không thể thiếu của dịch vụ được cung cấp” (Integral Nature of Services Rendered): Cơ sở thẩm mỹ bị kiện trong vụ này chủ yếu là một tiệm làm tóc, chỉ cung cấp thêm dịch vụ làm Nail sau khi có sự yêu cầu của khách hàng. Toà án nhận định chi tiết này cho thấy người thợ là “independent contractor” xét về yếu tố trên.
Nguyên văn biên bản lưu trữ nhận định của tòa án liên bang (Memorandum Opinion) trong vụ kiện Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon vừa tóm lược trên đây có thể tìm thấy qua đường link: http://www.gpo.gov/fdsys/pkg/USCOURTS-mdd-8_12-cv-01794/pdf/USCOURTS-mdd-8_12-cv-01794-1.pdf
Những thông tin cần được làm sáng tỏ 
Gần đây, theo phản ảnh của nhiều người Việt tại các tiểu bang Hoa Kỳ, thông tin về sự khác biệt giữa “employee” và “independent contractor” trong nghề Nail ở Mỹ do hai vị đại diện Bộ Lao Động cung cấp trong buổi phát hình ngày 19/7/2015 của đài SBTN có những điểm vô lý và khó hiểu, vì vậy đã gây hoang mang cho người muốn tìm biết về luật lệ lao động trong nghề Nail.
Sau khi có dịp xem toàn bộ buổi phát hình vừa nói trên đây của đài SBTN được phổ biến qua YouTube, chúng tôi nhận thấy quả thật là hai vị đại diện Bộ Lao Động đã diễn dịch không chính xác về một vài yếu tố của phương thức trắc nghiệm “economic realities test” do Bộ Lao Động phổ biến bằng Anh ngữ trong “Fact Sheet 13.” Và sự diễn dịch đó đã dẫn đến một vài nghịch lý, chính là nguyên nhân gây hoang mang cho rất nhiều người nghe. Cụ thể là những điểm sau đây:
Bà Lydia Nguyễn nói rằng người “independent contractor” trong nghề Nail là ngoài việc trả tiền cho chủ để mướn chổ làm trong tiệm, cũng phải hùn vốn đầu tư với chủ tiệm, cùng chia phần lời lỗ của chủ, phải chia tiền trả bills điện nước với chủ, phải góp sức làm tăng lợi nhuận cho chủ tiệm (!?) https://www.youtube.com/watch?v=8vdwp1sxGdc
Thật ra, tài liệu “Fact Sheet 13” của Bộ Lao Động có đưa ra câu hỏi rằng, khả năng quản trị của công nhân, bao gồm việc thuê mướn và giám sát người giúp việc hoặc sự đầu tư về thiết bị, liệu có tác dụng gì trên cơ hội lỗ lãi của công nhân đó hay không? Và cũng theo “Fact Sheet 13,” công nhân phải có chút đầu tư so với sự đầu tư của chủ (nguyên văn: “worker must make some investment compared to the employer’s investment”), đồng thời cũng phải có sự rủi ro về khả năng bị lỗ lã (giống như trường hợp người chủ), thì mới là dấu chỉ cho thấy đương sự là người “independent contractor” kinh doanh độc lập. Thông tin của Bộ Lao Động không hề có khoản nào nói rằng “independent contractor” trong nghề Nail (hay trong bất cứ ngành nghề nào khác) là người phải hùn vốn đầu tư với chủ, bởi đó là điều mới nghe qua đã thấy ngay một sự nghịch lý: Nếu hùn vốn đầu tư và chia sự lời lỗ với chủ tiệm, thì người thợ đương nhiên trở thành người đồng sở hữu (co-owner), nghĩa là đã làm chủ một phần của tiệm Nail, hoàn toàn khác với người “independent contractor” là người kinh doanh độc lập cho riêng cá nhân mình, chứ không phải cho chủ tiệm.
Theo dữ liệu phổ biến b ởi Văn phòng Thống kê Lao động (U.S. Bureau of Labor Statistics), cũng là một cơ quan trực thuộc Bộ Lao Động liên bang Hoa Kỳ, tính đến năm 2012 có khoảng 27% tổng số người hành nghề Nail tại Hoa Kỳ là người kinh doanh độc lập (self-employed). http://www.bls.gov/ooh/personal-care-and-service/manicurists-and-pedicurists.htm#tab-3
Kế đến, khi đề cập đến yếu tố về sự lâu dài trong mối quan hệ giữa chủ và công nhân (permanency of the worker’s relationship with the employer), bà Lydia Nguyễn nói rằng “independent contractor” là người “mỗi ngày đi làm một chổ khác nhau.” https://www.youtube.com/watch?v=8vdwp1sxGdc (6:48 – 6:50). Qua sự diễn dịch này, bà Lydia Nguyễn đã tự mâu thuẩn khi trước đó bà Nguyễn nói rằng “independent contractor” trong nghề Nail là người phải hùn vốn đầu tư với chủ tiệm, lời lỗ cùng chia, phải chia tiền trả bills điện nước với chủ, phải góp sức làm tăng lợi nhuận cho chủ tiệm… Từ đó, sự diễn dịch này của bà Nguyễn còn là thêm một điều hết sức nghịch lý: Người hùn vốn mở một tiệm Nail và chia lời lỗ theo lợi tức của tiệm, thì phải tập trung thời giờ lo cho tiệm của mình để khỏi bị lỗ lã, có ai lại “mỗi ngày đi làm một tiệm khác nhau” bao giờ? Cũng nên biết rằng trong vụ thợ Nail kiện chủ tiệm vài năm trước đây tại Maryland liên quan đến luật FLSA như tóm lược bên trên (Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon), mặc dầu người thợ Nail đã làm ăn chia commissions liên tục tại một tiệm duy nhất trong suốt 14 tháng (chứ không phải mỗi ngày đi làm một tiệm khác nhau), tòa án liên bang sau khi xem xét yếu tố về sự lâu dài trong mối quan hệ giữa công nhân và chủ theo phương thức trắc nghiệm “economic realities test,” đã xác định người thợ đó là “independent contractor.”
Vào phần cuối của buổi nói chuyện trên đài SBTN hôm 19/7/2015, bà Lydia Nguyễn nói rằng việc chủ tiệm Nail ăn chia theo phần trăm trên lợi tức của người “independent contractor” thuê chổ trong tiệm, là “một hình thức có thể làm được.” Nhưng một phút sau đó, hoàn toàn trái ngược với lời bà Lydia Nguyễn vừa nói, ông Tony Phạm lại cho biết rằng khi chủ tiệm ăn chia theo phần trăm trên lợi tức của người thợ Nail, thì chủ tiệm đã kiểm soát người thợ rồi (có nghĩa rằng người thợ đó không phải là “independent contractor”).
 https://www.youtube.com/watch?v=DYgydslRMA8 (4:25 – 5:49). Đây đúng là cảnh bà nói gà, ông nói vịt, khiến người muốn tìm hiểu luật lao động không biết phải tin ai để làm cho đúng luật?
Cần lưu ý rằng người thợ Nail kiện chủ trong vụ Viar-Robinson v. Dubley Beauty Salon, là người làm theo lối ăn chia commissions với chủ. Khi xét xử vụ kiện này hồi cuối năm 2013, tòa án liên bang đã viện dẫn các án lệ từ trước để chú thích rằng, sự kiện người thợ Nail có thể làm được nhiều tiền nhờ vào năng khiếu và sự siêng năng (làm nhiều và làm giỏi thì càng hưởng được nhiều tiền), là dấu chỉ cho thấy trạng thái “independent contractor” theo luật FLSA.
Tóm lại, nhiều người Việt trong nghề Nail ở Mỹ vốn rất mù mờ luật lao động liên quan đến vấn đề “employee” và “independent contractor,” đã càng thêm hoang mang sau khi nghe sự diễn dịch về luật lao động trong vấn đề này từ hai vị người Việt đại diện cho Bộ Lao Động liên bang Hoa Kỳ trong buổi nói chuyện về đề tài “Trả lương đúng luật cho ngành Nail” ngày 19/7/2015 trên đài SBTN. Và đây là sự kiện cực kỳ đáng buồn và đáng tiếc cho người Việt trong nghề Nail mà hầu hết đều rất cần những thông tin chính xác về luật lệ lao động hiện hành, đặc biệt là trước những vụ phạt vạ ngày càng gia tăng của cơ quan lao động khắp nơi, bắt nguồn từ chiến dịch tổng thanh tra các tiệm Nail tại tiểu bang New York hồi tháng Năm 2015.
VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: