Khi xăm hình trở thành trào lưu
Khi các ngôi sao thế giới trong các lĩnh vực văn hóa thể thao thường hay sở hữu những hình xăm, thì việc xăm mình ở VN, nhất là trong giới trẻ, đã trở thành một kiểu trang sức thời thượng cho cơ thể. Bên cạnh những hình xăm, các ngôi sao còn xăm tên người yêu, vợ, chồng, và các con của mình, như tài tử Brad Pitt, hay cựu danh thủ David Beckham. Nữ diễn viên tài sắc Angelina Jolie thì không xăm tên con, mà chọn xăm vị trí đường kinh tuyến, vĩ tuyến nơi những đứa con của cô chào đời lên bắp tay. Lần lượt là tọa độ của Campuchia, Ethiopia, Namibia, VN và Pháp. Riêng tọa độ của Pháp được xăm hai lần, tượng trưng cho hai con được sinh ra tại đây…
Xăm hình đã trở thành một hiện tượng xã hội. Bên cạnh chức năng thẩm mỹ và làm đẹp, việc lựa chọn kiểu hình xăm và vị trí xăm đóng vai trò rất quan trọng, bởi hình xăm thường đánh dấu một sự kiện, hoặc một giai đoạn rất ý nghĩa trong cuộc đời của người xăm.
Mong muốn ghi lại dấu ấn
Lên chức bố mẹ lần đầu tiên dĩ nhiên là thời điểm mà nhiều đôi vợ chồng trẻ muốn ghi dấu. Với những người mẹ vừa vượt cạn, việc xăm tên hay ngày sinh của con lên da thịt như là một nghi thức để một cô gái trẻ của ngày hôm qua trở thành một người mẹ trẻ của hôm nay. Hình xăm trở thành biểu tượng cho vai trò xã hội mới, chức danh mới của các phụ huynh trẻ. Thế nên có nhiều bạn trẻ chưa bao giờ nghĩ đến việc xăm hình, lại quyết định xăm tên con sau khi lên chức bố mẹ.
Một cách thể hiện mới
Thông qua hình xăm tên con cái, những ông bố bà mẹ muốn gửi thông điệp đến mọi người về niềm tự hào và trách nhiệm làm bố mẹ của mình. Chuyện những hình xăm này được xăm ở những vị trí dễ thấy như vùng cổ, cánh tay, cổ tay, dọc theo ngón tay… hay ở những khu vực kín đáo cũng không phải là yếu tố để đo lường mức độ tự hào được lên chức bố mẹ. Vì hình xăm tên con trẻ trên da thịt đã như là một giao ước suốt đời bảo vệ con của những người làm bố làm mẹ, và là thông điệp khẳng định gia đình chúng ta là một. Và những hình xăm đó cũng không nhất thiết phải là tên, chữ cái đầu, hay ngày sinh của trẻ, mà có thể là một hình ảnh tinh tế biểu tượng cho đứa trẻ.
Không muốn chia cách
Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý, khi phát ra thông điệp “con yêu của tôi được khắc sâu trên da thịt tôi, luôn là một phần da thịt của tôi” cũng là cách để các ông bố bà mẹ trốn chạy cái sự thật rằng việc những đứa con rồi sẽ trưởng thành và rời xa vòng tay bố mẹ, đó là điều không thể tránh khỏi. Điều đó lý giải có một số ông bố bà mẹ không xăm tên con ngay khi chúng vừa chào đời, mà lại quyết định xăm khi chúng chuẩn bị đi nhà trẻ, vào lớp 1… Khi đã có biểu tượng của con trẻ trên da thịt, họ có cảm giác đỡ đau đớn, lo lắng hơn khi để con rời khỏi vòng tay che chở của mình.
Nói như vậy không có nghĩa là những người không xăm hình tên con trẻ thì ít yêu con, quyến luyến con. Các ông bố không xăm có lập luận rằng với họ, con cái đã được khắc sâu trong tim nên không cần thêm hình xăm nữa. Còn với các bà mẹ: “Chúng tôi đã có những hình xăm tự nhiên mà rất tuyệt vời khi làm mẹ mà người ta vẫn gọi nôm na là những vết rạn trên bụng sau khi sinh. Thế nên chúng tôi không cần xăm thêm nữa”.