Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay sẽ thảo luận với các giới chức và các nhà lập pháp về con số người tị nạn được phép vào Mỹ hằng năm.
Các cuộc hội đàm giữa ông Kerry với các thành viên trong Thượng viện và Hạ viện diễn ra giữa lúc Mỹ và các cường quốc khác trên thế giới đang tính tới các nỗ lực tăng cường để trợ giúp hàng ngàn người tị nạn Syria đang tràn vào Châu Âu.
Các giới chức trong Bộ Ngoại giao cho hay Ngoại trưởng Kerry, Trợ lý Ngoại trưởng Anne Richard phụ trách về Dân số, Người tị nạn, và Di dân cùng các quan chức khác sẽ họp để trình bày đề nghị của Tổng thống Obama về số lượng người tị nạn được phép vào Mỹ trong năm tài khóa 2016 bắt đầu từ ngày 1/10.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các giới chức cũng sẽ thảo luận về những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di dân đang tiếp diễn ở Châu Âu.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao, John Kirby, thông báo ‘Chưa có quyết định nào được đưa ra về các trường hợp tái định cư sắp tới trong năm tài chính này.’
Tại cuộc họp báo hôm thứ ba, ông Kirby nhấn mạnh ‘Theo tôi, có thể kỳ vọng, có thể cho rằng sẽ có thêm các hồ sơ tái định cư vào năm sau.’
Người tị nạn Syria làm tăng áp lực
Hoa Kỳ đã góp 25 triệu Mỹ kim hỗ trợ công tác tái định cư cho người tị nạn tại Châu Âu.
Hoa Kỳ đã góp 25 triệu Mỹ kim hỗ trợ công tác tái định cư cho người tị nạn tại Châu Âu.
Các quan chức Mỹ cho biết tính tới cuối tháng sau, số dân tị nạn Syria tái định cư ở Hoa Kỳ kể từ khi khởi sự cuộc nội chiến tại Syria sẽ tăng lên khoảng 1.800 người.
Trong năm nay, Mỹ cho tái định cư khoảng 70.000 người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới.
Về cách đáp ứng của Hoa Kỳ, người phát ngôn Kirby nói tái định cư chỉ là một lựa chọn đối với người tị nạn Syria. Ông tuyên bố ‘Người dân khu vực này cần có nhà để trở về.’
Ông Kirby nhấn mạnh ‘Đa số người tị nạn Syria muốn trở về nhà,’ đồng thời nói thêm rằng điều mà Syria cần nhất chính là một cuộc chuyển tiếp chính trị.
Hoa Kỳ đã góp hơn 4 tỷ đô la giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến Syria cũng như khoảng 25 triệu Mỹ kim hỗ trợ công tác tái định cư cho người tị nạn tại Châu Âu.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, hôm qua cho hay các nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ các nước đang phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng người tị nạn ‘không phải là mới.’
Ông Earnest nói ‘Nhưng dường như tình hình đang ngày càng tệ hơn’ và đó là lý do vì sao Mỹ sẽ tiếp tục xem xét thêm các biện pháp.
Cần sự đáp ứng toàn cầu
Các tình nguyện viên giúp đỡ người tị nạn Syria bị ngất đi sau khi đến đảo Lesbos ở Hy Lạp bằng thuyền cao su. Ít nhất 2.760 di dân tìm đường vượt biển sang Châu Âu đã thiệt mạng trong năm nay.
Các tình nguyện viên giúp đỡ người tị nạn Syria bị ngất đi sau khi đến đảo Lesbos ở Hy Lạp bằng thuyền cao su. Ít nhất 2.760 di dân tìm đường vượt biển sang Châu Âu đã thiệt mạng trong năm nay.
Tại Geneva, một quan chức của Liên hiệp quốc chỉ trích các nỗ lực ứng phó toàn cầu, cho rằng rất nhiều nước muốn cung cấp viện trợ tài chính cho cuộc khủng hoảng người tị nạn, nhưng lại không sẵn lòng cho họ nơi cư trú.
Đại diện đặc biệt của Liên hiệp quốc về di dân quốc tế, ông Peter Sutherland, nói ‘Tránh né kiểu này là không được.’
Tổ chức Di dân Quốc tế cho hay ít nhất 2.760 di dân tìm đường vượt biển sang Châu Âu đã thiệt mạng trong năm nay, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 500 ca tử vong.
Một số quan chức Mỹ cho rằng Hoa Kỳ cần tăng cường nỗ lực để giúp Châu Âu vốn đang oằn vai vì gánh nặng của cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Trong bài phát biểu hôm qua, Thượng nghị sĩ Cộng hòa và cũng là một ứng viên tranh cử Tổng thống, Lindsey Graham, kêu gọi Hoa Kỳ ‘chia sẻ công bằng’ về vấn đề người tị nạn Syria.
Một ứng cử viên Tổng thống khác, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, cho biết ông ‘cởi mở’ về vấn đề Mỹ tiếp nhận thêm người tị nạn, nhưng nói thêm rằng ông muốn đảm bảo là những người này không có liên hệ với các nhóm khủng bố.