Notifications
Clear all

[Closed] Financial Aid để học đại học


vietditru
(@vietditru)
Estimable Member Admin
Joined: 11 years ago
Posts: 189
Topic starter  
Vào đại học thời buổi này là điều khó khăn đối với nhiều gia đình đang phải đối phó với tình hình kinh tế suy thoái, nhưng cũng có những cách giúp bạn có thêm trợ giúp tài chánh - nếu bạn biết cách hỏi.

Nhiều sinh viên nay yêu cầu có sự duyệt xét lại hồ sơ xin trợ giúp tài chánh để phản ánh hoàn cảnh thực tế của gia đình họ.

Tiến trình này giúp một số gia đình, trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, được tính lại số tiền họ phải đóng góp vào tổng số chi phí của người sinh viên, dựa trên khả năng tài chánh hiện thời, chứ không không phải căn cứ trên tổng số lợi tức gia đình năm trước, thường là điều các trường căn cứ để tính trợ giúp tài chánh hoặc cho học bổng.

Các trường có thể tái xét hồ sơ trợ giúp tài chánh (financial-aid), để có thể giúp thêm cho các sinh viên, kể cả trợ cấp chính phủ (federal grants), vay nợ với lãi suất thấp (loans) hay các học bổng căn cứ theo nhu cầu.

Các gia đình mới gặp phải tình trạng thất nghiệp, giảm lương... có nhiều khả năng để được tái cứu xét hồ sơ financial aid vì được coi là những trường hợp cá biệt. Những gia đình phải rút tiền từ các quỹ hưu trí để trả phí tổn y tế cũng có thể được cứu xét vì số tiền rút ra này thường được cộng gộp vào số thu nhập trên hồ sơ thuế.

Nhưng những gia đình bị mất tiền trong các chương trình để dành tiền đi học loại 529 “529 college-saving” có thể sẽ không được hưởng sự tái duyệt xét này vì quá nhiều người cùng chung cảnh ngộ.

Mỗi trường đều có những đòi hỏi riêng. Yêu cầu được tái duyệt xét hồ sơ có thể được đưa ra qua điện thoại hay đến tận phòng lo về financial-aid. Nhưng tốt nhất là viết ra một lá đơn trình bày rõ ràng hoàn cảnh của mình, kèm theo là bản sao của các giấy tờ liên hệ như giấy bị cho nghỉ việc, hay hóa đơn chi phí y tế.

Trong khi đó, các sinh viên độc lập (independent students), những người không được coi là phải lệ thuộc vào cha mẹ (dependents) trên hồ sơ khai thuế, nếu bị thất nghiệp nay có nhiều cơ hội hơn để được tái duyệt xét, nhờ vào một điều khoản trong luật liên bang giúp đưa số tiền kiếm được khi làm việc xuống còn zero, cho mục đích liên quan đến financial aid.

Thường thì số tiền họ làm ra hay tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp có được trong năm đều phải tính vào lợi tức. Những sinh viên kiếm được việc làm mới sẽ không được hưởng sự điều chỉnh này.

Các đại học tại Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng nặng nề vì tiểu bang cắt giảm ngân sách hay quỹ đầu tư thua lỗ trầm trọng, nhưng họ vẫn cố giúp các gia đình sinh viên trang trải phí tổn đi học bằng cách gia tăng sự trợ giúp dựa trên nhu cầu. Theo một nghiên cứu của National Association of Student Financial Aid Administrators, những giới chức chuyên lo về trợ giúp tài chánh sinh viên ở các trường, có đến 55% những người được hỏi cho hay họ gia tăng tiền trợ giúp cho niên khóa 2009-2010.

Trong khi đó, sự trợ giúp của chính phủ liên bang cũng gia tăng. Mức trợ giúp tối đa của Pell Grant, vốn được tăng lên $5,350 cho niên khóa 2009-2010 từ $4,731 niên khóa trước đó, sẽ tăng lên thành $5,550 cho niên khóa 2010-2011.

Chương trình Hope Credit, giúp cho các gia đình và sinh viên phải trả chi phí học hành, tăng từ $1,800 lên $2,500 cho thuế năm 2009 và 2010. Số miễn trừ này trước đây chỉ được áp dụng cho hai năm đầu sau trung học nhưng nay được dùng cho cả bốn năm đầu tiên.

Số tiền miễn trừ này nay gồm cả tiền mua sách, ngoài tiền học phí và các lệ phí. Có tới 40% số tiền này có thể được bồi hoàn, nghĩa là các gia đình có thể nhận về tới $1,000 ngay cả khi họ không nợ thuế.

Tổng số lợi tức hàng năm để được hưởng credit này là $90,000 cho cá nhân và $180,000 cho khai chung.

Các sinh viên nên cố tìm sự trợ giúp tài chánh từ các khoản tiền cho (grants) hay học bổng trước khi mượn nợ. Và nếu phải mượn nợ thì nên chú ý vào các chương trình cho vay của chính phủ liên bang trước khi đến các ngân hàng tư nhân, vốn tốn tiền hơn và không có nhiều lựa chọn trong cách trả nợ.

Nguồn: nguoi-viet.com

Sinh viên hưởng học bổng (scholarship) và trợ cấp (financial adi) từ hai nguồn: chính phủ và các tổ chức bên ngoài. Trợ cấp từ chính phủ bao gồm trợ cấp của liên bang và tiểu bang; sinh viên tự động được xét cấp trợ cấp chính phủ khi nộp đơn xin trợ cấp tài chính. Ở các trường cam kết hỗ trợ toàn bộ chi phí, mức tài trợ của trường sẽ giảm bằng số tiền sinh viên đã được chính phủ nhận trợ cấp. Học bổng từ các tổ chức khác rất đa dạng và thường được xét bằng cách cạnh tranh.

Trợ cấp của chính phủ

Trợ cấp liên bang -- Trợ cấp Pell Grant dành cho sinh viên theo đuổi bằng đại học đầu tiên, mỗi năm học khoảng $400 đến $4,310. Trợ cấp FSEOG dành cho sinh viên đã nhận Pell Grant nhưng có thu nhập gia đình quá thấp; mức trợ cấp tối đa là $4,000 một năm. Liên bang còn có trợ cấp căn cứ vào học lực (điểm trung bình ít nhất 3.0), thêm vào các trợ cấp trên và chỉ dành cho công dân Mỹ, bao gồm Academic Competitiveness Grant $750 cho năm đầu và $1,300 cho năm thứ hai, và National SMART Grant tối đa $4,000 mỗi năm cho năm thứ ba và thứ tư trong các ngành công nghệ và tin học.

Trợ cấp tiểu bang -- Mỗi tiểu bang cũng có những chương trình trợ cấp thêm vào trợ cấp liên bang, căn cứ vào nhu cầu tài chính. Ở California, trợ cấp tiểu bang bao gồm Cal Grant A và Cal Grant B. Cal Grant A trợ cấp tối đa là $2,334 và Cal Grant B là $1,551 cho năm đầu tiên và $3,885 cho năm thứ hai. Sinh viên chỉ được nhận một trong hai loại trợ cấp này.

Tìm học bổng khác như thế nào?
Học bổng không hề làm giảm trợ cấp từ phía trường, mà ngược lại sẽ giảm bớt phần phải tự trang trải của sinh viên. Nhiều học bổng còn là một đóng góp quan trọng vào giá trị resume của bạn vì nó thể hiện tài năng.

Học bổng đến từ các tổ chức xã hội và doanh nghiệp tư nhân. Mục đích của họ thường là để phát triển cộng đồng, từ đó thu hút tuyển dụng người tài, hoặc để phục vụ các mục tiêu xã hội. Để bắt đầu “săn” học bổng, hãy xét lại tất cả những thế mạnh của bạn - những đặc tính thường phù hợp với mục tiêu của học bổng:

. Bạn có viết giỏi không? Nhiều học bổng kêu gọi thi viết về những vấn đề xã hội mà tổ chức cấp học bổng quan tâm. Thí dụ, học bổng Akademos/TextbookX.com cấp 3 học bổng từ $250 đến $2,000, chọn lọc từ một cuộc thi viết luận ngắn; đề tài viết năm nay là các quốc gia có trách nhiệm gì trong việc ngăn cản các thiệt hại về môi trường.

. Bạn có thuộc nhóm “thiểu số” nào không: phụ nữ, gốc Á Châu, người cao tuổi, người theo đuổi một ngành nghề đang được nhiều tổ chức xã hội quan tâm, v.v...? Thí dụ, Asian American Scholarship cấp 3 học bổng đến mức $6,000 cho sinh viên cao tuổi Mỹ gốc Á Châu căn cứ vào thành tích học tập. Học bổng của AWIS – Association of Women in Science - cấp khoảng 5 đến 8 học bổng $1,500 đến $2,000 mỗi năm cho phụ nữ học các ngành khoa học ở miền Tây tiểu bang Washington. Những ngành thường được học bổng là các ngành phục vụ cộng đồng, nhưng các tổ chức hội đoàn và doanh nghiệp của mỗi ngành nghề cũng có một số học bổng cho ngành của họ.

. Bạn có năng khiếu gì? Loại học bổng phổ biến cho năng khiếu là học bổng thể thao do các trường đại học cấp. Mỗi năm các đại học Mỹ cấp học bổng thể thao cho tổng cộng 126,000 sinh viên, nhằm tuyển mộ các tài năng thể thao về học trường mình. Nếu bạn có năng khiếu thể thao, bạn nên liên lạc thật sớm với trường để tìm hiểu về học bổng này.

Hiểu rõ các thế mạnh của mình cũng là điều kiện quan trọng để “dành” được học bổng. Nói chung, nguyên tắc để thành công trong việc xin học bổng, cũng như trong mọi việc khác trên đời, là LÀM VÀ LÀM HẾT MÌNH ĐIỀU BẠN THÍCH. Mỗi con người có khuynh hướng trở nên xuất sắc chỉ khi họ làm đúng điều họ yêu thích, vì đó chính là năng khiếu. Nếu bạn thích chơi thể thao, hãy chơi thể thao, rồi bạn sẽ dễ dàng lấy được học bổng thể thao. Nếu bạn thích viết, hãy đầu tư viết, rồi bạn sẽ dễ dàng dành học bổng thi viết. Nếu bạn thích khoa học, hãy theo đuổi khoa học, rồi bạn sẽ dành được nhiều học bổng khoa học và thành công trong khoa học. Nếu bạn yêu thích khoa học nhưng chọn ngành luật, bạn sẽ khó mà dành học bổng về luật, và cũng khó thành công ở trường luật.

Xác định những thế mạnh nói trên sẽ giúp bạn xác định “key word” trong khi tìm học bổng. Bạn có thể tham khảo sách danh mục học bổng có ở thư viện trường, nhưng cách nhanh và dễ nhất là dùng các trang web hỗ trợ tìm học bổng.

Dưới đây là một số trang web về học bổng phổ biến:
.  http://www.fastweb.com/
.  http://collegetoolkit.com/
.  http://www.scholarshipexperts.com/

Nguồn: nguoi-viet.com

Hầu hết học bổng yêu cầu bạn phải nộp resume và vài thư giới thiệu. Thư giới thiệu là thư nhận xét về năng lực, học vấn và có thể là tính cách của bạn, do một người quen biết nhưng không phải gia đình, viết. Một số học bổng còn yêu cầu viết tiểu luận về bản thân.

Hãy dành nhiều thời gian chăm chút những tài liệu nói trên. Lập hồ sơ xin học bổng với tâm niệm rằng những người xét học bổng sẽ phải đọc hàng ngàn hay chục ngàn hồ sơ như vậy, và có lẽ chỉ bỏ ra vài phút để lướt qua mỗi hồ sơ. Phải làm cho resume, tiểu luận và thư giới thiệu của bạn “sáng trưng” và đáng nhớ bằng những thông tin và trình bày đặc sắc, có tính sáng tạo. Cho người đọc thấy bạn có những thành tích gì khác người, đã vượt qua những khó khăn trong cuộc sống ra sao và có những mơ ước gì. Phải cân nhắc đến mục đích tìm kiếm của tổ chức cấp học bổng. Nếu họ quan tâm đến cộng đồng, cho họ thấy bạn đã có những hoạt động gì phục vụ cộng đồng.

Người đầu tư cho các học bổng thường muốn chọn những sinh viên có tiềm năng gây ảnh hưởng tích cực trên cộng đồng trong tương lai. Vì vậy nên cho thấy khả năng “gây ảnh hưởng” của bạn trong hoạt động xã hội, sinh hoạt học tập hoặc viết lách. Sinh viên càng có nhiều sinh hoạt ngoại khoá càng có nhiều khả năng dành được học bổng. Hoạt động ngoại khoá có thể là các cuộc thi đua giữa các trường về mọi lĩnh vực, thể thao, âm nhạc, các câu lạc bộ của sinh viên, từ thiện, vvv.

Khi viết tiểu luận cũng như resume, nhớ rằng kể chuyện thành công là kể về “sự kiện” chứ không phải “tính chất.” Thí dụ, viết “ông ta là một người thật thà” sẽ không thuyết phục và dễ nhớ bằng viết “ông ta thấy một bà làm rớt đồng hồ Omega ở thương xá Phúc Lộc Thọ và lượm trả lại cho bà ta.” Học bổng thường nói rõ yêu cầu về đề tài viết tiểu luận. Nếu họ chỉ yêu cầu chung chung là “về bản thân bạn,” thì bạn phải cân nhắc cẩn thận bố cục bài viết. Đừng kể lể lại nội dung của resume, hay tường thuật tiểu sử theo thứ tự thời gian. Bài viết thành công thường là bài kể chuyện về một chọn lựa quan trọng trong đời, một bước ngoặc, một quá trình vượt qua khó khăn, một câu chuyện thể hiện tính cách hay sức ảnh hưởng của bạn, hay thậm chí một thất bại đã giúp bạn trưởng thành.

Thư giới thiệu tốt nhất là do những người đã có dịp làm việc gần gũi với bạn viết. Giảng viên, giáo sư, cấp trên, huấn luyện viên, linh mục trong tôn giáo hoặc đồng sự trong các sinh hoạt xã hội, từ thiện. Nếu bạn xin thư giới thiệu của giảng viên hay giáo sư, nên nhớ lúc phù hợp nhất là khi khoá học vừa kết thúc, vì lúc đó giảng viên còn nhớ rõ về bạn và biểu hiện của bạn trong lớp. Phải xin thư giới thiệu ngay khi học xong một khoá học, và để dành sử dụng khi cần. Khi xin thư giới thiệu, nhớ viết sẵn cho người giới thiệu rõ những thông tin cần biết để làm súc tích nội dung giới thiệu: điểm thi, công việc hay luận văn cụ thể bạn đã làm cho họ, tên họ, địa chỉ của bạn và các giải thưởng hay bằng khen bạn đã nhận được nếu có.

*

Tìm học bổng không dễ dàng, nhưng là việc trong tầm tay nếu bạn chịu đầu tư thời gian. Đầu tư này rất xứng đáng vì những ích lợi cả về tài chính lẫn giá trị nghề nghiệp cho cuộc đời.

Phần lớn học bổng chỉ dành cho công dân Mỹ, hoặc chí ít là thường trú nhân của Mỹ. Tài trợ cho sinh viên nước ngoài khá hạn chế, nhưng thành tích học tập và làm việc rất hữu ích trong việc giúp bạn tìm nguồn tài trợ. Bạn cũng nên cân nhắc các phương thức “vừa học vừa làm” đề cập trong bài “Tài trợ việc học sau đại học.”

Các phương cách tài trợ

Tài trợ của trường -- Bạn nên liên lạc một vị cố vấn giáo dục của trường để hỏi cách tìm hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên nước ngoài. Các trường tư thục có nhiều khả năng sẽ cấp tài trợ cho sinh viên nước ngoài hơn là trường công lập. Ngoài ra, các ngành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên cũng dễ kiếm tài trợ hơn các ngành khác.

Theo các Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, tổng số học bổng toàn phần của các trường mỗi năm dành cho các sinh viên nước ngoài là khoảng 1,000, và chỉ có khoảng 100 trường cấp loại học bổng này. Để dành được học bổng toàn phần, bạn phải là một trong những sinh viên hàng đầu ở nước mình, có điểm SAT và TOEFL cao, và có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực khác chẳng hạn như khả năng lãnh đạo hoặc phục vụ cộng đồng. Tỉ lệ ứng viên dành được học bổng là khoảng 1/20.

Một số trường ở Mỹ cam kết hỗ trợ toàn bộ chi phí cho sinh viên. Phần hỗ trợ này được tính sau khi trừ đi phần phải tự trang trải của sinh viên, căn cứ vào thu nhập của gia đình. Về nguyên tắc, nhiều trường cũng hỗ trợ cho sinh viên nước ngoài theo chế độ này, nhưng thực tế sinh viên nước ngoài rất khó cạnh tranh để được nhận vào những trường này.

Vay tiền -- Bạn có thể vay một phần tiền chi phí học tập. Cố vấn giáo dục của bạn ở trường có thể cung cấp thông tin về các chương trình cho vay mà bạn đủ điều kiện tham gia. Thường thì bạn phải được một công dân Mỹ cùng ký tên bảo lãnh khoản vay.

Đi làm -- Luật hiện hành chỉ cho phép sinh viên nước ngoài được làm việc bán thời gian - không quá 20 giờ một tuần - và trong năm học đầu tiên chỉ được làm việc trong trường. Các công việc ở trường có thể bao gồm làm việc tại các cơ sở của trường như hiệu sách, thư viện, câu lạc bộ sức khỏe, hoặc trong các phòng hành chính của trường. Bạn cũng nên cân nhắc các chương trình trợ tá, trợ giảng và chương trình Cooperative Education. Các chương trình này được đề cập chi tiết trong bài “Tài trợ việc học sau đại học.”

Học bổng thể thao -- Học bổng này của các trường nhằm tuyển mộ tài năng thể thao. Học bổng thể thao thường không phân biệt bạn có là công dân Mỹ không, nên cũng là một khả năng đáng chú ý của sinh viên nước ngoài.

Các học bổng quốc tế -- Một số các tổ chức chính phủ và phi chính phủ có các học bổng dành riêng cho người nước ngoài. Các nguồn này hạn chế và có tính cạnh tranh cao nhưng rất hấp dẫn. Phần dưới đây thảo luận chi tiết hơn về một số học bổng lớn.

Học bổng
Dưới đây là một số học bổng lớn, có mỗi năm, hầu hết là TOÀN PHẦN, cho sinh viên nước ngoài. Các học bổng này tài trợ việc đào tạo sau đại học cho những cá nhân thể hiện được thành tích xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp hay xã hội. Hầu hết đòi hỏi ứng viên đã có một thời gian làm việc chuyên môn ít nhất là 3 năm, và ưu tiên cho các thành phần “thiểu số” như phụ nữ và sắc dân thiểu số. Hầu hết ưu tiên cho các ngành liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội hoặc đến Hoa kỳ học, như Văn học Mỹ, các ngành Hoa Kỳ học, Quản trị kinh doanh, các ngành về Truyền thông, Quan hệ công cộng, Báo chí, Kinh tế học, Phát triển kinh tế, Sức khoẻ, Môi trường, Quản lý giáo dục, Nghệ thuật, Công nghệ tin học, Quan hệ quốc tế, Luật, Quản lý thư viện, Hành chính công, Chính sách công, Công việc xã hội, Giảng dạy Anh ngữ, Qui hoạch đô thị và Phụ nữ học.

Chương trình du học sinh Fulbright – chương trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa sinh viên từ các nước đến Mỹ học cao học hoặc tiến sĩ. Mỗi năm Fulbright cấp học bổng cho khoảng 1,800 sinh viên từ nhiều nước khác nhau. Thông tin về học bổng này thường được phổ biến trên trang web của Lãnh Sự Quán Mỹ nước sở tại.

Chương trình học giả Fulbright –- chương trình của Bộ Ngoại Giao Hoa kỳ tài trợ cho học giả nước ngoài đi giảng dạy hoặc nghiên cứu tại các viên nghiên cứu hoặc trường đại học ở Mỹ, trong thời gian từ ba đến chín tháng. Ứng viên phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ ngành tương ứng. Thông tin về học bổng này cũng được công bố trên trang web của Lãnh Sự Quán Mỹ.

Chương trình học bổng Hubert Humphrey -- Ðây là chương trình học tập, nghiên cứu trong một năm, không cấp bằng, dành cho những viên chức trẻ có triển vọng thăng tiến trong nghề và có nguyện vọng phục vụ công cộng. Người trúng tuyển sẽ theo học một năm ở Hoa Kỳ, trong đó có thực tập chuyên môn, đi thực tế, tham gia hội nghị và hội thảo về lĩnh vực liên quan. Thông tin về học bổng này cũng thường được công bố trên trang web của Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ ở nước sở tại.

Chương trình Ford Foundation International Fellowships (IFP) –- IFP là chương trình của International Fellowships Fund, một tổ chức có trụ sở ở New York City. Chương trình nhằm đem lại cơ hội học cao học cho các cá nhân xuất sắc để họ có thể áp dụng cơ hội học này giúp đỡ sự phát triển kinh tế và cộng đồng xứ sở họ. Học bổng này đã hoạt động ở 22 quốc gia, và cấp khoảng 20 đến 30 học bổng hàng năm ở mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, học bổng này do Center for Educational Exchange with Viet Nam (CEEVN) quản lý. Thông tin cung cấp trên trang web của CEEVN:  http://www.acls.org/ceevn/2007IFPVn.htm .

Chương trình World Fellows của Yale University -- Mục tiêu của chương trình này là “phát triển một mạng lưới quốc tế các nhà lãnh đạo tiềm năng.” Chương trình này của Yale mỗi năm cấp học bổng toàn phần cho 18 người từ khắp nơi trên thế giới đến Yale dự một học kỳ học chuyên biệt về quản lý và lãnh đạo không cấp bằng. Thông tin về chương trình này có trên trang web của Yale University:  http://www.yale.edu/worldfellows/html/program.html .

Chương trình Nhật Bản/World Bank -– Chương trình này do Chính Phủ Nhật Bản tài trợ, Ngân Hàng Thế Giới quản lý, và ứng viên phải là công dân của một nước thành viên của Ngân Hàng Thế Giới. Tên viết tắt của chương trình là JJ/WBGSP. Ứng viên phải ở trong độ tuổi 25 đến 45. Học bổng cấp cho việc học cao học trong các ngành học liên quan trực tiếp đến phát triển; chương trình này không tài trợ học MBA, tiến sĩ (PhD) hay tiến sĩ luật (JD). Chương trình này đã có 20 năm, và đến nay đã cấp khoảng 2,500 học bổng, chọn lựa từ khoảng 53,000 ứng viên. Thông tin được cung cấp trên trang web của Ngân Hàng Thế Giới:  http://go.worldbank.org/DEYLG799V0 .

Chương trình học bổng quốc tế của hội American Association of University Women -- Chương trình này nhằm hỗ trợ cho phụ nữ, cấp học bổng $18,000 cho phụ nữ học cao học và $20,000 cho phụ nữ học tiến sĩ ở Mỹ. Năm học 2006-2007 vừa qua, chương trình đã cấp 51 học bổng, chọn lựa trong số hơn 700 ứng viên từ hơn 100 quốc gia. Thông tin được cung cấp trên trang web của Hội:  http://www.aauw.org/fga/fellowships_gra ... tional.cfm.

Chương trình học bổng riêng cho sinh viên Việt Nam: VEF -- Quỹ Giáo Dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation, VEF) là một tổ chức chính phủ độc lập do Quốc Hội Hoa Kỳ thành lập và chính phủ Hoa Kỳ tài trợ hoạt động. Mục tiêu là trao đổi giáo dục về khoa học và công nghệ với Việt Nam. Học bổng cấp cho sinh viên Việt Nam theo học cao học hoặc tiến sĩ ở Mỹ trong các ngành nghề về khoa học tự nhiên hoặc kỹ thuật công nghệ. Sau vài năm hoạt động, học bổng đã đưa khoảng 200 sinh viên sang Mỹ du học. Thông tin cung cấp trên trang web cũa VEF:  http://home.vef.gov/


Khá nhiều trường đại học nổi tiếng có khuynh hướng tuyển những sinh viên ưu tú nhất và cố gắng bảo trợ toàn bộ chi phí. Tuy nhiên, ở hầu hết các trường khác, chế độ bảo trợ “financial aid” có thể rất phức tạp và nhiều ngóc ngách. Làm sao để được nhận vào những trường tốt nhất đồng thời hạn chế tối đa số tiền phải vay? Dưới đây là một số thông tin bạn cần biết…

“GIẢI MÔ CÔNG THỨC TÍNH “FINANCIAL AID”: EFC
Các khoản “financial aid” bạn có thể được hưởng bao gồm tiền bảo trợ không cần hoàn lại của Chính phủ Liên Bang và Tiểu Bang, các khoản vay có bảo trợ lãi suất của Chính phủ và tiền bảo trợ do chính trường đại học cấp, dưới hình thức không hoàn lại hoặc học có làm việc cho trường.

Để tính số tiền “financial aid” bạn được hưởng, Bộ Giáo Dục và các trường đại học sử dụng khái niệm “phần gia đình phải tự trang trải” (Expected Family Contribution, EFC). EFC đưa vào công thức tính “financial aid” cả thu nhập lẫn tài sản của gia đình để xác định khả năng tự trang trải tiền học. Khi lấy tổng chi phí học tập theo dự tính trừ đi EFC, kết quả sẽ là khoản thiếu hụt mà Chính phủ và trường đại học cố gắng hỗ trợ bạn trang trải bằng “financial aid.”

Ở một số trường công và trường tư danh tiếng, có thể bạn sẽ được bảo trợ đủ bù đắp khoản thiếu hụt mà không cần vay, hoặc chỉ phải vay một khoản nhỏ do trường xác định, như $4,000 hay $5,000 một năm. Trong số này có Stanford University, Harvard University và California Institute of Technology. Tuy nhiên, ở nhiều trường khác, mức bảo trợ sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố được cân nhắc trong chính sách riêng của trường.

Xin nhắc lại, EFC được tính căn cứ vào tài sản và thu thập của cha mẹ và sinh viên. Trong năm học 2008-2009, đối với sinh viên còn phụ thuộc cha mẹ, EFC sẽ bao gồm 12% tài sản của cha mẹ, 100% thu nhập của cha mẹ, 20% tài sản của sinh viên và 50% thu nhập của sinh viên. Đối với sinh viên sống độc lập, EFC sẽ bao gồm 20% tài sản và 50% thu nhập của sinh viên.

Nếu cha mẹ sinh viên có thu nhập không quá $20,000 và thoả điều kiện để khai thuế theo mẫu 1040A hoặc 1040EZ, sinh viên sẽ đương nhiên được xem như có EFC bằng 0.

NHỮNG CÁCH GIẢM EFC HỢP PHÁP
Vì EFC là yếu tố chủ yếu trong mọi công thức tính tiền bảo trợ nên số tiền bảo trợ sẽ giảm theo mức tăng của EFC. Ví dụ, tính riêng khoảng Pell Grant, một khoản tài trợ của Liên Bang, mức tài trợ sẽ là 0 nếu EFC lên tới $4,111, mức tài trợ tăng lên đến $980/học kỳ nếu EFC xuống còn $2,301 và lên đến $2,155/học kỳ khi EFC xuống mức 0. Ở những trường bảo trợ toàn bộ, EFC giảm thêm $5,000 có nghĩa là bạn sẽ có thêm $5,000 tiền bảo trợ của trường. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp giảm EFC một cách hiệu quả và hợp pháp:

Đối với sinh viên còn lệ thuộc cha mẹ, giữ các khoản tiền để dành và tài sản khác dưới tên cha mẹ, thay vì tên của sinh viên. Như đã kể ở trên, có đến 20% tài sản của sinh viên được tính vào EFC, trong khi chỉ có 12% tài sản của cha mẹ được tính. Tài khoản tiết kiệm hay cổ phiếu, chẳng hạn, nên giữ dưới tên cha mẹ. Nếu cha mẹ hay ông bà có ý muốn tặng cho sinh viên quà hay tiền đáng giá, nên chờ cho đến khi sinh viên tốt nghiệp xong đại học. Nếu có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho sinh viên, nên chi tiêu bằng tài sản của sinh viên trước. Thí dụ, nếu cần mua xe hơi cho sinh viên, mua bằng tiền trong tài khoản của sinh viên trước khi dùng đến tiền của cha mẹ. Tài khoản tiết kiệm giáo dục 529 được xem như tài sản của cha mẹ chứ không phải của sinh viên.

Nếu có nhu cầu, thực hiện các khoản tiêu dùng lớn sớm hơn, trước ngày làm tờ khai xin financial aid (FAFSA). Các tài sản có tính tiêu dùng hàng ngày như: xe hơi, máy vi tính, thuyền buồm, trang bị nội thất, sách vở, không bị xem là “tài sản” trong công thức EFC. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng sẽ phải sắm những thứ này, hãy mua sớm hơn, trước khi làm tờ khai FAFSA, để giảm số tiền trong tài khoản ngân hàng vốn bị xem là tài sản riêng.

Trả các khoản nợ tiêu dùng sớm. Các khoản nợ thẻ tín dụng và nợ mua xe hơi không giúp làm giảm tài sản của bạn khi tính EFC. Nếu có quá nhiều tiền mặt trong ngân hàng, nên trả các khoản nợ này để giảm quỹ tiền mặt.

Không nên để phát sinh tiền lời cổ phiếu và trái phiếu vào năm tài chính trước năm nhập học. Muốn vậy, hãy bán cổ phiếu và trái phiếu đi từ đầu năm đó. Tiền lời cổ phiếu/trái phiếu sẽ bị xem là thu nhập.

Nếu thu nhập của cha mẹ ở gần mức $50,000, giữ không để thu nhập vượt mức này, nhất là khi cha mẹ có nhiều tài sản. Nếu cha mẹ sinh viên có thu nhập không quá $49,999 và thỏa điều kiện để khai thuế theo mẫu 1040A hoặc 1040EZ, sinh viên được tính EFC theo Công thức Giản tiện. Công thức Giản tiện không tính giá trị tài sản vào EFC, do đó rất có lợi khi cha mẹ thực tế sở hữu nhiều tài sản. Một vài cách có thể giúp giảm thu nhập là xin nghỉ phép không hưởng lương và bán đi những chứng khoán xấu để phát sinh lỗ chứng khoán. Nếu có doanh nghiệp gia đình, có thể giảm lương trả cho cha mẹ trong năm đó.

Ở mức có thể và phù hợp, chuyển tài sản gia đình sang thành tài sản doanh nghiệp. Theo HERA 2005, những gia đình có cơ sở kinh doanh sử dụng không quá 100 nhân công toàn thời gian sẽ không phải gộp tài sản của cơ sở kinh doanh vào tổng tài sản khi tính EFC. Thí dụ, cha mẹ sinh viên A có tài sản trị giá $100,000 và đang sở hữu một cơ sở kinh doanh trị giá $800,000. Theo HERA 2005, khi xét trợ cấp, chỉ có phần $100,000 bị tính là tài sản, tăng EFC lên chỉ có $12,000, tức 100,000x12%. Trước đây, tài sản trường hợp này bị xác định là $900,000, làm tăng EFC lên đến $108,000, một sự cách biệt rất lớn. Theo Phòng Thống kê Hoa Kỳ, hiện có 98% trong số 5.8 triệu doanh nghiệp ở Hoa Kỳ sử dụng dưới 100 nhân công. Để được áp dụng HERA 2005, cơ sơ kinh doanh phải do gia đình sở hữu và kiểm soát ít nhất 50%. Một điều hết sức thuận lợi nữa là nếu gia đình sinh viên đang sở hữu hai cơ sở kinh doanh khác nhau và mỗi cơ sở kinh doanh đều sử dụng dưới 100 nhân công, giá trị của của cả 2 cơ sở kinh doanh này vẫn không bị đưa vào tổng tài sản gia đình.

Các khoản bảo trợ của Chính phủ được cấp theo mức EFC hoặc theo điểm GPA của sinh viên. Các qui chế này khá rõ ràng. Nhưng các khoản tài trợ này có những giới hạn nhất định, nên sinh viên còn cần thêm tài trợ từ phía trường. Đa số các trường không bảo trợ toàn bộ. Mức bảo trợ của họ căn cứ vào những tiêu chí khác nhau, khá phức tạp và không được công bố rộng rãi.

Theo một nghiên cứu do US News thực hiện, các trường đại học sử dụng một lực lượng đáng kể các chuyên gia, đa số là các tiến sĩ kinh tế, để tính toán sao cho họ có thể “dành” được tối đa những sinh viên họ muốn, đồng thời giảm thiểu tối đa chi phí financial aid phải cấp cho sinh viên. Cuộc nghiên cứu này tiết lộ những thông tin sau về cách các trường đại học quyết định mức financial aid cho mỗi sinh viên:

Trình độ sinh viên – sinh viên có nhiều khả năng hơn, điểm học cao hơn, hoặc có những tài năng đặc biệt mà trường cần đến, như tài năng về thể thao, thường được hưởng nhiều financial aid hơn. Nhưng mức điểm như thế nào là cao? Cuộc nghiên cứu này cho thấy sinh viên với điểm SAT và GPA nằm trong mức “top 25%” của trường có khả năng cao nhất được hưởng đủ financial aid cho đến 70%-80% nhu cầu. Vì vậy, lời khuyên là nên nộp đơn vào những trường đại học nơi điểm GPA và SAT của bạn thuộc hàng “top 20%- 25%.” Đó là những nơi bạn có thể được hưởng tối đa financial aid.

Giới tính và sắc dân - Nhiều trường dùng “financial aid” làm công cụ để giúp tăng sự đa dạng trong cộng đồng sinh viên. Nếu trường đang có chính sách tăng tỉ lệ nữ sinh do thiếu nữ sinh, nữ sinh sẽ được hưởng nhiều financial aid hơn nam sinh có cùng điều kiện kinh tế và khả năng. Một số trường, ngược lại, sẽ ưu đãi hơn cho nam sinh vì họ thiếu nam sinh. Sắc dân cũng là một yếu tố khác có thể được cân nhắc trong chính sách về financial aid.

Cạnh tranh – Các trường cũng sẽ cạnh tranh nhau dành những sinh viên ưu tú, hoặc những sinh viên có một số đặc tính nào đó họ cần. Một nhà kinh tế thuộc trường California State University, ông David Lang, cho biết nghiên cứu của ông cho thấy những bằng chứng là sinh viên được vài trường khác nhau nhận được hưởng financial aid trung bình cao hơn các sinh viên khác khoảng 30%. Chuyên viên về financial aid của các trường sẽ nhìn vào mẫu FAFSA để xem những trường nào được sinh viên liệt kê trong đó. Theo họ, vấn đề không phải là bao nhiêu trường, mà là những trường nào. Trường sẽ có khuynh hướng cạnh tranh với những trường có đẳng cấp và chi phí học tương đương và ở trong cùng khu vực địa lý. Vì vậy, nếu sinh viên xem trường B là “lựa chọn số một,” nên xin vào một số trường khác có cùng đẳng cấp và chi phí như trường B, để tạo ra một không khí cạnh tranh. Có một vài chuyên viên cũng tiết lộ, trong danh sách các trường bạn liệt kê vào FAFSA, nếu bạn để tên trường B ở đầu tiên, trường B có thể cho rằng họ là “lựa chọn số một” của bạn, nên có thể sẽ không tăng financial aid của bạn lên để cạnh tranh với những trường khác.

Trường trung học -- Nhiều trường đại học đánh giá cao một số trường trung học nổi tiếng lâu đời, hoặc biết rõ các trường trung học này có khuynh hướng cho điểm khó khăn hơn bình thường. Nếu bạn học từ những trường trung học này, bạn cũng có thể sẽ hưởng nhiều financial aid hơn người khác trong năm đầu đại học.

*

Tóm lại, hai nguyên tắc vàng để được hưởng nhiều financial aid hơn là nộp đơn xin vào các trường đại học cạnh trạnh được với trường “lựa chọn số một” của bạn, và hãy xin vào những trường mà ở đó bạn thuộc vào nhóm “top 20-25%.”

Award letter: Thư của văn phòng financial aid của trường thông báo mức financial aid được nhận.

Base year: Năm dùng để tính nhu cầu của sinh viên cần được tài trợ. Năm “base year” là năm trước niên học đang xin. Thí dụ, xin financial aid cho niên học 2007-2008 thì “base year” là 2006.

CPS hay “Central Processing System”: Tên gọi hệ thống điện toán của liên bang, hệ thống điện toán này lấy dữ kiện từ trong FAFSA và các nguồn khác, rồi in và gửi ra bản báo cáo về tình hình tài chánh của sinh viên (bản Student Aid Report - SAR) tới văn phòng financial aid của các trường.

Custodial parent: Trong trường hợp cha mẹ của người sinh viên đã ly dị hoặc ly thân, thì khi điền đơn FAFSA, giữa cha và mẹ, người sinh viên sống với ai nhiều hơn trong 12 tháng trước đó, thì người đó là “custodial parent”.

Direct loan hay “DLP” hay “William D. Ford Federal Direct Loan Program”: Một dạng student loan trong đó tiền cho vay là do chính quyền liên bang cung cấp, nhưng nhà trường đứng tên cho vay. Nhiều đại học không tham gia chương trình này.

Eligible Non-Citizen: Sinh viên không phải công dân Mỹ nhưng vẫn được nhận financial aid. Những sinh viên sau đây được nhận financial aid:

1. Thường trú nhân (có thẻ xanh).
2. Thường trú nhân có điều kiện (có thẻ xanh “tạm” - mẫu I-551C)
3. Người không có thẻ xanh nhưng khi vào Hoa Kỳ thì được cấp I-94 có in một trong những chữ sau đây:

. Refugee,
. Asylum Granted,
. Indefinite Parole,
. Humanitarian Parole, hay
. Cuban-Haitian Entrant.

FAFSA: Viết tắt chữ “Free Application fro Federal Student Aid” - mẫu đơn xin tài trợ, nộp cho liên bang để xin Pell Grants và nhiều loại tài trợ khác dành cho sinh viên nghèo. Hầu hết các tiểu bang đều đòi hỏi phải nộp FAFSA chung với mẫu đơn của tiểu bang. Lưu ý: Học bổng dành cho sinh viên giỏi thường xin riêng, không xin qua FAFSA.

FDSLP hay “Federal Direct Student Loan Program”: Tên chung cho các loại student loan trong đó tiền cho vay là do chính quyền liên bang cung cấp, gồm Direct Subsidized Student Loan, Direct Unsubsidized Student Loan, và Direct PLUS Loan. Một số đại học không tham gia chương trình này.

FFEL hay “Federal Education Loan Program”: Tên chung cho các loại student loan do ngân hàng tư nhân cho vay nhưng chính quyền liên bang đứng ra bảo đảm. Ba loại FFEL gồm có Stafford Loan (subsidized và unsubsidized), và Parent PLUS.

Guaranteed Student Loan: Tên cũ để gọi Subsidized Stafford Loan.

HEAL hay “Health Education Assistance Loan”: Chương trình student loan của Bộ Y Tế Liên Bang (Heatlh and Human Services) dành cho sinh viên chuyên ngành y tế: y khoa, osteopathy, nha khoa, thú y, optometry, podiatry, tâm lý trị liệu, y tế công cộng, điều hành bệnh viện. Sinh viên cử nhân ngành khoa học dược (pharmacology) cũng được mượn tiền này.

National Direct Student Loan: Tên cũ để gọi Perkins loan.

Nursing Student Loan: Chương trình student loan của Bộ Y Tế Liên Bang (Heatlh and Human Services) dành cho sinh viên ngành điều dưỡng (nursing).

Parent PLUS: Chương trình cho phụ huynh vay tiền để trả tiền học cho con. Phân lời được tính theo công thức định sẵn và lên xuống tùy lúc, nhưng không quá 9%.

Pell Grant: Chương trình của chính phủ liên bang trợ cấp tiền cho sinh viên, không cần trả lại.

Perkins Loan: Một chương trình của chính phủ liên bang cho sinh viên vay tiền. Sinh viên bậc cử nhân được mượn tối đa $3,000 một năm, bậc sau đại học được mượn $5,000 một năm. Tiền vay Perkins Loan có phân lời rất thấp, và không cần trả lại cho tới 9 tháng sau ngày ngưng học. Tiền lời trong thời gian còn đi học được chính phủ trả giùm.

ROTC hay “Reserve Officer Training Corps”: Chương trình sinh viên vừa học vừa tham gia sĩ quan dự bị. ROTC có cấp học bổng và nếu đủ tiêu chuẩn, người sinh viên được trả tiền học, tiền sách và học cụ, và thêm một khoản tiền để chi tiêu.

Sallie Mae: Thị trường tài chánh trong đó hợp đồng student loan được mua đi bán lại như mua bán chứng khoán. Thị trường này trước mang tên Student Loan Marketing Association, viết tắt SMLA và theo tên tắt đó gọi lóng là Sallie Mae, nay tên lóng thành tên chính thức.

Stafford Loan: Tên gọi dạng student loan trong đó người cho vay là các ngân hàng, người đứng bảo đảm là các tiểu bang, và chính quyền liên bang thì lại đứng sau bảo đảm cho các tiểu bang. Phân lời Stafford Loan được tính theo công thức định sẵn và có thể lên xuống nhưng không quá 8.25%. Có hai loại Stafford Loan: Subsidized và Unsubsidized. Subsidized Stafford Loan được cấp tùy tiêu chuẩn và tình trạng tài chánh của sinh viên, càng nghèo càng được nhiều. Unsubisidized Stafford Loan không đòi hỏi tình trạng tài chánh.

. Khi mượn tiền Subsidized Stafford Loan, sinh viên không phải trả tiền lời trong thời gian đi học và trong 6 tháng sau ngày ngưng học vì chính phủ sẽ trả số đó. Subsidized Stafford Loan trước đây gọi là Guaranteed Student Loan (GSL).

. Tiền Unsubsidized Stafford Loan sẽ tính tiền lời ngay từ lúc đầu. Sinh viên không cần phải trả tiền này cho tới 6 tháng sau ngày ngưng học, nhưng trong khi đó thì tiền lời cứ tăng dần và tính chung vào vốn. Unsubsidized Stafford Loan trước đây gọi là Supplemental Loan for Students (SLS).

. Mức tối đa được mượn Unsubsidized Stafford Loan tùy theo đã học được bao nhiêu học phần. Học được càng nhiều thì mức càng cao.

SAR hay “Student Aid Report”: Tổng kết về tình hình tài chánh của sinh viên, do CPS của liên bang tính ra, dựa trên FAFSA và các dữ liệu khác. Sinh viên được nhận bản giấy của SAR để nếu cần thì bổ túc hoặc đính chính. Văn phòng financial aid các đại học cũng nhận bản sao SAR dưới dạng điện tử.

Work-study: Chương trình trong đó chính quyền liên bang trả giúp một phần lương cho sinh viên, do đó sinh viên dễ được nhận làm việc hơn. Tiền work-study được xem là tiền trợ cấp nên không tính vào thu nhập khi xin financial aid năm sau. (Tuy nhiên, vẫn phải đóng thuế.)


Share: