Nếu một ngày nào đó Tập Minh Trạch lựa chọn phong cách sống cởi mở, chúng ta có thể khám phá những gì cô đã mang về nước sau khi học tập tại Hoa Kỳ.
Cha con ông Tập Cận Bình ở Phúc Châu khi Tập Minh Trạch còn là một đứa trẻ. Ảnh: The New Yorker.
Tờ The New Yorker ngày 6/4 đưa tin, vào một buổi sáng đầy nắng tháng Năm năm ngoái, một thành viên đại học Havard lên nhận bằng tốt nghiệp và chuẩn bị khởi hành rời khỏi khuôn viên trường đại học nổi tiếng thế giới một cách lặng lẽ như khi cô đến.
Tập Minh Trạch, con gái duy nhất của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc và ca sĩ Bành Lệ Viện đã rời ký túc xá Adams House, nơi Franklin Roosevelt và Henrry Kisinger từng ở khi hai chính khách này học tập ở Havard.
Tập Minh Trạch đã nghiên cứu ngành tâm lý học và tiếng Anh tại Havard bằng một cái tên giả. Danh tính của cô chỉ được biết đến bởi một số lượng hạn chế các giảng viên và bè bạn, ít hơn 10 người, theo Kenji Minemura, một phóng viên của tờ Asahi Shimbun chuyên theo chân săn tin Tập Minh Trạch tại Hoa Kỳ.
Trạch đã được bảo vệ khỏi sự chú ý của báo chí, giống như con cái các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp ngoại lệ, ví dụ như Bạc Qua Qua, con trai cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
Qua Qua từng mời Jackie Chan đến Oxford và hát với mình trên sân khấu, lái chiếc Porsche đời mới khi làm nghiên cứu sinh tại đại học Havard. Tuy nhiên Tập Minh Trạch đã có một cuộc sống “thanh đạm” ở nước ngoài, cô dành tất cả thời gian cho việc học tập, nghiên cứu, Minemura cho biết.
Ở tuổi 22 bây giờ Trạch đã trở về Trung Quốc. Cô cũng đã từng có vài lần xuất hiện công khai cùng cha mẹ trong một chuyến đi gần đây đến Diên An, nơi ông Bình từng tới lao động trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa khi còn là một thanh niên.
Mặc dù Tập Cận Bình đã từng đi khắp nơi, nhưng ông chưa bao giờ sống ở nước ngoài giống như những người tiền nhiệm. Giang Trạch Dân đã học tại trường Stalin Automobile Works ở Moscow, Đặng Tiểu Bình sống ở Pháp 5 năm và từng học ở Liên Xô cũ.
The New Yorker nói rằng “vợ cũ” của ông muốn sống tại Anh còn Tập Cận Bình thì không, họ đã ly dị. Tuy nhiên thông tin cá nhân Tập Cận Bình trên trang từ điển mở Wikipedia không thấy đề cập tới chi tiết này.
Người trong hình được cho là Tập Minh Trạch, con gái Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nguồn: Shanghai Ist.
Thăng tiến qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau, Tập Cận Bình thường xuyên phải giao thiệp với người phương Tây, nhưng Bắc Kinh gần đây đã chủ trương chống lại ảnh hưởng từ nước ngoài. Viên Quý Nhân, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc nói rằng ngành này không được phép tuyên truyền “các giá trị phương Tây” vào học đường nước họ. Theo The New Yorker, điều này khiến người ta tự hỏi, Tập Minh Trạch sẽ nói gì với cha mình về cuộc sống của cô ở Mỹ.
Đối với công dân Trung Quốc, những tác động của việc du học ở Hoa Kỳ hiếm khi chỉ đơn giản như việc trở về nước với những ý tưởng “cực kỳ khác”. Phân tích số liệu các sinh viên nước ngoài du học tại Hoa Kỳ cho thấy sinh viên Trung Quốc có nhiều khả năng ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp nhất.
92% sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp vẫn còn ở lại Mỹ 5 năm sau khi nhận bằng tiến sĩ, trong khi sinh viên Hàn Quốc chỉ chiếm 41%. Sự chênh lệch này được cho là do sự khác biệt về áp lực gia đình cũng như cơ hội việc làm. Trở về nhà không phải lúc nào cũng tìm được việc một cách dễ dàng.
Một cuộc khảo sát năm 2009 do quỹ Ewing Marion Kauffman tài trợ cho thấy 17% số sinh viên Trung Quốc được hỏi họ cảm thấy khó khăn trong việc ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, nhưng con số cảm thấy khó khăn khi về nước do sốc văn hóa, ô nhiễm và các yếu tố khác lại nhiều gấp đôi, 34%.
Nếu một ngày nào đó Tập Minh Trạch lựa chọn phong cách sống cởi mở, chúng ta có thể khám phá những gì cô đã mang về nước sau khi học tập tại Hoa Kỳ trong một buổi tối bên ly cà phê, The New Yorker viết. Tuy nhiên với phong cách “kín như bưng” của con cái các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi du học nước ngoài, điều này sẽ còn gây nhiều sự tò mò, chú ý của dư luận và giới truyền thông mà khó có thể có câu trả lời chính xác – PV.
Trong khi đó các công dân khác của Trung Quốc di du học nước ngoài có thể cho thấy sự phức tạp của việc “thẩm thấu các giá trị phương Tây” vào Trung Quốc.
Theo The New Yorker