Obama

Năm 2015 sẽ là cơ hội tuyệt vời để Hoa Kỳ và Việt Nam thúc đẩy quan hệ, với đỉnh cao là chuyến viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Barack Obama, được trông đợi là sẽ diễn ra vào cuối năm.

Đó là nhận định trong bài viết đăng ngày 19/2/2015 của các tác giả Murray Hiebert và Phuong Nguyen từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) đặt tại Washington D.C.

Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Từ 1995 tới nay, quan hệ giữa hai nước đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng, từ kinh tế, chính trị, an ninh cho tới giáo dục.

Công du Á châu

Tháng 11/2015, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines, và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Malaysia.

Bài viết đăng trên trang CSIS nói rằng với việc tới Việt Nam trong thời gian đó, ông Obama sẽ có thể xác lập những thắng lợi quan trọng về chính sách ngoại giao, đồng thời phát triển hợp tác toàn diện mà ông đã tuyên bố cùng người tương nhiệm Việt Nam hồi 2013.

Trong lĩnh vực kinh tế, bài viết nhận định rằng nếu thỏa thuận hợp tác thương mại liên Thái Bình Dương (TPP) được hoàn tất trong nửa đầu năm nay thì ông Obama sẽ có lợi thế quan trọng khi tiến hành chuyến công du Á châu vào cuối năm.

Thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đạt 35 tỷ đô la trong năm ngoái, chiếm 22% tổng thương mại Hoa Kỳ có với khối ASEAN và đưa Việt Nam trở thành nhà cung ứng lớn nhất trong ASEAN cho thị trường Mỹ.

Nếu đàm phán TPP hoàn tất để Việt Nam trở thành thành viên của hiệp ước này thì thương mại song phương được trông đợi là sẽ tăng lên 57 tỷ đô la tính đến 2020, theo ước tính của Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam dự tính cũng sẽ tăng mạnh, với hy vọng là các hãng lớn của Hoa Kỳ như Boeing, General Electric, v.v… có thể ký được các hợp đồng lớn trong những lĩnh vực hàng không hay năng lượng hạt nhân với Việt Nam.

Trong lĩnh vực an ninh, theo thỏa thuận khung giữa Mỹ và Việt Nam, được đàm phán hồi 2011, có năm lĩnh vực ưu tiên được đề cập tới, gồm đối thoại cấp cao, an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu hộ, hỗ trợ nhân đạo và thảm họa, và gìn giữ hòa bình, đã được coi là cơ sở hợp tác giữa hai nước từ những năm qua, trong đó vấn đề hàng hải được đặc biệt quan tâm.

Lợi ích của Mỹ tại Á châu

Theo bài viết thì trong chuyến viếng thăm Việt Nam, Tổng thống Obama nên tính chuyện có diễn văn về vấn đề tái cân bằng của Mỹ tại Á châu trong tương lai và tái xác nhận tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với lợi ích dài hạn của Mỹ tại khu vực.

Theo kế hoạch, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC, sẽ được tổ chức tại Philippines vào tháng 11/2015

Việc hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ là dịp đặc biệt thích hợp để ông Obama có bài diễn văn như thế, các tác giả bài viết bình luận.

Ngoài ra, còn hai sáng kiến nổi bật nữa của Mỹ khiến chuyến đi của ông Obama tới Việt Nam năm nay càng thêm ý nghĩa.

Đó là đề xuất mở cơ sở của Peace Corps, một tổ chức quốc tế của Mỹ chuyên giúp đỡ các đối tượng cần giúp trên thế giới, và mở Đại học Fulbright, có thể sẽ trở thành đại học độc lập kiểu Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam là nước có đông học sinh, sinh viên tới Hoa Kỳ học tập nhất trong khối các nước Đông Nam Á.

Bài viết nhận định là việc tuyên bố thỏa thuận mở hai cơ sở trên trong chuyến đi, nếu được, sẽ là dấu hiệu cho thấy ông Obama tăng cường quyền lực mềm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Tổng thống Mỹ cũng được đánh giá là đang trong vị thế thuận lợi nhất để đề cập tới hai vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt-Mỹ, là nhân quyền và di sản cuộc chiến Việt Nam.

Điều ông cần làm, theo các tác giả bài viết, là phải tỏ rõ cho nước chủ nhà thấy Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tình hình nhân quyền, đặc biệt là trong vấn đề truyền thông và các blogger chính trị, bởi điều đó sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo dựng sự hợp tác song phương trong tương lai, cũng như vị thế của chính Việt Nam trong khu vực.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội thích hợp để hai nước thúc đẩy việc giải quyết hậu quả của chất da cam và tình trạng bom mìn còn sót lại ở Việt Nam, các tác giả nói thêm.

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: