Trung Quốc tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma ‘ủng hộ’ Nhà nước Hồi giáo vì hành động kêu gọi đối thoại với các chiến binh của tổ chức khủng bố này. Reuters trích nguồn tin từ báo chí Trung Quốc cho biết hôm thứ Tư.
Trước đó, tờ báo Ý La Stampa dẫn lời Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm thứ Hai nói rằng việc đối thoại với Nhà nước Hồi giáo là cần thiết để đảm bảo hòa bình.
“Bằng cách nói, lắng nghe, hiểu và tôn trọng họ, nó phô bày, trong thâm tâm ông ta, sự cảm thông hay tán thành của ông ta đối với IS”, tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Châu Duy Quần, Chủ tịch Ban Tôn giáo Dân tộc của cơ quan tư vấn hàng đầu quốc hội Trung Quốc, nói.
Quan chức Trung Quốc này cho rằng nguyên nhân căn bản của sự cảm thông của Đức Đạt Lai Lạt Ma là do thực tế “ông ta chưa bao giờ từ bỏ bạo lực trong cuộc đời chính trị của ông ta”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chưa có bình luận gì về phát biểu của ông Châu.
Bắc Kinh tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma là người chủ trương ly khai, điều mà vị lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng luôn bác bỏ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải bỏ trốn và sống lưu vong kể từ năm 1959 sau cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Quốc đối với Tây Tạng.
Trung Quốc gần đây gia tăng những phát biểu chống lại Đức Đạt Lai Lạt Ma. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm thứ Ba cho biết lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tây Tạng đã hối thúc Ban Thiền Lạt Ma, nhân vật đứng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng được Trung Quốc bổ nhiệm, chối bỏ Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Một quan chức được trích lời nói rằng Ban Thiền Lạt Ma đã được ca ngợi rộng rãi kể từ khi lên nắm vị trí lãnh đạo kể từ hai thập niên trước trong chiến thắng vĩ đại chống lại “những kẻ ly khai”.
Nhiều người Tây Tạng lo sợ Bắc Kinh sẽ sử dụng việc kế nhiệm sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời để chia rẽ Phật giáo Tây Tạng, giữa phái của những người lưu vong và phái của chính quyền Trung Quốc.
Bắc Kinh khẳng định sẽ chấp thuận Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp, mặc dù vị đương nhiệm nói rằng vị trí này có thể mất đi khi ông qua đời.