Trích lục-Sao y giấy khai sinh, hôn thú.

I/. Giấy Khai sinh, giấy Hôn thú: trích lục hoặc bản sao. Sự khác biệt giữa bản trích lục và bản sao. Bản sao này là gì? Có khác với bản photocopy rồi công chứng “Sao y bản chánh” không? Trong hồ sơ di trú, nên dùng loại nào?

Đối với các giấy tờ Tư pháp nói chung và Khai sinh nói riêng, NVC không chấp nhận bản photocopy dù có được đem công chứng “sao y bản chánh” mà yêu cầu phải là bản chính, bản trích lục hoặc bản sao.

Phân biệt giữa các thuật ngữ:

– Bản trích lục khai sinh: Là văn bản trích xuất một số thông tin về ngày sinh của một người có trong sổ bộ hộ tịch hoặc bản án được lưu giữ tại cơ quan Tư pháp, thường là cấp Tỉnh, theo mẫu thống nhất. Thường áp dụng trong chế độ cũ trước đây. Có các hình thức tương đương như Bản án thế vì khai sinh thường áp dụng cho các gia đình di cư năm 1954, không có hồ sơ sinh gốc, và để làm giấy khai sinh cho con họ phải đệ đơn lên Tòa án, cùng với một số người làm chứng, ký tên trước Tòa xác nhận và Tòa cấp cho Bản án thế vì khai sinh thay cho Giấy khai sinh.

– Bản sao khai sinh, chứng nhận kết hôn: Bản sao lại thông tin có trong sổ bộ hộ tịch lưu trữ theo mẫu Giấy khai sinh, Chứng nhận kết hôn như thời gian trước đây hoặc theo mẫu quy định như hiện nay đang áp dụng. Có thể, một cách nào đó xem như là một “phó bản” của giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.

Hai loại giấy tờ trên có đặc điểm là: Do cơ quan tư pháp cấp, có mẫu thống nhất theo quy định pháp luật, có giá trị pháp lý, được xem tương đương bản chính.

Trong hồ sơ Di trú bắt buộc sử dụng một trong hai loại giấy tờ này. Khác nhau: hình thức trích lục được áp dụng trước đây; hình thức bản sao áp dụng hiện hành.

Riêng với thuật ngữ Bản sao thường bị lầm lẫn với bản Photocopy, là sao chép bản chính bằng máy photocopy rồi đưa ra công chứng chứng thực sao y bản chánh. Với bản sao photocopy này không do cơ quan tư pháp ký nên không có giá trị pháp lý, ngay cả đối với quy định pháp luật hiện nay ở VN, không riêng gì Hoa Kỳ.

II/. Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch, cấp lại bản chính giấy khai sinh.

Trích: Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch

Điều 60. Bản sao và thẩm quyền cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.

1. Bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch là bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này, căn cứ vào sổ hộ tịch hiện đang lưu trữ, để cấp cho người có yêu cầu.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Tư pháp, nơi lưu trữ sổ hộ tịch thực hiện cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.

3. Người yêu cầu cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch có thể gửi đề nghị qua đường bưu điện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 61. Nguyên tắc ghi bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.

1. Nội dung của bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch phải ghi theo đúng nội dung đã được đăng ký trong sổ hộ tịch.

2. Trong trường hợp sổ hộ tịch đã ghi chú việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch hoặc điều chỉnh hộ tịch, thì bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch được ghi theo nội dung đã được ghi chú.

Điều 62. Cấp lại bản chính Giấy khai sinh và thẩm quyền cấp lại bản chính Giấy khai sinh.

1. Trong trường hợp bản chính Giấy khai sinh bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều nội dung do được thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch hoặc điều chỉnh hộ tịch mà Sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được, thì được cấp lại bản chính Giấy khai sinh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi lưu trữ Sổ đăng ký khai sinh thực hiện việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh.

3. Sở Tư pháp tỉnh (thành phố), nơi trước đây đương sự đã đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thực hiện việc cấp lại bản chính Giấy khai sinh.

Điều 63. Thủ tục cấp lại bản chính Giấy khai sinh.

1. Người yêu cầu cấp lại bản chính Giấy khai sinh phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và bản chính Giấy khai sinh cũ (nếu có).

2. Sau khi nhận Tờ khai, cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp hoặc cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp căn cứ vào Sổ đăng ký khai sinh đang lưu trữ để ghi vào nội dung bản chính Giấy khai sinh và ghi rõ “Cấp lại” dưới tiêu đề của bản chính Giấy khai sinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp cho đương sự một bản chính Giấy khai sinh mới, thu hồi lại Giấy khai sinh cũ (nếu có). Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “Đã cấp lại bản chính Giấy khai sinh ngày… tháng… năm…”.

3. Nguyên tắc ghi nội dung bản chính giấy khai sinh khi cấp lại được áp dụng tương tự quy định tại Điều 61 của Nghị định này.

4. Sau khi cấp lại bản chính Giấy khai sinh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã; nơi đã đăng ký, khai sinh để ghi chú tiếp vào Sổ đăng ký khai sinh lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 64. Cấp bản sao giấy tờ hộ tịch và cấp lại bản chính Giấy khai sinh cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Các quy định về cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch, cấp lại bản chính Giấy khai sinh tại Chương này, cũng được áp dụng cho người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước đây đã đăng ký hộ tịch tại Việt Nam.

Thẩm quyền cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch và cấp lại bản chính Giấy khai sinh trong trường hợp này là Sở Tư pháp nơi lưu trữ sổ đăng ký hộ tịch.

Lưu ý: Người VN đang định cư, học tập, làm việc tại nước ngoài không thể về VN để làm giấy tờ thì phải làm giấy ủy quyền cho người nhà tại VN làm giùm. Giấy ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Xem hướng dẫn tại đây:

Giấy ủy quyền

VN Embassy in US

III/. Cấp lại sổ hộ khẩu bị hư, mất.

Trích: Thông tư Số: 35/2014/TT-BCA
Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2014.

Điều 10. Cấp sổ hộ khẩu.

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký thường trú theo quy định tại Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật Cư trú. Sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

Công dân thay đổi nơi thường trú ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài phạm vi thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì được cấp sổ hộ khẩu mới.

2. Trường hợp sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Sổ hộ khẩu được đổi, cấp lại có số, nội dung như sổ hộ khẩu đã cấp trước đây. Hồ sơ đổi, cấp lại sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trường hợp cấp lại sổ hộ khẩu tại thành phố, thị xã thuộc tỉnh và quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;

b) Sổ hộ khẩu (đối với trường hợp đổi sổ hộ khẩu do bị hư hỏng) hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với trường hợp đổi từ mẫu sổ cũ đổi sang mẫu số mới).Cơ quan đăng ký cư trú thu lại sổ hộ khẩu bị hư hỏng hoặc sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và đóng dấu hủy để lưu hồ sơ hộ khẩu.

3. Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú phải đổi, cấp lại sổ hộ khẩu.

4. Trong quá trình đăng ký thường trú, nếu có sai sót trong sổ hộ khẩu do lỗi của cơ quan đăng ký thì trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của công dân, cơ quan đăng ký thường trú phải có trách nhiệm điều chỉnh sổ hộ khẩu cho phù hợp với hồ sơ gốc.

5. Người có nhu cầu tách sổ hộ khẩu quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú thì chủ hộ phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu đồng ý cho tách sổ hộ khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm. Khi tách sổ hộ khẩu không cần xuất trình giấy tờ về chỗ ở hợp pháp.

6. Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Trưởng công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh là người có thẩm quyền ký sổ hộ khẩu.

7. Người trong hộ gia đình có trách nhiệm bảo quản, sử dụng sổ hộ khẩu theo đúng quy định. Phải xuất trình sổ hộ khẩu khi cán bộ Công an có thẩm quyền kiểm tra. Nghiêm cấm sửa chữa, tẩy xóa, thế chấp, cho mượn, cho thuê hoặc sử dụng sổ hộ khẩu trái pháp luật.

8. Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Hiệu lực thi hành.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 10 năm 2014 và thay thế Thông tư số 52/2010/TT-BCA ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2007 và Nghị định số 56/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2010 về cư trú.

IV/. Thủ tục cấp lại sổ hộ khẩu.

1. Điều kiện cấp lại sổ hộ khẩu:

– Sổ hộ khẩu bị mất thì được cấp lại.

2. Hồ sơ cấp lại sổ hộ khẩu:

– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (mẫu HK02) có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi đăng ký thường trú.

Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (Mẫu HK02 ban hành theo TT số 81/2011/TT-BCA ngày 15/12/2011): dùng để thông báo khi có thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu như: Đăng ký thường trú, tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, nơi đăng ký thường trú, tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách sổ hộ khẩu, đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, cấp giấy chuyển hộ khẩu, xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú… 

3. Nơi nộp hồ sơ cấp lại sổ hộ khẩu:

– Đối với thành phố trực thuộc Trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã.

– Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

4. Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp lại sổ hộ khẩu cho công dân.

5. Lệ phí:

– Nộp lệ phí theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

 

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!