Lần thứ bảy và cũng là lần cuối trong cương vị tổng thống, ông Barack Obama sẽ đứng trước Quốc hội và công chúng Mỹ để trình bày tầm nhìn của mình không chỉ về những tháng còn lại trong nhiệm kỳ mà cả về tương lai của nước Mỹ. Thông tín viên Aru Pande của đài VOA tại Tòa Bạch Ốc tường thuật.
Ông Obama nói trong một đoạn video của Phòng Bầu dục giới thiệu trước về diễn văn của ông:
“Không chỉ những tiến bộ đáng chú ý mà chúng ta đạt được, không chỉ những gì tôi muốn đạt được trong những năm tới, mà còn là những gì tất cả chúng ta cần làm cùng nhau trong những năm tới. Những điều lớn lao sẽ bảo đảm một nước Mỹ thậm chí còn vững mạnh hơn, tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn cho con cháu chúng ta.”
Một Obama lạc quan
Trong đoạn video, ông Obama nói ông chưa bao giờ lạc quan hơn lúc này về con đường Hoa Kỳ đang đi. Sự lạc quan này không chỉ hướng về 2016 mà cả những năm sau đó. Các quan chức Nhà Trắng cho biết điều đó sẽ được trình bày cụ thể khi tổng thống phát biểu trước quốc dân trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của ông vào tối Thứ Ba này.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, ông Josh Earnest nói “Hoa Kỳ đã hồi phục từ cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, và chúng ta đã thấy tất cả những sự chao đảo kinh tế ở các nước trên khắp thế giới, trong khi sức mạnh kinh tế Mỹ là một sự tương phản rõ rệt với sự bất ổn đó.”
Ông Earnest cho hay không như năm ngoái, khi ông Obama liệt kê các đề xuất cụ thể, bao gồm cả các sáng kiến miễn học phí đại học cộng đồng và tăng cường an ninh không gian mạng, năm nay tổng thống sẽ tập trung vào viễn cảnh dài hạn của đất nước, đồng thời phản bác một số ý kiến bi quan thể hiện trong cả các cuộc thăm dò dư luận cũng như trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống.
Ông Earnest nói “Phần lớn những lời lẽ đao to búa lớn chúng ta nghe thấy từ phía bên kia tập trung vào nỗi lo sợ về tương lai và cảm giác bất an về một thế giới đang thay đổi. Sự thật là Hoa Kỳ ở vào vị thế tốt hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới để tận dụng các cơ hội ở phía trước chúng ta.”
Tuy ông Obama nhiều khả năng sẽ không nêu ra những đề xuất lập pháp cụ thể với Quốc hội, song ông được trông đợi sẽ kêu gọi các nhà lập pháp quan tâm đến những công việc dang dở trước khi ông rời chức vụ, trong đó có việc phê chuẩn hiệp định hợp tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương và tiến hành các bước để đóng cửa nhà tù quân sự của Mỹ ở Vịnh Guantanamo, Cuba.
Nêu bật các thành tựu
Xem video của Phòng Bầu dục giới thiệu trước về diễn văn của Tổng thống Obama:
Các quan chức Nhà Trắng cho hay tuy Tổng thống Obama sẽ không liệt kê một danh sách những thành tựu trong bản thông điệp hôm Thứ Ba, song tổng thống Mỹ dự kiến sẽ nhấn mạnh tới một việc là đất nước đã tiến bộ rất nhiều kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2009.
Trong bài phát biểu hàng tuần hôm 9/1, Tổng thống Obama nói:
“Các doanh nghiệp của chúng ta đã tạo việc làm liên tục trong 70 tháng, với tổng cộng hơn 14 triệu việc làm mới. Chúng ta đã chỉnh đốn trường học cũng như cách thức trả tiền cho việc học đại học. Chúng ta đã tiến hành những kế hoạch đầu tư có tính lịch sử vào năng lượng sạch và dấn thân vào con đường tiến tới một tương lai phát thải cácbon thấp.”
Như trong các năm trước, tổng thống có kế hoạch sẽ công du ngay sau khi đọc Thông điệp Liên bang. Ông sẽ tới thăm các cộng đồng ở Louisiana và Nebraska trong tuần này để nêu bật những tiến bộ – mà theo lời Nhà Trắng – các bang này đã đạt được trong việc giảm thất nghiệp và gia tăng tiếp cận với chăm sóc y tế.
Về các vấn đề toàn cầu, ông Obama nhiều khả năng sẽ khoe những thành công ngoại giao gần đây trong việc bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt được thoả thuận hạt nhân với Iran, và làm việc để đạt được một hiệp định khí hậu quốc tế ở Paris.
Nhà phân tích chính trị Matthew Dallek nói:
“Tôi chắc chắn là Tổng thống sẽ nói về điều đó như một thành tựu nổi bật nhất, và quả thực tôi nghĩ điều đó giúp cho mọi người hiểu được vì sao ông thành công như vậy ở hải ngoại trong các lĩnh vực đó. Và chính người dân sẽ có thể tự đánh giá về những gì ông phát biểu.”
Đối đầu với những thách thức phía trước
Nhưng cùng với những thành tựu, giáo sư Matthew Dallek của Đại học George Washington nói ông Obama nhiều khả năng sẽ nói về thách thức hiện thời của nạn khủng bố và cuộc chiến chống nhóm cực đoan hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo. Ông Dallek nói:
“Tôi nghĩ tổng thống sẽ phải nói, một lần nữa, và cố gói gọn một cách rõ ràng, một cách mà có thể trước đây chưa làm được, về chiến lược của ông đối với ISIS là gì và vì sao ông tin chiến lược đó sẽ có hiệu quả. Và ông sẽ phải trình bày những lý lẽ để cho rằng đã đạt được tiến bộ trong những tháng gần đây.”
Giáo sư Dallek cho rằng vấn đề này hiện đang đóng một vai trò nổi bật trong cuộc tranh cử của các ứng cử viên tổng thống phía Đảng Cộng hòa, cho dù đó là ông Ted Cruz kêu gọi Mỹ “ném bom rải thảm” lên Nhà nước Hồi giáo, hay Donald Trump thúc giục một lệnh cấm tạm thời tất cả người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã đưa ra những lời chỉ trích đối với chính sách Trung Đông của ông Obama.
Lãnh tụ khối đa số Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói trong chương trình “This Week” của đài ABC hôm Chủ Nhật:
“Tôi cho rằng tổng thống sẽ nói về tương lai và cố gắng vẽ ra một bức tranh tươi hồng không có thật. Điều chúng ta muốn nghe từ tổng thống là một kế hoạch thật sự về việc đánh bại ISIL.”
Bất chấp những quan điểm tiêu cực, các quan chức Nhà Trắng nói tổng thống tự tin hơn bao giờ hết về khả năng của đất nước để đương đầu với những thách thức như vậy, một thông điệp mà ông Obama sẽ gửi tới người dân Mỹ trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của ông vào tối nay.