Zhang Kaisheng 16 tuổi đứng trong một cơ quan tư vấn và dạy kèm tại Bắc Kinh. Giống như một số lượng ngày càng tăng của thanh thiếu niên Trung Quốc, Zhang dự định ghi danh vào một trường trung học Mỹ mùa thu này. Học phí, ăn ở có thể chi phí khoảng 40.000 đôla – nhiều hơn 3-4 lần so với một trường tư thục cấp cao ở Trung Quốc
Grace Liu năm nay 17 tuổi. Em lớn lên ở Thiên Tân, thành phố 14 triệu dân ở duyên hải phía đông Trung Quốc. Năm nay cô theo học lớp 11 tại một trường trung học nằm sâu trong miền nam nước Mỹ. Cô cho biết:
“Dân ở đây rất ít. Mọi người rất tử tế và chúng tôi chào hỏi nhau cho dù không quen biết. Mọi người ở đây thực sự giúp tôi nhiều, và môi trường ở đây cực tốt.”
Grace ghi danh học tại trường Rabun Gap Nacoochee ở tiểu bang Georgia miền đông nam Hoa Kỳ. Cô là một trong hơn 30 ngàn người Trung Quốc đang theo học các trường trung học Mỹ, nhiều người đóng học phí tới 50 ngàn đôla để được đi học ở Hoa Kỳ.
Ông Anthoney Sgro là hiệu tưởng trường Rabun Gap và nói rằng số đơn của học sinh Trung Quốc tăng rất cao:
“Chúng tôi vẫn luôn có học sinh quốc tế. Mãi đến thập niện 1980 mới có số học sinh đến từ Trung Quốc. Họ đến với khối lượng lớn đáng kể, rất đáng kể trong 15 năm vừa qua.”
Năm ngoái các trường của Mỹ tiếp đón số học sinh Trung Quốc cao gấp 50 lần so với con số chỉ cách đây có 8 năm.
Nhiều em thuộc giới trung lưu đang tăng trưởng của Trung Quốc, muốn có các nền giáo dục toàn vẹn và nhỉnh hơn trong cuộc tranh đua vào các trường đại học uy tín nhất của Mỹ. Học ở nước ngoài cũng có thể có nghĩa là thoát khỏi cuộc cạnh tranh ráo riết vào các trường ở Trung Quốc, nơi việc học vẹt xáo mòn là chuyện thường và sinh viên không có thời giờ cho giải trí và thể thao.
Con số học sinh sinh viên nước ngoài tăng nhanh đã dẫn đến việc các trường học ở cả những thị trấn nhỏ như Rabun cũng bị ảnh hưởng. Ông Sgro nói luồng học sinh đổ vào đã vấp phải một vài sự chống đối ở Rabun:
“Đó là cuộc tranh luận khi người Trung Quốc bắt đầu đến với số lượng đông đảo. Tại sao chúng ta dạy dỗ kẻ thù của chúng ta? Và câu đáp của tôi với mọi người thắc mắc về vấn đề này là đây là thế giới chúng ta lớn lên rất khác với thế giới mà các học sinh này lớn lên ngày nay. Khi học sinh của chúng ta mở báo Wall Street Journal ra đọc hay xem tin tức trên đài CBS buổi tối, họ sẽ thấy những bài tường thuật về Trung Quốc, về Thượng Hải, và họ sẽ biết có 5 trẻ em đến từ đó. Và họ sẽ hiểu được rằng nơi đó chỉ cách xa một chuyến bay, và họ phải tham gia vào những gì đang xảy diễn quanh họ.”
Em Yvette Yang 17 tuổi nói em và các bạn cùng lớp người Hoa là một phần của một tương lai mới, mang tính rất toàn cầu.
“Điều em nghĩ là mọi sự đã thay đổi, và thế giới đã thay đổi. Mọi người hướng tới tương lai, chứ không nhìn về quá khứ.”
Con số sinh viên quốc tế theo học đại học ở Hoa Kỳ cũng đạt những mức kỷ lục, với 800 ngàn sinh viên nước ngoài theo học các trường đại học Mỹ vào năm 2012.