1

Nhà máy lọc dầu Baiji lớn nhất Iraq đã vào tay phiến quân

Phiến quân Sunni tại Iraq nói sau nhiều ngày giao tranh họ đã chiếm hoàn toàn nhà máy lọc dầu lớn nhất nước ở Baiji, phía bắc Baghdad.

Nhà máy dầu này đã bị bao vây 10 ngày nay. Đây là nơi cung cấp tới 1/3 sản lượng dầu của Iraq và tình hình chiến sự đã khiến cho nhà nước phải hạn chế tiêu dùng.

Phiến quân do nhóm Isis dẫn đầu đã chiếm một vùng rộng lớn ở phía bắc và tây Baghdad, trong có thành phố lớn thứ hai Iraq là Mosul.

Họ cũng đã tiến tới một đập nước quan trọng gần Haditha và chiếm tất cả các cửa khẩu với Syria và Jordan.

Một người phát ngôn của dân quân nói nhà máy lọc dầu Baiji tại tỉnh Salahuddin nay có thể được chuyển giao cho các bộ tộc địa phương để quản lý.

Người này cũng tuyên bố dân quân sẽ tiếp tục tiến về Baghdad.

Phóng viên BBC Jim Muir, có mặt tại Irbil, miền bắc Iraq, nói việc chiếm giữ nhà máy dầu là tối quan trọng nếu như phe nổi dậy muốn kiểm soát các khu vực đã chiếm được và có năng lượng để cung cấp cho thành phố Mosul.

Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cam kết “ủng hộ nhiệt thành và lâu dài” cho Iraq sau khi gặp các chính trị gia chủ chốt của nước này tại Baghdad.

Hỗ trợ nhiệt thành

Ngoại trưởng Kerry nói Mỹ cam kết hỗ trợ Iraq

Ông ngoại trưởng nói các cuộc tấn công của nhóm Isis, tên gọi tắt của the Islamic State of Iraq and the Levant, đang đe dọa sự sống còn của Iraq, và những ngày sắp tới sẽ hết sức quan trọng.

Ông Kerry đã gặp Thủ tướng Iraq Nouri Maliki, đồng thời có các cuộc hội đàm với nhiều nhân vật Shia và Sunni chủ chốt.

Phát biểu tại sứ quán Mỹ, ông nói sự hỗ trợ của Hoa Kỳ sẽ “giúp các lực lượng an ninh của Iraq đấu tranh một cách hiệu quả hơn [với Isis] và với một cách thức bảo toàn được chủ quyền của Iraq”.

“Điều cần thiết nhất là các lãnh đạo Iraq thiết lập được một chính phủ bao gồm được tất cả các đảng phái càng sớm càng tốt.”

Phóng viên của chúng tôi nhận định rằng ông Kerry đang cố gắng thuyết phục lãnh đạo Iraq khắc phục chia rẽ sắc tộc và giáo phái nhằm kéo đất nước ra khỏi bờ vực của phân tranh.

Ông Maliki, người theo dòng Hồi giáo Shia vốn chiếm đa số ở Iraq, đang bị chỉ trích vì tập trung quyền lực vào các chính trị gia đồng minh đa số thuộc dòng Shia mà loại trừ các nhóm Sunni và người Kurd.

Một thông cáo từ văn phòng ông Maliki, đưa ra sau cuộc gặp của ông Kerry, nói cuộc khủng hoảng tại Iraq là “đe dọa không chỉ đối với Iraq mà còn với hòa bình thế giới”.

Hoa Kỳ rút khỏi Iraq từ 2011 nhưng mới thông báo kế hoạch điều 300 cố vấn quân sự tới Iraq để giúp chống lại phiến quân.

Nước Iran láng giềng thì tuyên bố phản đối can thiệp của Mỹ.

Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei cáo buộc Washington là “tìm cách lập một nước Iraq nằm dưới sự bá quyền và do bù nhìn của Mỹ cai trị”.

Isis đã chiếm hai cửa khẩu quan trọng tại tỉnh Anbar nối Iraq với Syria.

Về phía nam, họ chiếm cửa khẩu Traybil giữa Iraq và Jordan.

Quân đội Jordan nói đã ra lệnh báo động dọc đường biên dài 180km giữa hai bên để đối phó với các đe dọa an ninh có thể xảy ra.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: