1

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc gần giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Ðông, khoảng 210 km (130 dặm) ngoài khơi bờ biển Việt Nam, ngày 14/5/2014. Trung Quốc cung cấp cho giàn khoan đầu một đoàn hộ tống gồm 80 tàu dân sự và tuần duyên đến địa điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tạm thời không bình luận về việc Trung Quốc đưa thêm 4 giàn khoan dầu tới Biên Đông đang có tranh chấp. Theo tường thuật của Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, Bắc Kinh đang tăng cường hoạt động thăm dò dầu lửa và khí đốt, hai tháng sau khi đặt một giàn khoan khổng lồ trong vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố có chủ quyền.

Trung Quốc hôm thứ sáu loan báo sẽ đưa thêm 4 giàn khoan tới Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng những giàn khoan đó sẽ tiến hành những hoạt động mà bà gọi là “hoạt động bình thường” trong vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hải Nam. Bà nói thêm rằng không có gì đáng nói về việc này.

Tháng trước, Trung Quốc đã gây ra một vụ tranh chấp với Việt Nam qua việc hạ đặt một giàn khoan ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cho là thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của mình. Các cuộc đàm phán cấp cao tại Hà Nội hồi tuần trước đã không giải quyết được vụ tranh chấp.

Hôm thứ 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tuyên bố Washington biết tin Trung Quốc đưa thêm giàn khoan tới các địa điểm khác nhau ở Biển Đông.

“Tôi nghĩ rằng không có nhiều thông tin vào thời điểm này về vấn đề những giàn khoan được đưa tới đâu. Nếu một giàn khoan được đặt trong vùng biển có tranh chấp, thì đó là một việc gây quan tâm. Và chúng tôi chắc chắn là có quyền lợi quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Vào lúc này chúng tôi không có đủ thông tin về điểm đến của các giàn khoan này. Do đó, chúng tôi tạm thời không phán đoán gì cho tới chúng tôi có thêm thông tin.”

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan thứ nhất gần quần đảo Hoàng Sa vào đầu tháng 5 đã bị Hoa Kỳ chỉ trích là khiêu khích và gây bất ổn.

Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Australia vừa về nước sau khi tham dự một hộïi nghị về Biển Đông ở Việt Nam. Ông nói rằng Trung Quốc đặt nhiều giàn khoan chừng nào thì Việt Nam càng khó theo dõi chừng đó.

“Một, hai, ba, bốn giàn khoan sẽ làm cho các lực lượng bán quân sự và kiểm ngư của Việt Nam bị phân tán quá độ. Việt Nam không có nhiều tàu bè. Tôi nghĩ rằng họ có tổng cộng 40 chiếc tàu tuần duyên, và kích cỡ và trọng tải của những tàu đó chỉ bằng phân nửa của Trung Quốc. Do đó, sẽ có một cuộc tranh đua không cân sức nếu Việt Nam tìm cách thực hiện một chiến thuật phản kháng giống như hiện nay.”

Giáo sư Thayer nói rằng Trung Quốc đã cho biết giàn khoan có tranh chấp ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa là đơn vị hoạt động thương mại và sẽ chỉ hoạt động từ ngày 2 tháng 5 đến ngàu 15 tháng 8, một phần là vì mùa bão sắp tới.

“Tuy nhiên, cũng qua việc giới hạn hoạt động của giàn khoan, họ có một cách để rút lui trong danh dự, không bị mất thể diện. Họ chỉ cần tuyên bố là các hoạt động thương mại giờ đây đã chấm dứt và giàn khoan sẽ được dời đi.”

Ông Thayer nói rằng sau ngày 15 tháng 8 có thể sẽ có một phái đoàn cấp cao của Việt Nam đến Bắc Kinh để tìm cách cải thiện quan hệ. Ông nói thêm rằng các viên giám đốc cấp cao trong ngành dầu khí cho ông biết là địa điểm Trung Quốc đặt giàn khoan không phải là địa điểm lý tưởng để thăm dò dầu lửa và khí đốt.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: