Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua, phát tín hiệu cho rằng kinh tế Mỹ đã vượt qua phần lớn các vết thương của cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2009. Đối với một số quốc gia trên thế giới, động thái này có thể gây tổn thương nền kinh tế.

shutterstock_fed_QMMIỦy ban Thị trường mở, cơ quan lập chính sách của Fed – Ảnh: Shutterstock

Theo CNN, việc Mỹ nâng lãi suất sẽ ảnh đến kinh tế toàn cầu và đặc biệt, nhiều thị trường mới nổi có lý do để lo lắng. Chính phủ và các doanh nghiệp của họ vay mượn nhiều bằng đồng đô la Mỹ trong thập niên qua, khi lãi suất ở mức quá thấp. Các nhà đầu tư thoải mái đổ tiền vào những nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Mỹ La tinh với hi vọng nhận lợi nhuận tốt hơn.
Dòng chảy đó đã và đang bị đảo ngược với thông tin Fed rục rịch tăng lãi suất. Khoảng 1.000 tỉ USD đã bị rút khỏi các thị trường mới nổi từ tháng 7.2014 đến tháng 8.2015. Các thị trường mới nổi đã có chút căng thẳng khi USD mạnh lên, giá cả hàng hóa thấp và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Dưới đây là ba nước đứng trước nhiều nguy cơ nhất khi Fed tăng lãi suất.
Brazil
Brazil đang chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế. Nền kinh tế nước này đã giảm 1,7% trong quý 3/2015. Đồng nội tệ real Brazil đã mất 31% so với USD tính đến thời điểm này và lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 12 năm qua.
Chuyện Mỹ nâng lãi suất sẽ chồng thêm nỗi đau cho kinh tế Brazil. Hãng tư vấn Fanthom Consulting cho hay Brazil dễ tổn thương nhất trong các thị trường mới nổi, vì nước này có khoản nợ bằng USD lớn thứ nhì thế giới, sau Trung Quốc, theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế. Các doanh nghiệp Brazil đã vay mượn hàng tỉ USD trong thập niên qua, và có thể không trả được nợ nếu USD tiếp tục tăng giá so với bản tệ nước nhà.
Thổ Nhĩ Kỳ
Đây là một trong các nước hưởng lợi nhiều nhất khi Fed giảm lãi suất về cận 0. Nước này đã đón dòng đầu tư nước ngoài lớn, và nền kinh tế tăng trưởng 9% trong năm 2010 và 2011. Song bức tranh kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ gần đây thay đổi nhanh chóng, được cho là sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu ảnh hưởng nếu USD mạnh hơn nữa vì họ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s đã từng cảnh báo ngành ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ quá phụ thuộc vào vay ngắn hạn nước ngoài. Chi phí để thanh toán nợ ngắn hạn nước ngoài của nước này, vốn gần 125 tỉ USD, tương đương 8% GDP, sẽ tăng cùng với USD.
Nam Phi
Nam Phi là một trong các nước phải trả giá nặng cho chuyện vay nhiều bằng đồng đô la Mỹ khi đồng tiền đang rẻ. Theo Capital Economics, Nam Phi có dự trữ ngoại tệ khiêm tốn hơn nhiều so với lượng tiền mà họ cần để trả nợ nước ngoài và nhập khẩu. USD mạnh lên cũng khiến tình hình trên tệ hơn. Ngoài ra, kinh tế quốc gia châu Phi, vốn phụ thuộc nhiều vào khai thác, cũng đang gặp khó trước thực trạng giá cả hàng hóa thấp.
Các thị trường mới nổi khác
Russia, Venezuela và Nigeria cũng có nguồn thu chính phủ phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa. Vì các loại hàng hóa được giao dịch bằng USD, giá cả của chúng có thể giảm sâu hơn nếu đồng bạc xanh mạnh lên.
Trung Quốc cũng có thể bị tác động, đặc biệt là khi chính phủ nước này chấp thuận để nhân dân tệ được giao dịch tự do hơn. Song không như đa số thị trường mới nổi, kích thước kinh tế Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu và dự trữ ngoại hối giúp nước này tự vệ trước những cú sốc có thể xảy ra.

Thu Thảo

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!