Monica Lewinsky, người tình cũ của cựu tổng thống Bill Clinton, khuấy lên những ý kiến gay gắt trên truyền thông Mỹ khi lần đầu đăng đàn sau bê bối tình ái cách đây 16 năm.
Lewinsky phát biểu tại một hội nghị thương mại hôm 20/10 vừa qua. Ảnh: NY Daily News |
Theo ABC News, Lewinsky gần như bật khóc tại một hội nghị thương mại hôm 20/10 khi kể về chuyện tình cô và ông Clinton năm 1995, lúc cô đến làm việc tại Nhà Trắng.
“16 năm trước, vừa ra trường, là một thực tập sinh 22 tuổi ở Nhà Trắng và hơn cả sự lãng mạn thông thường, tôi đã yêu cấp trên của mình”, Lewinsky, hiện 41 tuổi, nói. “Nhưng cấp trên của tôi là tổng thống Mỹ. Điều đó có lẽ hiếm”.
Lewinsky cho hay mối quan hệ lén lút với ông Clinton kéo dài trong hai năm. Hai người nhiều lần chia tay rồi lại quay lại.
Đầu năm 1998, chuyện vụng trộm của họ vỡ lở và lập tức trở thành tâm điểm chú ý toàn cầu. Ban đầu, ông Clinton tuyên bố “tôi không quan hệ tình dục với người phụ nữ đó”. Tuy nhiên, 7 tháng sau, ông thừa nhận họ có một mối quan hệ “không phù hợp” và tránh nói đến chuyện họ có quan hệ tình dục.
“Chỉ trong một đêm, từ một người hoàn toàn không ai biết đến, tôi trở thành một người bị dư luận sỉ nhục”, cô kể tiếp. “Tôi là nạn nhân đầu tiên, người đầu tiên bị Internet hủy hoại hoàn toàn danh tiếng”.
Lewinsky cho hay ở thời đại của cô, khi mà mạng xã hội vẫn chưa bùng nổ, các tin tức hay tin đồn trên Internet vẫn có thể gây ra một tác động mạnh mẽ. Lewinsky kể rằng cô nhiều lần bị đe dọa và gần như “rã rời”, thậm chí đôi lúc chỉ muốn tìm đến cái chết.
Lewinsky và tổng thống Clinton khi cô còn là thực tập sinh Nhà Trắng. Ảnh: Las Vegas Tribune |
Lewinsky cho hay cô sẽ nỗ lực để góp phần làm thay đổi văn hóa “lăng mạ” người khác trên Internet. Cô muốn dùng chính những trải nghiệm đau đớn của mình để chống lại sự quấy rối và bắt nạt trên mạng. “Đã tự cứu sống được bản thân mình, những gì tôi muốn làm bây giờ là giúp những nạn nhân khác của trò chơi đáng xẩu hổ này cũng có thể sống sót”, cô nói.
Sự trở lại bất ngờ của người tình tổng thống Mỹ một thuở, sau hơn một thập kỷ im lặng, lập tức thu hút sự chú ý của báo giới.
Tờ National Post cho rằng trường hợp của Lewinsky là rất dễ cảm thông bởi cô phạm phải sai lầm ngớ ngẩn khi chỉ mới 22 tuổi và đã phải trả giá đắt cho điều đó. “Một cử nhân trẻ có thể bị choáng ngợp khi được làm việc tại Phòng Bầu dục và rất dễ bị quyến rũ trước một vị tổng thống điển trai và khá tinh ranh”, tờ báo viết.
Trong khi ông Clinton đã khôi phục được hình ảnh thì Lewinsky phải trải qua nhiều ê chề trước khi tái xuất như một chiến binh chống lại nạn áp bức trên Internet. Tờ báo cũng thừa nhận việc thiết lập một trật tự và cư xử văn minh trên mạng là rất khó bởi không có một ai có thể quản lý được điều đó.
Trái với quan điểm trên, CNN đăng tải bài viết với tiêu đề “Monica Lewinsky thật đáng xấu hổ”, đồng thời chỉ trích việc cô tự nhận mình là “nạn nhân đầu tiên” của Internet thật “vô vị”.
“Điều gây thất vọng nhất là khi cô ta nói cô ta được truyền cảm hứng từ câu chuyện về Tyler Clementi, một nam sinh tự vẫn sau khi video cậu này hôn một chàng trai khác bị rò rỉ trên mạng. Young Clementi là nạn nhân của hội chứng kỳ thị người đồng tính và sự xâm phạm quyền riêng tư. Mang cái chết của cậu ấy ra so sánh với những rắc rối mà Lewinsky tự gây ra thì thật là lố bịch”, tác giả Timothy Stanley viết.
CNN còn cho rằng sự trở lại lần này của Lewinsky có thể gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 của bà Hillary Clinton, phu nhân cựu tổng thống Bill Clinton. Lewinsky có thể nhân đây lên án Nhà Trắng đã vùi dập cô để bảo vệ danh tiếng cho ông Clinton và bê bối tình ái này của chồng sẽ khiến những đối thủ của bà Hillary được lợi.
Tờ Washington Post đồng quan điểm khi cho rằng Lewinsky đã tái xuất khá “vụng về”. Tuy nhiên, tờ báo cho rằng bản thân những điều tiếng không hay của ông Clinton trong quá khứ cũng đã đủ trở thành tâm điểm trong cuộc chạy đua của bà Clinton, kể cả khi Lewinsky có lên tiếng hay không.