140626135128_uk_passport_512x288_bbc_nocredit

Một người gốc Việt cải đạo sang đạo Hồi, bị tước quốc tịch Anh vì cáo buộc theo chủ nghĩa cực đoan, đang khiếu kiện lên Tòa án tối cao rằng ông trở thành người không có tổ quốc.

Người đàn ông gốc Việt, chỉ được xác định là “B2”, đã bị mất quyền công dân Anh hồi năm 2011.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh đã sử dụng quyền hạn về quốc tịch để truất bỏ quốc tịch vì các hoạt động bị cáo giác của ông này.

Tòa án tối cao sẽ phải ra quyết định liệu có phải người đàn ông này bị rơi vào tình trạng không có quốc tịch, mà như vậy là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Phiên tòa diễn ra trước khi Quốc hội tranh luận các đề nghị chống khủng bố gây tranh cãi mà theo đó sẽ cho phép Bộ trưởng Nội vụ có quyền cấm công dân Anh được quay trở lại Anh nếu họ bị cho là đã được tham gia vào các hoạt động khủng bố ở nước ngoài.

Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Theresa May, từ lâu có quyền hạn để tước bỏ quốc tịch Anh của một người nếu người đó mang một quốc tịch khác nữa.

‘Đe dọa hiện hữu’

Trong trường hợp bất thường này, B2 sinh ra ở Việt Nam và đến Anh khi mới 12 tuổi cùng với cha mẹ mình.

Sáu năm sau đó, họ đã được cấp quốc tịch Anh. B2 học ngành thiết kế và truyền thông tại cao đẳng và năm 21 tuổi đã cải đạo, theo Hồi giáo.

Lý do an ninh của Bộ trưởng Nội vụ chống lại ông là ông trở thành một tín đồ của al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) và năm 2010 đã tới một căn cứ của al-Qaeda ở Yemen. Khi đó căn cứ này được ông Anwar al-Awlaki, một nhà giảng giáo người Yemen gốc Mỹ, điều hành.

Các tín đồ AQAP là những người đứng đằng sau một loạt các âm mưu đánh bom và xuất bản Inspire, một tạp chí jihad (chiến tranh Hồi giáo) bằng tiếng Anh, vốn được thiết kế và trình bày nhằm thu hút và tuyển dụng thêm tín đồ từ phương Tây.

Hồi tháng 12 năm 2011, bà May đã ra lệnh tước quốc tịch của B2, và nói rằng ông này đã tham gia các hoạt động có liên quan tới khủng bố.

Giấy tờ của tòa án nói rằng MI5 (Cơ quan tình báo của Anh) đánh giá ông này là một “mối đe dọa đến sự an toàn và an ninh của Vương quốc Anh và người dân nước này”.

Hai ngày sau, bà May đưa ra một trát lệnh thứ hai trục xuất ông này về Việt Nam và ông đã bị giam giữ.

Chính phủ Việt Nam nói B2 không phải là công dân Việt Nam.

Nhưng chính phủ Anh nói Việt Nam diễn giải luật của Việt Nam sai, vì vậy B2 vẫn là công dân Việt Nam, chứ không phải người vô tổ quốc.

B2 khiếu nại việc bị tước quốc tịch lên Ủy Ban Khiếu nại Di trú Đặc biệt, một tòa án bán công khai chuyên giải quyết các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, và nói rằng ông đã trở thành người không có quốc tịch.

Các thành viên Ủy ban Khiếu nại Di trú Đặc biệt đồng ý – nhưng Bộ trưởng Nội vụ Anh sau đó đã thắng khi kháng cáo.

Chính phủ Anh đã yêu cầu Quốc hội sửa đổi luật, vì thế Bộ trưởng Nội vụ có thể tước bỏ quyền công dân của một ai đó nếu các quan chức tin rằng người đó có thể quay về với quốc tịch khác, ngay cả khi họ chưa có quốc tịch đó vào thời điểm họ bị mất quốc tịch Anh.

Tòa án tối cao xử vụ này được dự kiến sẽ kéo dài hai ngày với một bản án sẽ được đưa ra sau đó.

Phóng viên Tom de Castella trên trang BBC Magazine nhân đây nêu ra chủ đề những người không có tổ quốc (stateless) qua trường hợp của B2, cho thấy đây là chủ đề đang rất được dư luận Anh chú ý.

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: