Tranh thủ sự ủng hộ của các nước nhỏ và khó khăn bằng những thỏa thuận kinh tế, Nga đang nện búa vào những rạn nứt trong Liên minh châu Âu (EU) và từ đó tìm cách loại bỏ các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

russia-cyprus-3416-1428484034

Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades. Ảnh: Stratfor 

Khi Síp thu giữ hàng trăm triệu USD tiền gửi ngân hàng, trong đó cả tiền của người Nga theo thỏa thuận quốc tế hai năm trước để cứu hệ thống tài chính sụp đổ, Tổng thống Vladimir V. Putin lên án động thái này là “nguy hiểm” và “không công bằng”, cảnh báo mối quan hệ hai nước có thể xấu đi.

Tuy nhiên, ông Putin hồi tháng hai lại tươi cười khi đón tiếp Tổng thống Síp, Nicos Anastasiades, tại Moscow. Ông ca ngợi mối quan hệ với quốc gia Địa Trung Hải là “luôn thật sự hữu nghị và cùng có lợi”. Nga còn đồng ý gia hạn hợp đồng cho vay 2,5 tỷ USD có nhiều điều khoản có lợi cho Síp.

Sự thay đổi từ giận dữ sang tuyên bố tình hữu nghị thể hiện chiến thuật tinh tế của Putin và cho thấy quyết tâm mạnh mẽ thoát khỏi lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo New York Times, ông Putin nhắm mục tiêu vào những liên kết yếu nhất, tức các nước khó khăn trong EU, thông qua các biện pháp “quyến rũ”, hứa hẹn về tiền bạc, lập luận về quan hệ trong lịch sử và ý thức hệ. Mục tiêu của Nga rõ ràng là nhằm khẳng định tầm ảnh hưởng với các nước này và từ đó phá vỡ sự đoàn kết vốn mong manh của phương Tây về xung đột Ukraine.

Tân Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras hôm nay là lãnh đạo tiếp theo đến thăm Moscow. Trước chuyến đi, ông Tsipras tuyên bố phản đối lệnh trừng phạt với Nga, miêu tả chúng là “chính sách bế tắc”.

Hôm 5/4, nỗ lực lôi kéo các nước ủng hộ Nga đã mở ra một rạn nứt mới trong EU, sau khi đại sứ Mỹ ở Prague chỉ trích quyết định đến dự cuộc diễu binh ở Moscow ngày 9/5 của Tổng thống Cộng hoà Czech Milos Zeman. Ông Putin hồi tháng hai đến thăm Hungary, một thành viên khác của EU để xúc tiến các thỏa thuận kinh tế.

Nga cho đến nay đã chưa thể biến những cú bắt tay đó thành một cột trụ cụ thể để chống đỡ biện pháp trừng phạt của EU. Tuy nhiên, áp lực dẫn đến rạn nứt bên trong liên minh thì ngày càng được bồi đắp.

Quân cờ trong cuộc chơi của các ông lớn

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tuần trước ở thủ đô Síp, Nicosia, ông Anastasiades cho biết Síp nghi ngờ về chính sách của châu Âu với Nga và tuyên bố nước này thuộc “một nhóm quốc gia thành viên có quan điểm tương tự”.

Ông không trực tiếp bày tỏ phản đối việc gia tăng áp lực kinh tế với Nga, nhưng ông cho rằng​ sẽ có nhiều nước ủng hộ việc bỏ lệnh trừng phạt trong cuộc họp đánh giá vào mùa hè này.

Anastasiades tin rằng Putin “đã nhận ra hậu quả” từ vai trò của Nga trong khủng hoảng Ukraine và đã “rất nghiêm túc” trong việc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn hồi tháng hai.

Rạn nứt trong chính sách của châu Âu đối với Nga đặt ra khó khăn cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk. “Thách thức lớn nhất hiện nay là giữ cho châu Âu thống nhất”, ông Tusk tháng trước nói, đề cập đến “sự đồng thuận mong manh và khó khăn” mà các nước đạt được sau khi Moscow sáp nhập Crimea hồi tháng ba năm ngoái.

Moscow đang khiến rạn nứt trong EU thêm sâu sắc và điều này được thể hiện tại Síp. Quốc gia nhỏ bé này phải đóng một vai trò “quá khổ” là một người chơi quan trọng trong cuộc đấu tranh địa chính trị do xung đột Ukraine châm ngòi.

Síp bị cuốn theo các hướng khác nhau dưới tác động của các cường quốc bên ngoài. Trong khi có quan hệ lịch sử, tôn giáo và kinh tế chặt chẽ với Nga, Síp lại là chủ nhà của các căn cứ quân sự và cơ sở nghe lén lớn của Anh. Nước này cũng cho phép hải quân Mỹ sử dụng cảng và là thành viên EU kể từ năm 2004.

Tuy nhiên, Síp vẫn coi Nga là một bên bảo vệ ngoại giao hết sức quan trọng, đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ còn chiếm đóng quân sự tại miền bắc nước này. Không chỉ vậy, Nga còn là bên làm ăn quan trọng với ngành tài chính của Síp, ngành vẫn là trụ cột của nền kinh tế, dù từng lâm vào khủng hoảng năm 2013.

Thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm của Anastasiades tới Moscow cho phép tàu chiến Nga cập cảng Limassol. Đây là trung tâm thương mại của Síp và phụ thuộc nhiều vào giới giàu Nga muốn lập công ty để chuyển tài sản ra nước ngoài.

Ông Anastasiades khẳng định hiệp ước quân sự được ký tại Moscow chỉ là tiếp nối thỏa thuận năm 1996 và “không có gì mới”. Tuy nhiên, các điều khoản của thỏa thuận được giữ kín, vì vậy không thể biết Nga đã đạt được lợi thế gì.

Tổng thống Anatasiades, người đến Moscow sau khi hồi phục từ ca phẫu thuật tim ở New York, bác bỏ quan điểm cho rằng ông đang “bỏ phương Tây để theo Nga”. Síp là một quốc gia nhỏ bị chia rẽ chia từ cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974, vì vậy, Anastasiades cho biết ông tìm kiếm quan hệ tốt với tất cả các bên. “Tôi không có cơ hội lựa chọn bạn bè”, ông nói.

Đại sứ Nga tại Síp, Stanislav Osadchi, nói với một tờ báo tiếng Nga rằng cuộc họp của ông Anastasiades với Putin “chứng minh rằng, bất chấp nỗ lực cô lập Nga và hồi sinh Chiến tranh Lạnh, có những nước không muốn điều này xảy ra”.

Bên thắng thế

Đại sứ quán Nga tại Nicosia năm ngoái phản ứng mạnh mẽ khi Makarios Drousiotis, một nhà sử học bán thời gian và là cố vấn tổng thống, xuất bản sách về lịch sử ngoại giao, trong đó chỉ trích Nga trong quan hệ với Síp. Đại sứ quán lên án cuốn sách là “không thể chấp nhận về mặt chính trị” và chỉ trích tác giả. Drousiotis sau đó phải rời ghế cố vấn tổng thống.

Ngược lại, tiếng nói của Mỹ tại quốc gia này không được nhiều người ủng hộ. Khi Nga nhận được nhiều lời tán dương từ công chúng Síp trên mạng xã hội vì cơ cấu lại khoản vay của mình, đại sứ Mỹ. John M. Koenig cố gắng làm giảm sự nồng nhiệt này bằng một bài đăng trên Twitter. Thông điệp của ông Koenig được nhiều người cho là ám chỉ có liên kết giữa chuyến thăm Moscow của ông Anastasiades và vụ ám sát chính trị gia đối lập Nga Boris Nemtsov vài ngày sau đó.

Bài đăng Twitter này làm dấy lên làn sóng bất bình, khiến đại sứ Mỹ phải đưa ra tuyên bố xin lỗi rằng ý kiến của ông bị “hiểu lầm.”

“Đối với nhiều người trên quốc đảo này, Nga là một vị cứu tinh”, Harry Tzimitras, Giám đốc Trung tâm PRIO Síp, một nhóm nghiên cứu do Na Uy tài trợ ở Nicosia cho biết. Điều này cho Moscow mảnh đất màu mỡ để “thâm nhập vào EU” và cho thấy “nước này có thể phá vỡ những chính sách do Washington và Brussels thúc đẩy”, ông nói thêm.

Vasilis Zertalis, người đứng đầu Prospectacy, một công ty dịch vụ tài chính, mô tả Síp như một “quân cờ nhỏ trên một bàn cờ lớn”. Châu Âu từng cố gắng thúc đẩy vị trí của mình trong cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2013. EU muốn tìm cách chấm dứt vai trò của Síp là một thiên đường cho tiền từ Nga.

“Họ muốn khiến người Nga biến khỏi đây”, ông nói. “Nhưng cuối cùng những khoản tiền phải rời đi lại là từ Anh, các nước châu Âu khác và Mỹ.

“Dân thường Síp và các chính trị gia, đều từ bỏ hy vọng vào EU” vì các điều khoản cứu trợ tài chính khó khăn liên minh đưa ra năm 2013. Họ cũng cho rằng “Mỹ sẽ không bao giờ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”.

“Vì vậy”, ông nói, “đồng minh Síp thực sự có chỉ là Nga, và có thể là Trung Quốc”.

Than Phan

Posted by than

: