Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sắp mở cuộc điều tra về cái chết của Eric Garner, người đàn ông da màu bị một cảnh sát da trắng tại Thành phố New York khóa cổ.
Thông báo này được Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đưa ra sau khi bồi thẩm đoàn phán quyết không truy tố người cảnh sát nói trên.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại New York để phản đối phán quyết của bồi thẩm đoàn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói vụ việc “cho thấy những vấn đề lớn” giữa các nhóm thiểu số và việc thực thi pháp luật ở Mỹ.
Quyết định không khởi tố viên cảnh sát được đưa ra chỉ một tuần sau khi một bồi thẩm đoàn khác tại tiểu bang Missouri không truy tố một cảnh sát da trắng khác đã bắn chết một thanh niên da màu ở Ferguson làm bùng nổ các cuộc biểu tình và bạo động trên khắp nước Mỹ.
Trước các cuộc biểu tình tại Ferguson, Tổng thống Barack Obama hồi tuần này đã đề nghị các khoản viện trợ khẩn cấp để cải thiện việc huấn luyện cảnh sát và khôi phục niềm tin vào lực lượng cảnh sát.
‘Tôi không thở được’
Đoạn băng ghi lại cảnh cảnh sát Daniel Pantaleo bắt giữ Garner hồi tháng Bảy đã thu hút sự quan tâm trên cả nước.
Trong đoạn băng này, ông Garner, 43 tuổi, vốn bị hen suyễn, đã la lên nhiều lần “Tôi không thở được!” trong lúc bị một số cảnh sát khống chế trên một con đường ở New York.
Phát biểu vào tối thứ Tư, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra “độc lập, thấu đáo, công bằng và nhanh chóng” về khả năng vi phạm nhân quyền trong vụ việc.
Ông cũng nói Bộ Tư pháp sẽ xem xét lại toàn bộ các tài liệu thu thập trong cuộc điều tra ở cấp địa phương.
“Mọi mạng sống đều phải được quý trọng”, ông nói.
“Cái chết của ông Garner là một trong những sự cố gần đây ở đất nước chúng ta đang thách thức niềm tin giữa các nhân viên chấp pháp và cộng đồng mà họ có trách nhiệm phục vụ và bảo vệ.”
Ông kêu gọi những người có ý định biểu tình phản đối quyết định của bồi thẩm đoàn nên hành động một cách ôn hòa.
Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục xem xét làm sao để hàn gắn “sự rạn nứt niềm tin” giữa công chúng và lực lượng chấp pháp.
Sau khi có phán quyết của bồi thẩm đoàn, Tổng thống Obama nói: “Khi có bất cứ ai ở đất nước này không được đối xử bình đẳng trước pháp luật … thì tôi, với tư cách là tổng thống, phải giải quyết”.
Thị trưởng New York Bill de Blasio nói phán quyết của bồi thẩm đoàn “là điều mà có thể nhiều người không mong muốn” và kêu gọi mọi người phản ứng “ôn hòa, mang tính xây dựng”.
‘Chiến đấu tới cùng’
Luật sư của gia đình Garner, ông Jonathon Moore, nói ông ‘ng̣ạc nhiên’ trước phán quyết của bồi thẩm đoàn.
Trong khi đó, góa phụ của ông Eric Garner, bà Esaw Garner, nói cái chết của chồng bà sẽ không ‘oan uổng’.
“Tôi quyết tâm đòi công lý cho chồng, vì lẽ ra ông không phải chết một cách như vậy,” bà nói.
“Miễn là còn một hơi thở, tôi sẽ chiến đấu tới cùng”.
Con gái ông Garner, cô Erica Snipes, nói với BBC rằng cô rất phẫn nộ.
“Trong đoạn băng đó, chúng ta có thể thấy điều tàn ác nhất mà một người có thể làm đối với người khác,” cô nói.
Nhà hoạt động nhân quyền Al Sharpton đã kêu gọi một cuộc tuần hành ở Washington vào ngày 13 tháng 12.
“Chúng tôi không tin tưởng vào cơ quan công tố liên bang vì họ hợp tác chặt chẽ với cảnh sát địa phương,” ông nói.
Trong một thông cáo, cảnh sát Pantaleo cho biết ông “không cố ý làm hại bất cứ ai”, và rằng ông đang cầu nguyện cho Garner và gia đình ông.
Trong đoạn băng, chúng ta có thể thấy điều tàn ác nhất mà một người có thể làm đối với người khác.
Đoạn video được một nhân chứng ghi lại bằng điện thoại di động cho thấy ông Garner không chịu bị còng tay.
Cảnh sát Pantaleo đã khống chế ông này bằng cách khóa cổ.
Cơ quan khám nghiệm New York nói nguyên nhân tử vong là do “áp lực đè lên ngực và tư thế nằm trong lúc bị cảnh sát khống chế”.
Tuy nhiên họ cũng nói ngoài ra có các nguyên nhân khác như bệnh suyễn và bệnh tim.
Luật sư của ông Pantaleo nói ông đã sử dụng đòn được huấn luyện trong ngành cảnh sát chứ không phải là đòn khóa cổ bị cấm theo quy định của Sở Cảnh sát New York.
Sau cái chết của ôgn Garner, Cảnh sát trưởng New York William Bratton đã ra lệnh cho các cảnh sát tại sở cảnh sát lớn nhất nước phải được huấn luyện lại về cách khống chế đối phương.
Theo BBC