Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Moscow ngày 15.12, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng: “Mỹ và các đối tác không tìm cách thay đổi chế độ tại Syria”. Ngay sau đó, ông Kerry lại nói quan điểm của Mỹ rằng ông Assad không thể đưa Syria thoát khỏi cuộc nội chiến kéo dài 5 năm, theo ABC News ngày 15.12.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng vấn đề cần tập trung lúc này không nằm ở sự khác biệt giữa Nga và Mỹ về số phận Assad, mà là tiến trình hoà bình tại Syria, trong đó chính người Syria sẽ tự quyết định cho tương lai đất nước, theo Fox News.
Phát ngôn của ông Kerry cho thấy sự thay đổi rõ ràng trong quan điểm của Mỹ đối với ông Assad. Đồng thờinó còn đánh dấu chuyển biến đáng kể về thái độ của Mỹ đối với chính sách của Nga tại Syria.
Tổng thống Barack Obama lâu nay vẫn kêu gọi ông Assad “phải từ chức”. Sau đó, các quan chức Mỹ cho rằng ông Assad có thể tại vị thêm trong quá trình chuyển giao chế độ. Với phát ngôn của ông Kerry ngày 15.12, có lẽ việc nắm quyền của ông Assad được coi là vô thời hạn.
Theo ABC News, việc Ngoại trưởng Mỹ kéo vấn đề tương lai Assad ra khỏi cuộc bàn luận có thể được coi là đưa Mỹ xích gần lại quan điểm của Nga về các cuộc đàm phán hoà bình.
“Mặc dù 2 nước có quan điểm khác biệt, nhưng chúng tôi đã cho thấy Nga và Mỹ đang tiến về cùng một hướng”, ông Kerry nói.
Gây áp lực có mang lại hiệu quả?
Nhiều quan chức chính quyền Obama, gồm cả ông Robert Malley, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ trong việc chống IS tại Hội đồng An ninh quốc gia vừa được bổ nhiệm, không đồng ý với việc tiếp tục gây áp lực lên chính quyền Assad, theoBloomberg.
Người tiền nhiệm của ông Malley, ông Philip Gordon, gần đây cũng đăng tải một thông cáo trên trang web Hội đồng quan hệ ngoại giao (tổ chức tư vấn, trụ sở ở thủ đô Washington, Mỹ) cho rằng chính sách gây sức ép lên tổng thống Syria hiện nay sẽ không hiệu quả vì “nhà độc tài” này sẽ khó mà rời bỏ quyền lực. Trong khi đó, việc Mỹ viện trợ cho phe đối lập Syria chính là nguyên nhân khiến bạo lực diễn ra.
Ông Gordon cho rằng việc cố ép ông Assad ngồi vào bàn đàm phán để bàn về sự ra đi của chính mình sẽ chỉ dẫn đến sự bế tắc về quân sự, và chỉ có những nhóm cực đoan, gồm IS, là hưởng lợi. Và kết quả là cuộc xung đột vẫn cứ lớn dần và còn lâu mới kết thúc. Không những vậy, nó còn để lại những hậu quả về con người, chiến lược và địa chính trị.
Theo ông Gordon, nếu Mỹ tạm hoãn đặt vấn đề về sự đi – ở của ông Assad sẽ giúp các cuộc đàm phán với Nga dễ thành công hơn, và cuối cùng thì các đồng minh Ả Rập, những nước luôn muốn ông Assad bị lật đổ, cũng sẽ phải miễn cưỡng tán thành quá trình này.
“Kẻ thù của kẻ thù chưa hẳn là bạn”
Tuy nhiên, việc Mỹ nhìn nhận chính quyền Assad để từ đó áp dụng câu nói “kẻ thù của kè thù là bạn” (bắt tay với Assad để chống IS) có thể là một sai lầm lớn, theo như lời chuyên gia Andrew J. Tabler tại Viện Washington về chính sách Cận Đông (Mỹ) bình luận trên tờ Washington Post.
Ông Tabler cho rằng trong khi IS phát triển mạnh tại Syria nhờ vào sự hỗn loạn tại đây, và người Mỹ phải thực hiện các chiến dịch quân sự để ngăn chặn mối đe doạ này, thì chính quyền Assad lại thiếu nhân lực để có thể kiểm soát chỉ một phần tư lãnh thổ đất nước.
Chính quyền thiểu số Alawite của ông Assad đã mất kiểm soát tại Syria từ khi quyết định dùng vũ lực chống lại sự phản đối của người dân, đồng thời gây chiến với các cộng đồng người Sunni lớn trong khu vực, tạo môi trường cho các nhóm cực đoan phát triển.
Để tiêu diệt tận gốc IS, Mỹ cần hành động có trách nhiệm và biết chọn lựa tại Syria bằng cách ủng hộ về quân sự cho các “diễn viên chính” trong khu vực. Đồng thời, Mỹ phải nỗ lực từ bỏ suy nghĩ rằng Assad là điểm mấu chốt tham gia vào việc giải quyết khủng hoảng. Thay vào đó, Washington cần tìm ra một giải pháp chính trị để buộc Assad phải rời bỏ quyền lực.
“Nếu chúng ta không nhanh chóng quyết định một cơ chế và thời gian cho sự ra đi của Assad và giữ những gì còn sót lại và có thể cứu vãn được của nhà nước Syria, thì IS và những nhóm giống vậy sẽ vẫn tồn tại và Mỹ sẽ không bao giờ rời khỏi Trung Đông trong yên bình”, ông Tabler nhận định.
Bảo Vinh