z-hoc-tieng-anh-voi-ngoai-kieu

SAIGON — Nặng ngữ pháp, thiếu thực hành, không tạo được hứng khởi tìm hiểu ngôn ngữ mới cho học sinh…, là nhận định của nhiều người về chương trình tiếng Anh hiện nay ở trường phổ thông, theo Tuổi Trẻ (TTO).

Trước tình trạng tiếng Anh là môn có kết quả thi thấp nhất trong số 8 môn thi của kỳ thi THPT quốc gia 2015, với phổ điểm tập trung ở mức chỉ 2 – 3.5 điểm, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận kết quả này phản ánh một phần những bất cập trong chất lượng dạy học tiếng Anh ở bậc phổ thông nói chung.

Theo TTO, nhiều người đã bày tỏ sự băn khoăn về cách dạy tiếng Anh hiện nay trong trường phổ thông. Nhiều thế hệ học sinh cho biết sau nhiều năm học tiếng Anh ở trường phổ thông, các em có thể viết được nhưng gần như không thể nói được một câu tiếng Anh cho tròn trĩnh.

blank
Sinh hoạt giao tiếp với người nước ngoài ở CLB Anh ngữ chùa Lá (Q. Gò Vấp – Sài Gòn).

Bạn đọc Thanh Thúy (Bình Định) nói: “Thế hệ 7X chúng tôi tốt nghiệp phổ thông, không ai nói được tiếng Anh cho ra hồn. Người nước ngoài hỏi, đôi khi hiểu nhưng trả lời không được vì… cứng miệng. Đúng là học sinh tỉnh lẻ chúng tôi, điều kiện học thêm tiếng Anh có hạn chế. Tuy nhiên, chương trình học ở trường phổ thông là chương trình chung của cả nước. Học suốt bao năm chỉ có nhìn và viết chữ. Tưởng rằng sau bao năm cách giảng dạy tiếng Anh sẽ thay đổi nhưng con tôi đến nay đã học xong lớp 11 vẫn chưa giao tiếp được bằng tiếng Anh”.

Bạn đọc Phan Văn Chính nhận định cách dạy ngoại ngữ của Việt Nam lâu nay hàn lâm và quá chú trọng ngữ pháp, làm thui chột khả năng phát triển khẩu ngữ của học sinh.

TTO nêu tiếp ý kiến của em Nguyễn Lộc, HS lớp 11 Trường THPT Trần Cao Vân (Khánh Hòa), cho biết mỗi giờ học tiếng Anh đều khá nặng nề vì chủ yếu là học ngữ pháp, từ mới, thiếu những giờ thực hành, giao tiếp bằng tiếng Anh để học sinh nắm bắt và vận dụng điều mình học vào cuộc sống. “Bản thân em giờ ra đường có gặp người nước ngoài cũng không giao tiếp với họ được, dù chỉ là mấy câu đơn giản, xã giao”, Lộc kể.

Chia sẻ suy nghĩ này, một bạn đọc khác nhận định rằng thời lượng dành cho môn tiếng Anh vài tiết một tuần thì làm sao cô giáo có thể tự tin tập cho các em kỹ năng nghe, nói, trong khi phải dạy cho hết giáo trình theo quy định cứng nhắc.

blank
Giao tiếp với người nước ngoài để tập nghe và nói tiêng Anh cho quen.

Theo TTO, lỗ hổng cơ bản của phương pháp dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay là sách giáo khoa cùng giáo trình chỉ tập trung vào ngữ pháp và viết, thầy cô cũng lười nói chuyện bằng tiếng Anh với học sinh. thì tập trung chủ yếu ngữ pháp và viết. Thế nên mới có chuyện các em thi tiếng Anh điểm cao chót vót nhưng ra đường không giao tiếp được.

Trao đổi về vấn đề này, cô Đào Thị Hồng Thanh, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết “Tôi bảo các em nói cho nghe một câu đơn giản thôi nhưng có em vẫn không nói được, dù nếu yêu cầu viết thì chắc chắn các em viết được, thậm chí viết được cả câu khó hơn.”

Theo cô Hồng Thanh, mặc dù sách giáo khoa cũng khuyến khích các em giao tiếp nhưng thời lượng học trên lớp quá ngắn, giáo viên vừa phải dạy các điểm ngữ pháp mới, hướng dẫn những dạng bài tập sẽ phải thi, vừa giúp các em trong vấn đề nghe – nói thì “cũng rất khó cho giáo viên”, cô Thanh bày tỏ.

TTO ghi nhận thực tế là học tiếng Anh tại lớp thì học sinh thường chán nhưng khi được học bên ngoài, các em lại luôn hứng thú.

Nhiều học sinh kể: “Chúng em đi học tiếng Anh bên ngoài thấy thật sinh động, có sự giao tiếp chéo, nói tiếng Anh với nhau vòng quanh giữa các bạn trong lớp học. Chương trình học tiếng Anh bên ngoài cũng dễ nhớ, thú vị”.

Ca sĩ Thanh Duy, từng là giảng viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ lớn, chia sẻ: “Các bạn có thể nói tiếng Anh với bạn bè, thầy cô hoặc tìm những người bạn trên mạng, cả bạn là người nước ngoài, để giao tiếp, tập nghe và nói cho quen hơn. Bên cạnh đó, hãy học bằng cách giải trí như nghe nhạc, xem phim, xem các chương trình bằng tiếng Anh”.

Sài Gòn

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: