Loạt email mà đao phủ Nhà nước Hồi giáo từng gửi đi nhiều năm trước phác họa chân dung của một kẻ đầy tuyệt vọng, mang trong mình những nỗi lo âu vô lý và có dấu hiệu hoang tưởng.

john-3908-1425342471-6850-1425354442

Mohammed Emwazi. Ảnh: NY Post

Từ khi mặt nạ của “Phiến quân John”, đao phủ xuất hiện trong các video hành quyết chặt đầu con tin của Nhà nước Hồi giáo (IS), bị lột trần, đồng thời những email có phần chán nản mà tên này viết từ những năm 2010, 2011 được tiết lộ, dư luận thế giới lập tức nổ ra một cuộc tranh luận quanh việc liệu hắn bị cực đoan hóa bởi sức ép từ chính quyền hay tên này từ lâu đã nung nấu ý chí để trở thành một kẻ khủng bố.

Những email cầu cứu

Theo CAGE, tổ chức nhân quyền bênh vực người Hồi giáo từng làm việc với Mohammed Emwazi, tên thật của “Phiến quân John”, hắn luôn cảm thấy bản thân bị cơ quan chức năng quấy rối và cố gắng tìm kiếm những sự giúp đỡ hợp pháp để thoát khỏi tình cảnh đó.

Những bức thư điện tử mà tên này gửi cho họ vẽ nên chân dung một con người đầy tuyệt vọng đang bị chính quyền săn lùng. Vì không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ bất cứ đâu, những dự định cho một cuộc sống tương lai của hắn đều sụp đổ.

Trong một email Emwazi gửi tới CAGE, hắn miêu tả chi tiết việc mình bị bắt giữ và thẩm vấn trong hàng giờ liền tại sân bay nước Anh vào năm 2010 bởi chính quyền muốn ngăn cản hắn bay tới Kuwait.

“Tôi nói với họ rằng chỉ mong được ở một mình. Thế nên tôi rời Anh tới Kuwait để ổn định cuộc sống. Đây là lý do vì sao tôi tìm việc và bạn đời tại đó! Nhưng họ lại phá lên cười”, Emwazi viết trong email gửi đi ngày 3/6/2010.

“Một người trong số họ rất hung dữ, ông ta đẩy tôi vào tường… Tôi thấy rất khó hiểu, không biết tại sao ông ấy lại làm như vậy sau 6 tiếng đồng hồ liên tục thẩm vấn, lấy dấu vân tay và lục soát tôi”, Emwazi viết.

Emwazi cho biết hắn liên tưởng tới “những tên tội phạm gây ra các tội ác vô cùng nghiêm trọng thường chỉ xuất hiện trên truyền hình” khi chứng kiến cách mà nhân viên an ninh đối xử với hắn. “Tôi là một công dân chưa từng bị bắt giữ. Tôi chỉ là một người bình thường đang theo đuổi cuộc sống mới tại quê hương Kuwait của mình mà thôi”, Emwazi nói.

“Hãy giúp tôi, tôi không muốn sống ở Anh nữa. Tôi đã tìm được công việc, một người bạn đời, một khởi đầu mới ở Kuwait”, Emwazi gửi thư cầu cứu tới CAGE. Emwazi cho hay hắn đã gửi đơn tới Ủy ban Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (IPCC) trước khi kể về việc hắn bị “các nhân viên cảnh sát hành hung như thế nào”.

Bên cạnh các email gửi tới CAGE, Emwazi cũng gửi một loạt thư điện tử cho Robert Verkaik, biên tập viên an ninh của Daily Mail trong các năm 2010, 2011.

Cảm giác tuyệt vọng hiện lên rõ rệt trong những lời Emwazi viết tại thời điểm đó. Hắn ám chỉ từng có ý định tự tử. “Nhiều khi tôi thấy mình như một xác chết biết đi,  không phải vì sợ hãi họ sẽ đến giết tôi mà vì lo lắng rằng một ngày nào đó mình sẽ uống quá nhiều thuốc ngủ đến mức lịm đi mãi mãi! Tôi chỉ muốn tránh xa những con người đó”, Emwazi viết trong một email.

Verkaik cho biết ông đã gặp Emwazi vào năm 2010 khi điều tra về những tuyên bố của hắn liên quan đến việc bị lực lượng cảnh sát và cơ quan tình báo quấy rầy. Những mối lo lắng của Emwazi cho thấy hắn dường như có dấu hiệu hoang tưởng, Verkaik nhận định.

“Giống như một vài thanh niên Hồi giáo khác, hắn luôn thấy bất bình với thế giới xung quanh”, ông Verkaik viết. Nhưng “cảm giác bất công không bao giờ có thể là lý do biện bạch cho những hành vi giết người dã man mà hắn ta thực hiện ở Syria”, ông nhấn mạnh.

Chính quyền không tạo ra “Phiến quân John”

81261892-emwazi-4550-1425354442.jpg

Hình ảnh “Phiến quân John” xuất hiện trong một video hành quyết chặt đầu con tin của IS. Ảnh: BBC

Thông tin từ các tài liệu của tòa án Anh lại vẽ nên bức tranh hoàn toàn khác biệt về Emwazi. Theo đó, Emwazi là thành viên của một nhóm gồm các phần tử cực đoan tự nhận mình là “Những Chàng trai Bắc London”. Nhóm này bị cáo buộc vận động và cung cấp hỗ trợ tài chính cho al-Shabaab, một tổ chức có liên quan tới các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Somalia.

Tờ Guardian đưa tin Emwazi cũng đóng vai trò trong âm mưu đánh bom ga tàu điện ngầm London vào năm 2005. Gương mặt của hắn đã quá quen thuộc với cơ quan an ninh vì luôn bị giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên vào năm 2013, chính quyền để mất dấu hắn. Theo bạn bè của Emwazi, hắn đổi tên và bay tới Syria trong quãng thời gian này.

Các nhà phân tích, chuyên nghiên cứu chiến lược tuyển mộ thành viên của IS, khẳng định chính quyền gây áp lực lên Emwazi là có lý do xác đáng, đồng thời khẳng định đó không thể là nguyên nhân khiến hắn trở thành “Phiến quân John”.

Suy nghĩ cho rằng sức ép từ chính quyền biến Emwazi thành kẻ sát nhân máu lạnh “thật ngớ ngẩn”, ông Peter Neumann, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Chủ nghĩa Cực đoan, bình luận. “Đó không thể là nguyên nhân lý giải cho việc một ai đó bị cực đoan hóa. Các nhân viên tình báo giám sát hắn bởi Emwazi bị tình nghi nỗ lực gia nhập tổ chức khủng bố al-Shabaab ở Somalia”, ông cho biết thêm.

“Bạn không thể mở đầu câu chuyện bằng việc hắn bị nhà chức trách Anh đối xử như thế nào. Bạn chắc chắn không thể suy diễn mọi thứ từ những bức thư điện tử”, CNN dẫn lời Rashad Ali, giám đốc tổ chức tư vấn chống chủ nghĩa cực đoan CENTRI, chuyên gia tại Viện Đối thoại Chiến lược, nhận định. “Bạn cần đặt câu hỏi tại sao các đặc vụ tình báo lại nhắm đến hắn ta”.

“Người bình thường không biến thành phần tử khủng bố khi đối mặt với bất công”, ông Ali tranh luận.

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: