1

Điều tra viên do chính tập đoàn GlaxoSmithKline (GSK) thuê nói cáo buộc hãng này hối lộ hàng loạt bác sỹ ở Trung Quốc là “đáng tin cậy”.

Ông Peter Humphrey được thuê để điều tra xem ai đứng đằng sau “chiến dịch bôi nhọ” nhằm vào GSK thế nhưng sau khi xong việc, ông tìm được thêm nhiều chi tiết cáo buộc tập đoàn này và nói với các đồng nghiệp rằng thông tin mới có thể là thật.

GSK nói với BBC họ không chấp nhận tham nhũng trong kinh doanh.

Thông cáo của tập đoàn này viết: “Chúng tôi có nhiều chính sách, quy trình và quy định nhằm theo dõi và có hành động nếu xảy ra bất cứ vi phạm nào. Như chúng tôi nói trước đây, các cáo buộc nảy sinh gây quan ngại lớn cho chúng tôi. Chúng tôi học được nhiều điều từ tình huống này và quyết tâm có tất cả các hành động cần thiết”.

Cáo buộc đối với hoạt động của GSK tại Trung Quốc xuất hiện lần đầu trong một email từ tháng 1/2013 do một người giấu tên gửi tới tập đoàn.

Hối lộ hàng loạt

BBC được xem email này, trong đó người gửi cáo buộc đội ngũ bán hàng của GSK đã nhằm vào mua chuộc các bác sỹ có tên tuổi bằng quà cáp và cả tiền mặt nhằm giành hợp đồng cung cấp thuốc.

Email cũng cho hay nhiều bác sỹ đã được đi nghỉ nước ngoài theo dạng đi dự hội thảo, toàn bộ chi phí do công ty trả. GSK nói với BBC rằng họ đã điều tra các cáo buộc theo tư vấn pháp luật và kiểm toán bên ngoài.

Từ khi vụ này vỡ lở, bốn lãnh đạo của GSK đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt và tổng giám đốc của hãng tại Trung Quốc, Mark Reilly, có tin cũng bị tạm giam. Điều tra viên Humphrey thì cuối năm nay sẽ phải ra tòa vì tội mua bán trái phép thông tin riêng tư.

Ông Humphrey liên đới tới vụ này trước tiên là vì một cuốn băng sex trong đó ông Reilly bị cho là đang ân ái với bạn gái người Trung Quốc trong căn hộ của ông ở Thượng Hải. Ông Reilly nói ông không hề hay biết cuốn băng này được thu hình .

Cuốn video này được chuyển tới Chủ tịch GSK Andrew Witty ở London, cùng với một email cáo buộc ông Reilly chỉ đạo việc tham nhũng của tập đoàn này ở Trung Quốc.

Công ty điều tra của ông Humphrey, ChinaWhys, được thuê để tìm xem kẻ nặc danh đằng sau email là ai. GSK nghi đó là một cựu nhân viên cao cấp, bà Vivian Shi Wen, người bị đuổi việc cuối năm 2012. ChinaWhys cũng được yêu cầu điều tra xem ai quay cuốn băng sex nói trên.

Ông Humphrey đã hoàn tất điều tra về bà Shi vào tháng 6/2013, trong đó nói người gửi email tố cáo không phải bà. Tuy nhiên chưa ai tìm ra người nào đṕng đằng sau cuốn băng.

Ngay sau đó ông Humphrey và vợ ông là Yu Yingzeng, người cùng làm việc với ông, đã bị bắt.

Nhà chức trách Trung Quốc không đưa ra liên quan giữa vụ GSK và việc bắt hai người này nhưng cho hay họ sẽ được mang ra xử kín.

Peter Humphrey đang chờ ngày ra tòa

 

‘Đáng tin cậy’

Một trong những điều kỳ lạ nhất trong vụ án này là ông Humphrey không được tiếp cận các cáo buộc mà người gửi email nặc danh đưa ra đối với GSK khi ông được thuê để điều tra bà Vivian Shi.

Trong một lời khai ở trong tù, ông Humphrey nói rằng khi thuê ông, GSK nói với ông rằng họ đã kết luận về các cáo buộc đối với hãng này là sai, Thế nhưng sau đó, khi ông được đọc email tố cáo chỉ vài tuần trước khi ông bị bắt, ông tin rằng các cáo buộc này “đáng tin cậy”.

Trong một email gửi các đồng nghiệp cùng công ty, ông viết: “Tôi chỉ có thể đoán được là họ không cho chúng ta xem các cáo buộc vì họ sợ rằng chúng ta sẽ tin các cáo buộc và điều tra chúng…”

“Nói thật là tôi tin mọi cáo buộc này. Chúng hoàn toàn đáng tin.”

GSK không bình luận gì về lý do tại sao ông Humphrey không được tiếp cận các cáo buộc.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: