Notifications
Clear all

[Closed] BÍ QUYẾT XIN VISA DU LỊCH HOA KỲ


vietditru
(@vietditru)
Estimable Member Admin
Joined: 11 years ago
Posts: 189
Topic starter  

Thường trú nhân Hoa Kỳ, người có quốc tịch Mỹ, sinh viên, học sinh đang du học tại Hoa Kỳ, người đang làm việc tại Hoa Kỳ đều có thể mời cha, mẹ, anh, chị em, hay bạn bè qua Mỹ du lịch

Bí quyết xin visa du lịch Hoa kỳ
Để có được visa du lịch người xin phải chuẩn bị kỹ hai vấn đề sau:
1. Mục đích sang Mỹ và khả năng tài chính
2. Chứng minh sẽ quay trở về VN

1. Mục đích sang Mỹ: Mời thân nhân sang thăm và du lịch Hoa Kỳ

a. Phải có những giấy tờ GỐC chứng minh quan hệ thân nhân, ví dụ: giấy chứng sinh, hộ khẩu, giấy hôn thú… những bản này sẽ phải trình với nhân viên phỏng vấn mà không cần dịch sang tiếng Anh hay công chứng. Nên có rất nhiều ảnh gia đình chụp từ lâu năm để củng cố tài liệu (ví dụ nếu mời cô hay bác thì khó có giấy tờ chứng minh quan hệ họ hàng, vì thế có thể mang nhiều ảnh hoặc những tài liệu khác để củng cố bằng chứng).

b. Phải trình một bản gọi là Chương trình Thăm viếng nước Mỹ: ghi rõ ràng và chi tiết, liệt kê đầy đủ những địa điểm sẽ đến, người liên lạc, số điện thoại...

c. Vấn đề tài chính:
- Nêú người xin visa du lịch có thể tự lo trang trải chi phí cho chuyến viếng thăm thì người mời không cần điền mẫu I-134, chỉ cần thư mời thôi. Nếu như vậy người xin visa phải có bằng chứng rõ ràng về tài chính của mình. Tuy nhiên người mời cũng nên điền mẫu I-134 bảo trợ vấn đề ăn ở (Accommodation and Food), có thêm vân tốt hơn.

- Nêú người xin visa du lịch không thể tự lo trang trải chi phí cho chuyến viếng thăm thì người mời phải làm bộ bảo trợ tài chánh gồm:
. Điền mẫu I-134: Xem hướng dẫn
. Giấy khai thuế + W2 của 3 năm gần nhất
. Biên lai nhận lương hai lần gần đây (Two Latest Pay Stubs)
. Copy US passpost/bằng quốc tịch/copy 2 mặt của thẻ xanh.

2. Chứng minh lý do trở về VN sau khi thăm Mỹ

Để làm sáng tỏ những lý do sẽ trở về VN người xin visa cần phải chứng minh được mình có những ràng buộc KHÔNG THỂ RỜI BỎ tại Việt nam. Những ràng buộc này rất đa dạng và tùy vào từng cá nhân. Có thể phân loại những ràng buộc này như sau:

a. Ràng buộc tài chính
Những tài sản hoặc sở hữu có giá trị lớn: bất động sản, công ty, tiền mặt trong tài khoản... Cần phải có những giấy tờ gốc hợp pháp về sở hữu những tài sản này trình với nhân viên phỏng vấn.

b. Ràng buộc gia đình
Quan hệ gia đình không thể rời bỏ có thể là có vợ/chồng/con/bố mẹ già tại Việt nam. Cần phải có những giấy tờ chứng tỏ những quan hệ này. Nên đem theo nhiều ảnh gia đình trong thời gian dài để chứng minh mình có quan hệ dài lâu và liên tục với những người thân. Tốt nhất là có THƯ TAY những thân nhân khác trong gia đình gửi đến LSQ để ủng hộ chuyến viếng thăm nước Mỹ. Ví dụ chồng có thể viết thư gửi đến LSQ nói răng tôi ủng hộ vợ tôi đi thăm nước Mỹ và tin rằng vợ tôi sẽ về…

c. Ràng buộc nghề nghiệp/chuyên môn/xã hội
- Những ràng buộc nghề nghiệp có thể là: đang làm quan chức quan trọng trong bộ máy nhà nước, doanh nghiệp hay trường học. Đang điều hành cửa hàng, công ty tự nhân… vân vân.

- Những ràng buộc xã hội có thể là: thành viên của một hội đoàn xã hội nào đó, thường xuyên tham gia một họat động văn hóa xã hội nào đó, tham gia một tôn giáo nào đó… cần có THƯ TAY của một người có trách nhiệm trong hội đoàn đó gửi đến LSQ chứng minh thân nhân là thành viên của hội đoàn. Trong thư ghi rõ địa chỉ và điện thoại liên lạc.

d. Những ràng buộc khác
Nếu có bất kỳ tài liệu gì chứng minh mình là người được mọi người trong gia đình và xã hội tín nhiệm thì nên đưa ra khi phỏng vấn vì bản chất của việc trả lời phỏng vấn xin visa là gây dựng lòng tin. Có được càng nhiều sự tin tưởng thì càng tốt.

Những tài liệu loại này cực kỳ đang dạng, mỗi người có một cách khác nhau. Trong giấy giới thiệu cần ghi rõ tên, địa chỉ và điện thoại của người giới thiệu để nhân viên phỏng vấn có thể thẩm tra.

Những giấy tờ cần thiết của ngươì mời phải gửi về VN

1. Giấy mời viết cho người thân (Letter of Invitation): Thư mời cần nêu rõ mục đích, thời gian thăm viếng và những cam kết về tài chính (nếu có). Thư viết bằng tiếng Việt, không cần bản tiếng Anh.

Ngoài ra nên có một thư riêng của mình gửi đến nhân viên phỏng vấn khẳng định tình trạng hợp pháp của mình tại Mỹ, khẳng định thu nhập, khẳng định mối quan hệ với thân nhân và khẳng định sự tin tưởng thân nhân sẽ trở về VN và mình hoặc thân nhân có đủ năng lực tài chính cho chuyến đi. Thư này viết bằng tiếng Anh.

2. Chương trình Thăm viếng: Ghi rõ ràng và chi tiết, liệt kê đầy đủ những địa điểm sẽ đến, người liên lạc, số điện thoại...

3. Cam kết bảo lãnh tài chính: Xem mục c. Vấn đề tài chính ở phía trên.

Những giấy tờ cần thiết của người ở VN xin visa

1. Đơn xin cấp visa I-160: I-160 download

2. Giấy khai sinh hoặc các giấy tờ khác chứng minh quan hệ gia đình/huyết thống. Cần đem theo bản gốc, không cần dịch sang tiếng Anh. Nếu không có giấy tờ cụ thể thì có thể chứng minh bằng những ảnh chụp gia đình cũng được.

3. Hộ khẩu của người thân: Cần đem theo bản gốc;

4. Giấy chứng nhận đang công tác (Letter of Employment Verification) hoặc giấy giới thiệu của hội hưu trí hoặc của cơ quan cũ, hoặc giấy giới thiệu của hội đoàn/tổ chức mà thân nhân đang hoặc đã tham gia (Letter of Introduction and Support). Đây là bằng chứng về những ràng buộc xã hội và nghề nghiệp.

5. Thư viết tay của các thành viên khác trong gia đình đồng ý và ủng hộ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ (Letters of Support from other members of your family). Ví dụ như nếu bạn mời bố mẹ sang thăm và ông bà nội hoặc ông bà ngoại còn sống thì thư tay từ các trưởng lão này đến nhân viên phỏng vấn LSQ là rất quan trọng. Đại loại trong thư nêu lên rằng “tôi tin con tôi sẽ trở về đúng hạn định để chu toàn trách nhiệm phụng dưỡng thân sinh tại Việt nam”. Tất nhiên nếu bạn chỉ mời mẹ hoặc bố thì nên có thư tay của người ở lại gửi đến LSQ ủng hộ chuyến thăm này. Đây là những bằng chứng về những ràng buộc gia đình.

6. Các bằng chứng về sở hữu tài sản, tiền mặt để chứng tỏ thân nhân có khả năng trang trải chi phí của chuyến đi, đây cũng là bằng chứng để thuyết phuc viên chức lãnh sự là bạn sẽ trở về VN vì còn nhiều tài sản mình đang đứng tên. Những giấy tờ loại này rất đa dạng mà thông thường nhất là báo cáo số dư tài khoản (Bank Account Balance Statement). Những tài khoản này nên có tuổi ít nhất là 6 tháng, nếu không thì coi như không có giá trị họ sẽ cho đó chỉ là cánh đối phó. Các giấy tờ khác có thể là giấy tờ sở hữu nhà, sở hữu thiết bị, nguyên vật liệu... Những giấy tờ này cần đem bản gốc.

Xem thêm:
7 Bước Chuẩn Bị Cho Buổi Phỏng Vấn Xin Thị Thực

Sau khi điền I-160, đóng phí thị thực, lấy hẹn... đến ngày phỏng vấn đương đơn đem toàn bộ các giấy tờ nêu trên đến lãnh sự quán (không sớm hơn 20 phút so với giờ hẹn phỏng vấn) để nộp và chờ phỏng vấn.

Nếu được cấp thị thực, đương đơn sẽ được nhận lại hộ chiếu cùng thị thực thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh EMS trong vòng 3 ngày làm việc. Lệ phí chuyển phát nhanh là 30.000 hoặc 50.000 đồng tuỳ thuộc vào địa điểm chuyển phát. Lệ phí này phải trả bằng tiền mặt, tiền đồng Việt Nam. Nếu bị từ chối cấp thị thực, đương đơn sẽ được trả lại hộ chiếu cùng những giấy tờ cần thiết khác ngay sau cuộc phỏng vấn.


Share: