(TNO) Các thủ lĩnh sinh viên lên án chính quyền Hồng Kông hủy đàm phán vì thấy số người biểu tình ít đi, và kêu gọi mọi người tiếp tục đổ ra đường đêm 10.10 để gây áp lực lên nhà cầm quyền.
Người biểu tình Hồng Kông thất vọng trước quyết định huỷ đàm phán của chính quyền Lương Chấn Anh – Ảnh: Nguyễn Thành Trung
Tuyên bố hủy bỏ đàm phán của chính quyền Hồng Kông có thể sẽ “thổi một làn gió mới” vào nhóm người biểu tình đòi bầu cử tự do vốn đã vơi đi nhiều trong mấy ngày qua trên những con đường trung tâm của thành phố này, theo Washington Post (WP) ngày 10.10.
Tối 9.10, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Chánh văn phòng đặc khu, phát biểu rằng “không thể mang cuộc sống hằng ngày của mọi người vào mặc cả để đàm phán được”, và cảnh báo rằng hoạt động biểu tình phải chấm dứt trước khi đàm phán có thể bắt đầu, theo WP.
Ngoài ra, bà Carrie Lam vẫn tuyên bố cuộc đàm phán phải dựa trên đường lối của quyết định do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đưa ra hồi tháng 8. Tuy nhiên, các sinh viên không chấp nhận điều kiện này, theo South China Morning Post.
Đáp lại, Alex Chow, Tổng thư ký Liên hội sinh viên Hồng Kông, cáo buộc chính quyền rút khỏi cuộc đàm phán vì thấy rằng tình hình đã dịu bớt. “Các sinh viên kêu gọi những người tham gia bất tuân dân sự tiếp tục xuống đường và chiếm đóng”, WP dẫn lời Alex Chow.
Joshua Wong, người sáng lập nhóm Học dân Tư triều, kêu gọi mọi người xuống đường vào tối nay, 10.10, mang theo lều trại để cắm tại khu vườn bên cạnh văn phòng Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh, Wall Street Journal (WSJ) cho biết.
Chị em Hattie và Wendy Lam, cùng 25 tuổi, là một trong số những người biểu tình vẫn cắm trại trên phố, nói rằng quyết định hủy đàm phán của chính quyền là “không thỏa đáng” và “hèn nhát”. “Tất nhiên mọi người sẽ mệt mỏi, nhưng kiểu hành động này của chính quyền chỉ tổ khiêu khích họ đổ ra đường nhiều hơn”, WP dẫn lời hai cô gái.
Về phía chuyên gia, WP dẫn lời, Sebastian Veg, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc đương đại của Pháp nhận định rằng quyết định của chính quyền là “cực kỳ vô trách nhiệm”. “Tôi cho rằng nhiều thỏa hiệp về mặt kỹ thuật có thể đạt được giữa chính quyền và sinh viên, nhưng những nhà cầm quyền liên tiếp chứng tỏ sự thiếu mong muốn được thấu hiểu các yêu cầu từ sinh viên”, nhà nghiên cứu này cho biết.
Phương Thảo