Băng qua góc đường 12th Avenue và Jackson Street, nếu ai đó để ý sẽ thấy cảnh tượng trông rất chướng mắt. Kiến trúc đô thị của khu làm ăn mua bán dọc bên đường như mớ bòng bong, cơ sở hạ tầng hư nát, những căn trống không ai mướn chằn chịt chữ viết bậy trên tường, những bãi đậu xe rộng lớn, ánh sáng tù mù và rác.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Nhưng nhìn gần hơn, người ta sẽ thấy khu vực giao lộ này thực sự là hồn của người Việt ở Seattle. Một khu trung tâm văn hóa, xã hội và kinh tế nhộn nhịp của người Mỹ gốc Việt địa phương.

Cộng đồng gốc Việt ở đây đang dốc lòng chỉnh trang đô thị khu Little Saigon.
Ở Seattle, nơi “phát triển theo định hướng giao thông công cộng” (Transit Oriented Development gọi tắt là TOD) đang trở thành khẩu hiệu, thì những khu mua sắm nho nhỏ trong khu vực lấy xe làm tâm điểm giao thông có vẻ như không thu hút các nhà bảo tồn lịch sử đầy nhiệt huyết như ở Quảng trường Pioneer hay khu phố Tàu. Vậy nên, một phong trào lấy con người làm trung tâm đang đấu tranh gìn giữ sức sống và bản sắc của Little Saigon nơi đây trước khi quá muộn.
Cơ quan Bảo tồn và Phát triển khu Quốc tế phố Tàu Seattle (SCIDpda) và tổ chức Friends of Little Saigon đang hợp tác với thành phố Seattle tiến hành kế hoạch phát triển khu Little Saigon. Thông qua quá trình tiếp cận các tiểu thương và dân chúng địa phương, các tổ chức này này đang nỗ lực xây dựng tầm nhìn phát triển dựa trên những mối quan tâm và nhu cầu của cộng đồng địa phương.
Spencer Williams, nhà thiết kế đô thị tại Futurewise, người đang giúp phát triển kế hoạch này tin rằng một tầm nhìn định hướng cộng đồng rất quan trọng cho sự phát triển công bằng và bền vững. “Có sự tham gia của cộng đồng, có tầm nhìn và dựa trên đó mà hành động rất quan trọng,” anh nói.
Trung tâm thông tin và thiết kế thuộc SCIDpda tổ chức những buổi họp bàn luận để lôi kéo sự tham gia của cộng đồng vào việc phát triển đô thị địa phương. Tuy nhiên, tiếp cận cộng đồng Little Saigon không hề đơn giản.
Trước hết, cộng đồng gốc Việt cảnh giác với  chính quyền – một di sản mất lòng tin từ thời kỳ chiến tranh Việt Nam để lại. Cộng đồng gốc Việt trong vùng lân cận chung quanh “thiếu sự tương tác, cùng tham gia và năng lực tổ chức,” theo Quỳnh Phạm, điều phối viên Phát triển Kinh tế Cộng đồng từ SCIDpda. “Tổ chức các buổi họp mặt trong một cộng đồng thương nhân, đặc biệt những tiểu thương buôn bán nhỏ là một thách thức không hề nhỏ,” Quỳnh nói thêm. Tiểu thương thường rất bận rộn với công việc làm ăn buôn bán, họ không có thời gian dự họp.
Vậy thì, diện mạo khu vực đường 12th và đường Jackson sẽ ra sao sau hai thập niên kể từ bây giờ nếu thành phố và các nhà phát triển thực sự theo đuổi  tầm nhìn cộng đồng? Mùa hè năm ngoái, SCIDpda làm việc với sinh viên khoa Kiến trúc Cảnh quan trường đại học Washington để tìm ra câu trả lời.
Kết quả cho thấy xu hướng phát triển theo định hướng giao thông công cộng sẽ chuyển Little Saigon từ khu vực do xe thống trị hiện tại thành khu vực cho người bộ hành. Những tòa nhà thấp bé tại giao lộ này sẽ nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng, mang nhiều mục đích sử dụng để gia tăng mật độ dân cư và thương mại. Kinh doanh buôn bán sẽ nằm ở những tầng dưới và chung cư dành cho sinh sống ở những tầng trên.
Sinh viên đại học Washington rất lưu tâm đến việc duy trì cảm giác mạnh mẽ về nơi này. Williams hy vọng rằng bất cứ tầm nhìn thiết kế cho cộng đồng nào cũng sẽ tăng cường sự đa dạng đã tồn tại cho đến ngày hôm nay. “Một phần trải nghiệm về nơi đó là ai ở đó? Nơi đó trông như thế nào, có mùi gì đặc trưng, ngôn ngữ giao tiếp ở đó thế nào, có khác với ngôn ngữ mình đang nói không? Đó chính là trải nghiệm hàng ngày ở khu Little Saigon,” anh cho biết.
Để duy trì cảm giác về nơi này, kế hoạch vẽ ra những đường phố mang đầy bản sắc văn hóa Việt kết hợp với những bảng chỉ dẫn, lối băng qua đường đặc biệt và một trung tâm Á châu tọa lạc ở góc tây nam giao lộ. Đưa những khoảng không công cộng vào sẽ đánh dấu khu vực, từ một khu mua sắm trung tâm đến các vỉa hè phủ cây xanh và các băng ghế. Bãi đậu xe sẽ được chuyển đổi thành khu vực cho quán café.
Nghe qua thất thú vị, nhưng liệu những tiểu thương gốc Việt hiện tại có thể vẫn kinh doanh được trong khu Little Saigon mới? Thu nhập bình quân đầu người trong khu vực này dưới $13.000/ năm. Chắc chắn cần sự can thiệp mạnh mẽ từ chính quyền thành phố, có những chính sách cho thuê vị trí kinh doanh giá cả đa dạng và phải chăng thông qua các khoản trợ cấp nào đó để hỗ trợ tiểu thương để họ có khả năng tiếp tục sinh sống và kinh doanh ở đó.
SCIDpda mong muốn tạo ra một “cộng đồng sôi động với nhiều nhà cửa, cơ sở thương mại và những không gian văn hóa, cộng đồng hơn.” Quỳnh Phạm ý thức điều này, trừ phi “phát triển vẫn giữ được văn hóa và cộng đồng đang tồn tại,” còn không sẽ có “nguy cơ cao người ta chuyển đi nơi khác.” Nói cách khác, ngay thậm chí việc phát triển được thực hiện có gu văn hóa đi nữa, vẫn có nguy cơ đẩy dân chúng và tiểu thương gốc Việt ra khỏi vùng. Ví dụ trước mắt, phát triển theo định hướng giao thông công cộng và đặt những đường ray xe lửa  đã đẩy cộng đồng người Mỹ gốc Phi ra khỏi Rainier Valley.
Nếu không có các biện pháp bảo vệ di tích lịch sử từ những nơi khác trong khu Quốc tế phố Tàu, tương lại của Little Saigon có thể an bài với khả năng của cộng đồng địa phương trong việc tổ chức và tạo nên tầm nhìn đầy sức mạnh cho tương lại của khu vực.
Quá trình xây dựng một tầm nhìn cho Little Saigon chỉ mới bắt đầu. Thành phố Seattle và các nhóm vùng lân cận vẫn đang trong giai đoạn tiếp cận cộng đồng. SCIDpda, tổ chức Friends of Little Saigon và các nhà hoạt động khác hy vọng chiến lược dựa vào cộng đồng của họ sẽ được thực hiện với nguồn vốn từ Kế hoạch Toàn diện của thành phố Seattle năm 2035. Kế hoạch này sẽ giải quyết những vấn đề của thành phố để bảo đảm phát triển công bằng.
Bất chấp những khó khăn, Spencer Williams tỏ ra lạc quan về tương lai của Little Saigon. Trong một cuộc khảo sát, một du khách đã nói với Williams rằng họ sẽ thành công “nếu 20 năm sau kể từ bây giờ, tôi vẫn mua được bánh mì Việt với giá phải chăng ở khu đường 12th và Jackson.”
VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: