88FB905E-2A9C-4635-A67E-B64591CA9E02_w640_r1_s_cx0_cy8_cw0

Việt Nam muốn Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, sau khi Washington nới lỏng một phần lệnh cấm này hồi năm ngoái. Washington yêu cầu Hà Nội phải có nhiều tiến bộ hơn nữa trong vấn đề cải thiện nhân quyền.

Đó là phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, theo hãng tin AP hôm nay.

Năm 2015, hai nước từng đối đầu nhau trong trận chiến dai dẳng trong những thập niên 1960 và 1970, đánh dấu 20 năm nối lại quan hệ ngoại giao. Việt Nam nói việc tháo bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương sẽ giúp Hà Nội tăng cường an ninh biển.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ nêu lên rằng động thái này quan trọng vì tính chất biểu tượng của nó, ngoài việc chứng minh là quan hệ Mỹ-Việt nay đã hoàn toàn được bình thường hoá.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), Đại sứ Phạm Quang Vinh nói “hành động đó mang tính biểu tượng về mặt chính trị.”

Trong một bài viết đăng trên tờ báo The Diplomat ở Washington hôm 24 tháng Ba, ông Phạm Quang Vinh nhắc đến Quan hệ Đối tác Toàn diện mà Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký vào tháng Bảy năm 2013 trong chuyến đi của ông Trương Tấn Sang tới thăm nước Mỹ.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ nói “đã tới lúc nên nới rộng và đào sâu quan hệ hữu nghị, sự tin tưởng và hợp tác giữa hai nước. Qua quan hệ Đối tác Toàn diện, Việt Nam và Hoa Kỳ có thể vạch ra hướng đi trong nhiều năm tới, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả kinh tế thương mại, y tế và hỗ trợ nhân đạo, giáo dục và môi trường”. Đại sứ Vinh nhấn mạnh “hai nước có thể đẩy bình thường hoá tiến xa hơn nữa bằng cách dỡ bỏ những chướng ngại lỗi thời, như lệnh cấm bán vũ khí” cho Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Ảnh: CSIS).Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Ảnh: CSIS).

Hoa Kỳ và Việt Nam đã đào sâu các quan hệ song phương trong bối cảnh quyền lợi của hai nước hội tụ về một điểm trong nỗ lực đối phó với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và đang tận dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để nới rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực.

Việt Nam nằm trong số 12 nước đang thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được Hoa Kỳ hậu thuẫn, Washington muốn hoàn tất hiệp định TPP trong năm nay để giúp đẩy mạnh xuất khẩu sang Châu Á, khu vực được đánh giá là có tiềm năng phát triển lớn nhất thế giới trong tương lai gần.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam cho phép Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp nhiên liệu cho các phi cơ quân sự Nga. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius quy lỗi cho Nga là đã dùng thoả thuận với Việt Nam vào các “hành động khiêu khích” có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nói Việt Nam đã xác định rõ với Hoa Kỳ rằng Hà nội sẽ không cho phép các phi trường và các cơ sở khác được sử dụng để phương hại tới các quốc gia thứ Ba. Nhưng ông Vinh không cho biết thêm chi tiết về việc này.

Đại sứ Mỹ Ted Osius nói khúc mắc lớn nhất trong các quan hệ Mỹ-Việt vẫn là vấn đề nhân quyền. Ông Osius cho rằng ở Việt Nam, không gian dành cho việc hành sử các quyền tự do tôn giáo và chính trị đang được nới rộng, nhưng cần có nhiều tiến bộ hơn nữa trước khi quan hệ song phương đạt được tiềm năng đầy đủ.

Ông Osius kêu gọi Hà Nội nên ngưng các vụ bắt bớ dựa trên những điều luật mà theo lời ông, đang được tu chính để phù hợp hơn với Hiến Pháp Việt Nam. Các điều luật đó liên hệ tới các lĩnh vực như tự do internet, tự do ngôn luận và tự do hội họp.

Mặc dù Việt Nam trong thời gian qua đã phóng thích một số tù nhân chính trị, Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói rằng Hà Nội tiếp tục bắt giữ thêm nhiều người khác, và vòng luẩn quẩn vẫn cứ tiếp tục, với ít nhất 29 vụ truy tố trong năm ngoái.

Hãng tin AP thuật lại rằng Đại sứ Việt Nam Phạm Quang Vinh đã “mặt lạnh như tiền” khi Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một nhà bất đồng chính kiến được nhiều người biết tới, chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam tại buổi hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS).

Đại sứ Vinh lặp lại lập luận cố hữu của Hà nội, rằng “tất cả mọi người đều được đối xử ngang hàng trước luật pháp, và không hề có tù nhân lương tâm tại Việt Nam”.

Cuối tháng 5 tới đây, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Hoa Kỳ, thêm một bước có tính cách biểu tượng trong quan hệ ngày càng cải thiện giữa hai nước.

Nguồn: AP, The Diplomat

admin

admin

Posted by admin

: