TT – Chuyến công du Nhật cuối tuần qua của Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã không được Bắc Kinh hoan nghênh.
Thời báo Hoàn Cầu bực dọc trách thủ tướng Úc: “Trong chuyến thăm này, ông ta nghiêng về các quan hệ với Nhật”.
Quả thật là giữa Nhật và Úc tương đồng nhiều hơn là bất đồng. Điều này được thể hiện không chỉ trong bản thông cáo chung.
Cuộc gặp Shinzo Abe – Malcolm Turnbull lần này là trong khuôn khổ các cuộc gặp thượng đỉnh thường niên giữa lãnh đạo hai nước, mà ông Turnbull, mới lên cầm quyền giữa tháng 9 năm nay, đang kế thừa mức độ và hình thức quan hệ như thế.
Bên trong lớp vỏ quan hệ lễ tân đã được ấn định, còn là sự tương đồng của “những giá trị chung và lợi ích chiến lược gồm có nền dân chủ, nhân quyền, chế độ pháp quyền, thị trường mở và tự do thương mại”.
Tuyên bố đầu tiên của thông cáo chung Abe – Turnbull hoàn toàn không phải là sáo ngữ, khi cả hai nước đều là những nền dân chủ lớn trong ý nghĩa các ông Abe và Turnbull được bầu lên làm thủ tướng bởi dân chúng thì phải phục vụ lợi ích dân chúng trên cơ sở luật pháp được xác lập vì lợi ích của dân chúng.
Một sự tương đồng như thế chưa thể có giữa Úc với Trung Quốc, nên việc Thời báo Hoàn Cầu “khiếu nại” là thừa.
Tương đồng giữa Úc và Nhật còn trong cả việc “gánh vác trách nhiệm đối với hòa bình và thịnh vượng của châu Á, Thái Bình Dương và toàn thế giới”, trong “quyết tâm đóng góp cho việc thiết lập và duy trì trật tự quốc tế, tôn trọng các quy tắc đã được rộng rãi thừa nhận cùng mức độ minh bạch cao trong việc thúc đẩy tính lưu thông không bị cản trở người, hàng hóa, tiền tệ và thông tin”.
Nếu phải so với “giấc mộng Trung Hoa” như đã và đang thể hiện hằng ngày trên Biển Đông và biển Hoa Đông, e rằng không có chút tương đồng nào!
Chính vì cùng quan ngại đến “tính lưu thông không bị cản trở” đó, đặc biệt trên Thái Bình Dương, mà ông Turnbull bày tỏ trong thông cáo chung rằng “nước Úc hoan nghênh và ủng hộ việc Nhật Bản gần đây, thông qua quá trình lập pháp vì hòa bình và an ninh, đóng góp tích cực hơn trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới, phù hợp với chính sách “Chủ động góp phần vào hòa bình” của Nhật Bản”.
Rõ ràng nước Úc và ông Turnbull phải nghiêng về phía Nhật Bản vì sự bình yên lưu thông chung và của chính nước Úc.
Điều này được tỏ rõ giấy trắng mực đen trong thông cáo chung: “Các thủ tướng lưu ý rằng sự phát triển kinh tế của các nước trong khu vực, trong đó bao gồm cả của hai nước, chỉ có thể có được cũng như sẽ tiếp tục có được sắp tới là nhờ vào việc tiếp tục duy trì hòa bình của trật tự quốc tế.
Trong quan điểm đó, hai thủ tướng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ của mình đối với bất kỳ hành động cưỡng bức hoặc đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông.
Hai thủ tướng cũng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ tương tự đối với bất kỳ hành động cưỡng bức hoặc đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, và kêu gọi tất cả các bên tranh chấp phải ngừng bồi đắp hoặc xây dựng quy mô lớn và không được sử dụng cho các mục đích quân sự”.
Danh Đức