Báo chí Trung Quốc nhận định rằng con số người biểu tình ngày càng ít đi là ‘chiến thắng’ cho ‘xã hội chính thống’ ở Hong Kong.
Các đại diện của Occupy Central (Chiếm Trung tâm) đứng ra tổ chức biểu tình đã chấp nhận đàm phán chính thức với chính quyền.
Khi cuộc biểu tình bước vào tuần thứ hai, đám đông đã bắt đầu suy yếu và công chức đã có thể đi làm trở lại.
‘Thế lực xấu thất bại’
Các cơ quan báo chí nhà nước của Trung Quốc đã đưa tin và đăng bình luận về ‘sự rút đi’ của người biểu tình và ‘hậu quả kinh tế’ của cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Cho rằng cuộc biểu tình đã ‘thoái trào’, trang mạng của Nhân dân Nhật báo ‘hoan hô’ ‘lập trường chính thống’ và ‘sự đoàn kết của người dân’ trong việc ‘đánh bại những thế lực xấu’.
“Những gã hề ít ỏi kêu gọi chiếm trung tâm này đã bị công luận ở Hong Kong tẩy chay… Sự suy thoái của phong trào cho chúng ta biết rằng công luận chính thống ở Hong Kong là hướng về đất nước và Hong Kong với trái tim họ gắn kết chặt chẽ với đất mẹ (đại lục),” Nhân dân nhật báo viết.
Tờ báo này còn nhận định rằng ‘trước dòng chảy mạnh mẽ của công luận chính thống, phong trào biểu tình bất hợp pháp sẽ đi đến thất bại hoàn toàn’ và nói cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017 sẽ ‘thắng lợi’.
Còn Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc xoáy sâu vào việc ‘bất bình càng tăng với cuộc biểu tình’ và ‘các lực lượng của bọn Chiếm Trung tâm phi pháp sẽ tiếp tục suy yếu’.
“Nhiều người biểu tình đang bất mãn với những người tổ chức. Đã xuất hiện bất đồng nội bộ về việc có tiếp tục hay không cuộc biểu tình khi mà các sinh viên học sinh nhận ra sự phản đối cuộc biểu tình càng ngày càng mạnh mẽ,” đài CCTV bình luận.
CCTV không hề chiếu hình ảnh đông đảo người biểu tình trên đường phố mà là cảnh đường phố Hong Kong yên bình với hầu hết các cửa hàng đóng cửa còn học sinh mặc đồng phục đang quay lại trường học trong trật tự.
‘Coi chừng dân chủ phương Tây’
Với quan điểm tương tự, một nhà bình luận đã nói trên kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến rằng phong trào Chiếm Trung tâm đã khiến người dân Hong Kong ‘phát tởm’.
“Phong trào này đã phá rối trật tự xã hội nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại kinh tế to lớn. Nhiều người dân Hong Kong đã bày tỏ họ không đồng ý với cuộc biểu tình. Biểu tình còn kéo dài chừng nào thì mức độ căm phẫn và phản ứng của người dân sẽ càng thêm mạnh mẽ,” ông nói.
Ông nói thêm rằng ‘nhiều học sinh sinh ra sau khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc và không có ý niệm gì về cuộc sống trước đây dưới sự cai trị của người Anh’ và rằng những học sinh này ‘đang hối hận vì bị phe biểu tình lợi dụng’.
Tạp chí Cầu thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã đăng một bài xã luận cảnh báo về ‘thảm họa’ của mô hình dân chủ kiểu phương Tây.
Mặc dù không đề cập đến các cuộc biểu tình ở Hong Kong, bài xã luận này, do các nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Quân sự viết, cho rằng dân chủ kiểu phương Tây ‘có đầy vấn đề’ và ‘không có tính phổ quát’.
“Có những khuyết tật nội tại tự nhiên trong lòng mô hình dân chủ phương Tây. Bắt chước nó một cách mù quáng sẽ chỉ dẫn đến thảm họa mà thôi,” bài xã luận viết và yêu cần cần phải củng cố lòng tin về hệ thống chính trị Trung Quốc.
“Tất cả những người có tâm phải bừng tỉnh khỏi giấc mộng mù quáng theo đuổi mô hình dân chủ kiểu phương Tây và hãy nhìn ra bộ mặt thật của nó. Họ cũng cần hiểu rõ các đặc điểm và lợi thế to lớn của chế độ chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.”