TT – Nhật báo Quân Đội Trung Quốc ngày 11-12 vừa đăng tải bài bình luận cho rằng phải cải cách quân đội vì “đang thua kém các nước phát triển khác”. Nhưng việc cải cách có khả năng làm tăng mối đe dọa xung đột với các nước trong khu vực và Mỹ.

Binh s) Trung QuÑc ngn c£n viÇc ti¿p c­n hiÇn tr°Ýng vå cháy nÕ ß Thiên Tân tháng 8-2015 ¢nh: Reuters

Tại Hội nghị cải cách Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hồi cuối tháng 11, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định đang thực hiện “bước đột phá” trong cuộc đại cải cách quân đội đến năm 2020.

Nhật báo Quân Đội Trung Quốc giải thích cuộc cải cách nhằm chuyển hướng PLA từ hệ thống quân đội trung tâm sang kiểu bộ chỉ huy liên quân, tức để cho cả ba lực lượng bộ binh, hải quân và không quân đều có cơ hội hiện diện ngang nhau trong các hoạt động quân sự.

Ủy ban Quân sự trung ương Trung Quốc (CMC) còn nhấn mạnh kế hoạch tái cơ cấu bốn cơ quan đầu não lớn của PLA là Bộ tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần và Tổng cục quân trang. Ngoài ra, CMC còn tính đến chuyện sáp nhập bảy quân khu lớn hiện nay thành bốn quân khu.

Gây xung đột vì lợi ích

Chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ Joseph A. Bosco nhấn mạnh có hai nguy cơ xung đột leo thang từ việc Trung Quốc thực hiện cải cách quân đội.

Thứ nhất, như ông Tập Cận Bình tin tưởng các cải cách đã thành công trong việc làm cho quân đội Trung Quốc mạnh thêm và “có thể chiến đấu thật sự”.

Rõ ràng đây là thông tin không tốt đối với khu vực Đông Nam Á, Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Thái độ gây hấn của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền ngày càng hung hăng nên bất kỳ việc tăng sức mạnh quân sự nào trong khu vực cũng chỉ có thể kích thích tham vọng của Bắc Kinh.

Nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và các nước, thậm chí là với Mỹ, cũng có khả năng xảy ra một khi Bắc Kinh thấy lợi ích của mình bị đe dọa.

Trước đó, báo South China Morning Post của Hong Kong dẫn nhận định của chuyên gia hải quân ở Thượng Hải Nghê Lạc Hùng: ông Tập Cận Bình phát động chiến dịch cải cách quân đội trong thời điểm này là vì “không còn thời gian để chờ đợi” trong bối cảnh Mỹ đang thách thức việc đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bằng việc đưa tàu chiến đến gần các đảo do Bắc Kinh xây dựng, bồi đắp trái phép ở đây.

Thứ hai, định hướng cải cách quân đội theo cách trao quyền cho những bộ chỉ huy cấp thấp hơn cho thấy nguy cơ đụng độ sẽ tăng cao do cấp thấp có quyền quyết định nhanh chóng. Những vụ việc đối đầu giữa tàu Trung Quốc với tàu của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… ở Biển Đông và biển Hoa Đông có thể diễn ra theo chiều hướng xấu nếu chỉ huy cấp thấp thiếu bình tĩnh.

Dùng cấp dưới 
làm bình phong

Theo chuyên gia Bosco, việc đẩy trách nhiệm cho chính quyền quân sự địa phương còn giúp Bắc Kinh “chối bỏ một cách hợp lý trách nhiệm của mình” nếu những chính sách “mang tính gây hấn” của họ gây ra những vụ va chạm có liên quan đến tổn thất về tài sản cũng như nhân mạng của nước khác.

“Trao thêm quyền cho cấp địa phương” là một tiểu tiết trong chương trình đại cải cách quân đội của Bắc Kinh nhưng động thái này nhằm tạo cho họ một tấm “kim bài miễn tử” trong bất kỳ những diễn tiến “đáng tiếc” nào có thể xảy ra trên biển, trên không hoặc trong bất kỳ lĩnh vực nào khác mà Trung Quốc có tranh chấp với các nước.

Sự kiện tàu tuần dương mang tên lửa USS Cowpens của Mỹ đã buộc phải chuyển hướng để tránh đâm vào một tàu đổ bộ Trung Quốc hồi tháng 12-2013 cũng là một điển hình. Tàu Trung Quốc được cho là đã chạy chắn ngang mũi tàu Mỹ rồi dừng lại ở khoảng cách chưa đầy 500m.

Washington khi đó đã chuyển phản đối đến Bắc Kinh qua các kênh ngoại giao và quân sự. Bắc Kinh đáp lại bằng cách để cho truyền thông trong nước, cụ thể là tờ Thời Báo Hoàn Cầu, cáo buộc tàu USS Cowpens bám đuôi, quấy rối việc bố trí đội hình của tàu sân bay Liêu Ninh, đe dọa an ninh quân sự của Trung Quốc.

Tờ Diplomat dẫn lời giáo sư Đại học Macau Trần Định Định cho rằng chính quyền Tập Cận Bình đang tuyên bố cải cách nhanh quân đội nước này nhằm thực hiện ý đồ biến lực lượng này thành một lực lượng có khả năng chiến đấu thật sự, sau 30 năm chưa tham chiến.

Nhưng trên thực tế quân đội Trung Quốc đang thiếu cả về mặt kỹ năng lẫn kinh nghiệm thu thập thông tin và đang thua xa quân đội Mỹ.

Ông Tập Cận Bình muốn cải cách nhanh vì nhìn thấy khả năng một ngày không xa sẽ đứng trước hai mặt trận thù địch trên Biển Đông và Hoa Đông do những gây hấn mà họ đã gây ra, trong khi quân đội chưa đủ lớn mạnh để có thể chiến đấu cùng một lúc với cả hai mặt trận.

Mỹ Loan

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!