PNCN – Trong khi một số ít người đến văn phòng (VP) và đếm từng giây cho đến giờ về, thì số đông lại nấn ná ở cơ quan, trả lời nốt một vài email hoặc ra quán chè chén với đồng nghiệp. Họ lần lữa không về nhà ngay, vì không muốn đối mặt những gì đang đợi họ.
Môi trường làm việc ngày càng gần gũi, thoải mái khiến cho văn phòng thành chốn bình yên với nhiều người – Ảnh: www.adiree.com
Với đa số phụ nữ có gia đình, hàng loạt việc không tên đang chờ họ như: đút cơm và tắm rửa cho con, giặt giũ, nấu nướng, thậm chí là đối mặt với người bạn đời cũng đang mệt nhoài sau ngày làm việc. Với những người độc thân hoặc không con cái, việc mở cánh cửa của ngôi nhà vắng lặng không người thân, với hàng giờ trôi qua cho hết buổi tối mà ti vi lại không có gì hấp dẫn cũng là cực hình.
Các nghiên cứu mới tại Mỹ cho thấy, ngày càng có nhiều người cảm nhận VP là nơi bình yên, nơi trú ẩn yêu thích hơn ở nhà. Arlie Hochschild, giáo sư xã hội học tại Đại học California đã viết về sự hấp dẫn của VP trong cuốn sách của cô: The Time Bind. Cô quan sát nhân viên trong một công ty lớn và thấy nhiều người bỏ qua cơ hội được làm bán thời gian, nghỉ hộ sản dành cho cả hai phái nam và nữ và cả quyền ưu tiên được làm việc tại nhà. Vì sao? Các bậc phụ huynh luôn quan niệm gia đình là trên hết, nhưng càng ngày, họ càng thấy gia đình là nơi xuất phát những đòi hỏi bất tận. Không chỉ những bà mẹ mới nghỉ sinh cảm thấy sự hấp dẫn của việc đến VP, cả những người độc thân và không con cũng sẵn sàng làm thêm giờ.
Khoảng một phần năm số người được giáo sư Hochschild phỏng vấn nói, VP là nơi họ cảm thấy được trân trọng, giúp đỡ và quan trọng nhất là được thể hiện bản thân.
Một nghiên cứu khác ở Mỹ cũng khẳng định kết luận trên, theo đó rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, thấy rằng đi làm ít căng thẳng hơn ở nhà. Các nhà nghiên cứu của Đại học bang Penn, Mỹ đã thuê 122 nhân viên cả nam lẫn nữ (chủ yếu ở độ tuổi 41), 52% trong số họ đã lập gia đình và một nửa có con, làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu và nghỉ vào cuối tuần. Sau một thời gian làm việc, đo vỏ não và hormone, các nhà nghiên cứu kết luận những người này có chỉ số căng thẳng thấp đáng kể khi ở nơi làm việc.
Các nghiên cứu trước đây cũng cho thấy, những bà mẹ làm việc toàn thời gian và liên tục có thể trạng và tinh thần tốt hơn các bà mẹ làm việc bán thời gian hoặc ở nhà.
Lý giải sự đổi ngôi này, giáo sư Hochschild chỉ ra rằng, càng ngày môi trường làm việc càng gần gũi và thoải mái. Tại nơi làm việc, bạn giao tiếp với nhiều người khác nhau. Tuy đôi lúc sếp trực tiếp là nỗi ám ảnh khó chịu cho bạn, nhưng bạn là thành viên của một nhóm, bạn xây dựng liên minh và các mối quan hệ. Một nữ nhân viên VP thú nhận cô có mối quan hệ tại nơi làm việc rất tốt, các đồng nghiệp bỏ nhiều công sức và quan tâm tổ chức sinh nhật cho cô, nhiều hơn so với sự quan tâm của chồng con.
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, ở nhà, có thể con bạn sẽ ôm hôn và bạn cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, bạn dễ bị chìm ngập trong cả “núi” việc như rửa bát, nấu ăn dọn dẹp. Chưa kể những mối lo cha mẹ già đau bệnh, các con ở trường học hành như thế nào hay tại sao bạn cãi nhau với chồng – tất cả đều có thể làm cho gia đình căng thẳng.
Cuộc sống của phụ nữ đã thay đổi rất nhiều trong vòng 40 năm qua nhưng thế giới quanh họ vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực. Phụ nữ vẫn phải làm việc nhà bằng hoặc nhiều hơn xưa. Một số lớn phụ nữ lại phải cộng thêm một ngày dài làm việc và cạnh tranh với đàn ông, những người không phải làm nhiều việc nhà như phụ nữ.
Sarah Damaske, đồng tác giả của các nghiên cứu trên kết luận: “Chúng tôi không muốn nói, đi làm thì không căng thẳng, nhưng nơi làm việc có thể mang đến cho bạn mức độ hài lòng nào đó mà ở nhà bạn không có được”.
Phan Quỳnh Dao (Theo Times)