1

Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho biết một cuộc điều tra kéo dài một năm cho thấy các tin tặc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập các hệ thống máy tính của Bộ Chỉ huy Giao thông Hoa Kỳ (TRANSCOM) ít nhất 20 lần. Tố cáo công bố hôm thứ tư được đưa ra chỉ 4 tháng sau khi 5 tin tặc trong quân đội Trung Quốc bị Hoa Kỳ truy tố về tội đánh cắp bí mật kinh doanh của các đại công ty ở Mỹ. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA.

Bản phúc trình, dày 52 trang của cuộc điều tra từ ngày 1 tháng 6 năm 2012 tới ngày 30 tháng 5 năm 2013, cho biết có khoảng 50 vụ tin tặc nhắm vào các nhà thầu dân sự của Bộ Chỉ huy Giao thông Hoa Kỳ. Bộ chỉ huy gọi tắt là TRANSCOM có nhiệm vụ vận chuyển binh sĩ và trang thiết bị quân sự của Mỹ trên khắp thế giới. Trong số những vụ xâm nhập đó có ít nhất 20 vụ được xem là thành công và được xếp vào loại những mối đe dọa liên tục ở cấp cao hay APT, tức là những vụ tin tặc tinh vi có liên hệ tới các chính phủ nước ngoài.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ, Thượng nghị sĩ Carl Levin, nói rằng những vụ xâm nhập đó “là những bằng chứng thêm nữa về những hành động xâm lấn của Trung Quốc trong không gian ảo.” Ông nói rằng kết quả điều tra “là một lời cảnh báo rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các hệ thống chiến lược quan trọng.”

Kết quả cuộc điều tra cho thấy trong vụ xâm nhập vào một nhà thầu của TRANSCOM từ năm 2008 đến năm 2010 các tin tặc đã đánh cắp e-mail, văn kiện, mật khẩu người sử dụng và mật mã điện toán. Trong một vụ xâm nhập năm 2010, tin tặc đánh cắp văn kiện, chi tiết phi hành và mật khẩu của email mã hóa. Một vụ xâm nhập năm 2012 tập trung vào một tàu thương mại mà TRANSCOM thuê. Tất cả những vụ xâm nhập đó được cho là do quân đội Trung Quốc thực hiện.

Ông Carl Baker, một chuyên gia an ninh của Diễn đàn Thái bình dương ở Hawaii, nói rằng Trung Quốc rất muốn biết năng lực hậu cần của quân đội Mỹ.

“Điều mà họ muốn biết là Hoa Kỳ thực hiện công tác hậu cần toàn cầu như thế nào, bởi vì đó là một đề tài đáng quan tâm đối với một nước tự xem là sắp sửa trở thành một siêu cường. Họ muốn có khả năng phối hợp hoạt động hậu cần toàn cầu như quân đội Mỹ. Và do đó, tôi nghĩ rằng diễn tiến này cho chúng ta thấy là Trung Quốc đang tự xem họ là người thừa kế đương nhiên của ngôi vị đại cường thế giới của nước Mỹ ngày nay.”

Ông Scott Harold, một nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu RAND, cho biết Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào điều được gọi là sự hợp nhất dân sự-quân sự.

“Họ đang tìm cách nâng cao khả năng của Quân đội Giải phóng Nhân dân bằng cách tận dụng những năng lực khác mà nền kinh tế dân sự của Trung Quốc đang có.”

Ông Harold cho rằng trường hợp này có thể có liên hệ tới nỗ lực của Trung Quốc để cải thiện năng lực và họ nghĩ rằng khả năng chống tin tặc của các nhà thầu dân sự tương đối thấp.

Ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Đông Tây ở Hawaii, nói rằng gián điệp mạng tiếp tục là một vấn đề lớn và gây nguy hại cho các mối quan hệ Mỹ-Trung. Ông nói rằng trên thế giới chỉ có Trung Quốc là nước thực hiện những hành vi do chính phủ bảo trợ để đánh cắp thông tin công nghiệp trên qui mô lớn. Ông gọi đó là một hành vi chiến tranh cấp thấp.

Tháng 5 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã loan báo lệnh khởi tố đối với 5 người trong Quân đội Giải pháp Nhân dân Trung Quốc về tội xâm nhập trái phép vào các hệ thống điện toán của Công ty Westinghouse Electric, Công ty Thép Hoa Kỳ và các công ty khác. Các cơ quan chấp hành luật pháp và tình báo Mỹ đã truy các hoạt động tin tặc đó tới một cơ sở quân sự gần phi trường Thượng Hải.

Lệnh khởi tố đó đưa tới việc Trung Quốc ngưng tham gia một nhóm công tác về an ninh mạng với Hoa Kỳ. Bắc Kinh gọi hành động của Mỹ là “một sự vi phạm nghiêm trọng các qui phạm cơ bản của quan hệ quốc tế.” Trung Quốc cũng tố cáo Hoa Kỳ đạo đức giả sau khi có những tiết lộ về hoạt động gián điệp mạng của Mỹ bởi trang mạng WikiLeaks và cựu nhân viên hợp đồng của tình báo Mỹ Edward Snowden.

Ông Gordon Chang, một nhà phân tích nổi tiếng về quan hệ Mỹ-Trung, cho rằng tố cáo mới nhất này sẽ không ảnh hưởng gì tới quan hệ song phương.

“Điều tôi muốn nói là có quá nhiều vụ xâm nhập của tin tặc Trung Quốc trong hai thập niên qua, nên vụ này chỉ là một giọt nước khác trong thùng nước. Điều không may là vào lúc này nước Mỹ không muốn có một cuộc thảo luận nghiêm túc với phía Trung Quốc, và ý tôi muốn nói là Hoa Kỳ không sẵn sàng để buộc Trung Quốc phải trả những cái giá đích đáng cho những hoạt động tin tặc nhắm vào các mạng lưới điện toán của Mỹ.”

Ông Gordon Chang nói rằng gián điệp mạng của Trung Quốc làm cho nước Mỹ thiệt hại hàng trăm tỉ đô la và có lẽ đã tới lúc để trả đũa, có thể qua việc áp đặt thuế suất trừng phạt đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: