Thị thực định cư & Thị thực diện K.

Đường link hướng dẫn nội dung

  1. THỊ THỰC ĐỊNH CƯ & THỊ THỰC DIỆN K.
  2. Câu hỏi về Thị thực định cư.
  1. Câu hỏi về thị thực diện K.

Quay lại đầu trang

  1. THỊ THỰC KHÔNG ĐỊNH CƯ.

    1. Câu hỏi về Hệ thống đặt lịch hẹn.  

Quay lại đầu trang

  1. Câu hỏi về Thị thực công tác/du lịch.

Quay lại đầu trang

  1. Câu hỏi về Thị thực du học.

Quay lại đầu trang

  1. Câu hỏi về Mẫu đơn trực tuyến DS-160 và phí SEVIS.

Quay lại đầu trang

  1. Câu hỏi về Chương trình cấp lại thị thực qua đường bưu điện.

Quay lại đầu trang

—————————————————-

  1. THỊ THỰC ĐỊNH CƯ & THỊ THỰC DIỆN K.
  2. Câu hỏi về Thị thực định cư.
  • Tôi có thể tìm kiếm thêm thông tin về thủ tục và mẫu đơn điện tử DS-260 ở đâu?

Để biết câu trả lời cho những thắc mắc thường gặp về mẫu đơn DS-260, xin truy cập vào trang DS-260 FAQs.

  • Hồ sơ của tôi có thể được giải quyết nhanh và xếp lịch phỏng vấn sớm không?

Do số lượng hồ sơ phải giải quyết rất nhiều và để đảm bảo công bằng cho tất cả các đương đơn, chúng tôi không thể xếp lịch phỏng vấn ngoài trật tự bình thường ngoại trừ khi hồ sơ có lý do khẩn cấp cần phải được sang Hoa Kỳ sớm. Nếu quí vị có lý do khẩn cấp, vui lòng gởi thư yêu cầu giải quyết nhanh hồ sơ kèm theo những bằng chứng để chứng minh lý do xin giải quyết khẩn. Trưởng phòng Thị thực định cư sẽ xem xét đơn yêu cầu của quí vị.

  • Ngày ưu tiên của tôi chưa đến lượt giải quyết. Tôi có thể được phỏng vấn trước khi ngày ưu tiên hồ sơ đến lượt giải quyết không?

Chúng tôi không thể giải quyết tiến trình xin thị thực cho các hồ sơ chưa đến lượt giải quyết. Không có điều luật nào cho phép giải quyết hồ sơ chưa đến lượt, cho dù vì lý do nhân đạo. Chúng tôi sẽ sẽ xếp lịch phỏng vấn khi hồ sơ đến lượt giải quyết. Quí vị có thể tham khảo thông tin về ngày ưu tiên trên trang web của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại: Đường link hướng dẫn nội dung

  • Tôi có thể được thông báo ngày phỏng vấn qua thư điện tử không?

Chúng tôi rất tiếc không thể gởi thông báo về phỏng vấn của đương đơn qua thư điện tử. Theo quy định chung được áp dụng toàn cầu, đương đơn được thông báo về phỏng vấn bằng thư gởi đường qua bưu điện. Đương đơn có nhiệm vụ thông báo với chúng tôi địa chỉ hiện tại chính xác. Nếu đương đơn muốn đổi địa chỉ nhận thư, vui lòng cập nhật thông tin tại: Đường link hướng dẫn nội dung

  • Tôi không nhận được hồ sơ hướng dẫn nộp đơn xin thị thực/Hướng dẫn phỏng vấn mà Lãnh sự gởi. Làm thế nào để tôi nhận lại một bộ khác?

Quí vị có thể nhấp vào đây để xem bản điện tử của bộ Hồ sơ Hướng dẫn nộp đơn xin thị thực và bộ Hồ sơ hướng dẫn phỏng vấn. Bản sao cũng có giá trị như bản gốc. Tuy nhiên, trước ngày phỏng vấn khoảng 1 tuần lễ, nếu đương đơn vẫn chưa nhận được thư mời phỏng vấn, đương đơn có thể liên hệ với văn phòng chúng tôi để nhận thư mời.

  • Tôi có cần phải dịch các giấy tờ cá nhân để chuẩn bị cho phỏng vấn xin thị thực?

Tất cả những giấy tờ không bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt cần phải được đính kèm bản dịch tiếng Anh có công chứng ghi rõ “Bản dịch chính xác” và do “văn phòng/người có chức năng dịch thuật” thực hiện. Trong một số trường hợp đặc biệt, một số giấy tờ bằng tiếng Việt cũng có thể được yêu cầu dịch sang tiếng Anh.

  • Làm thế nào để xin phiếu Lý lịch Tư pháp số 2? Lãnh sự quán có thể giúp xin cấp giấy này không?

Phiếu Lý lịch tư pháp số 2 được cấp bởi Sở Tư pháp tỉnh/thành phố nơi đương đơn đang sinh sống hoặc nơi đương đơn cư trú hợp pháp theo Hộ khẩu và mất khoảng 10 ngày để hoàn tất. Đương đơn phải đích thân yêu cầu phiếu Lý lịch Tư pháp số 2 và không thể ủy quyền cho người khác thay mặt đương đơn xin phiếu này.

Nếu sống tại TP.Hồ Chí Minh, đương đơn có thể liên hệ Sở Tư pháp tại 143 Pasteur, Quận 1, TP.Hồ Chí Minh.

  • Làm thế nào để xin lại giấy khai sinh?

Trong trường hợp không thể xin lại được giấy khai sinh tôi phải làm gì? Những người sinh ra tại Việt Nam phải liên hệ với văn phòng Ủy ban Nhân dân địa phương nơi người đó được sinh ra – nơi mẹ của đương sự đã sống theo địa chỉ trong Hộ khẩu. Ủy ban Nhân dân địa phương có thể cấp bản sao của giấy khai sinh cho đương sự dưa trên những dữ liệu của giấy khai sinh gốc. Hoặc, văn phòng Ủy ban Nhân dân địa phương có thể cấp “Trích lục” của thông tin về việc khai sinh trên dữ liệu của họ cho đương sự. Nếu quí vị không thể có được khai sinh vì lý do hồ sơ đã hủy hay cơ quan nhà nước không cấp lại, đương đơn phải nộp giấy tuyên thệ được phòng hộ tịch địa phương xác nhận và các bằng chứng khác về việc khai sinh của mình như sổ hộ khẩu cũ, học bạ, hay giấy rửa tội.

  • Người mở hồ sơ bảo lãnh cho tôi hiện không làm việc? Người đó có cần phải nộp đơn Bảo trợ Tài chánh không?

Cần. Người bảo lãnh cần phải nộp đơn Bảo trợ Tài chánh I-864 theo điều khoản 213(A) của Luật Di trú và Nhập tịch. Nếu không có mẫu đơn bảo trợ tài chánh của người bảo lãnh, viên chức Lãnh sự không thể cấp thị thực cho đương đơn. Qui định này áp dụng cho tất cả các trường hợp, ngay cả khi người bảo lãnh không làm việc hay làm việc nhưng không đủ thu nhập bảo lãnh tài chánh. Trong trường hợp đó, người bảo lãnh cần có thêm người cùng tài trợ hồ sơ. Người cùng tài trợ sẽ làm mẫu đơn I-864, hoặc nếu ở cùng nhà với người bảo lãnh thì sẽ làm mẫu Form I-864A. Các mẫu I-864 hay I-864A đều phải được đi kèm với bằng chứng về tình trạng cư ngụ hợp pháp tại Hoa Kỳ như bản sao khai sanh, hộ chiếu, giấy nhập tịch, thẻ thường trú nhân, giấy thuế hoàn chỉnh của năm gần nhất, bằng chứng về công việc hiện thời như giấy lãnh lương, giấy xác nhận việc làm có ghi mức lương. Nếu người bảo lãnh không làm việc, điều đó cần được thể hiện trên đơn I-864 của người bảo lãnh. Nếu chưa khai thuế vì bất kỳ lý do gì, người bảo lãnh cần phải giải thích bằng thư lý do vì sao. Vui lòng xem thêm thông tin liên quan tại trang web của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ: http://www.uscis.gov.

  • Tôi bệnh Viêm gan Siêu vi B. Vậy tôi có được cấp thị thực định cư không?

Viêm gan Siêu vi B không phải là bệnh làm cho đương đơn không đủ điều kiện được cấp thị thực dựa trên lý do sức khỏe. Tuy nhiên, tất cả các đương đơn xin thị thực được yêu cầu phải chứng minh được mình sẽ không trở thành gánh nặng xã hội Mỹ nếu như được cấp thị thực. Viên chức phỏng vấn sẽ xem xét hồ sơ sức khỏe tại buổi phỏng vấn. Nếu viên chức Lãnh sự cần thêm thông tin, đương đơn sẽ nhận được yêu cầu bằng thư ghi rõ những giấy tờ nào cần phải nộp.

  • Ai có thể đi cùng tôi đến buổi phỏng vấn?

Quý khách nào không có tên trên thư mời sẽ không được vào bên trong Lãnh Sự Quán trong suốt buổi phỏng vấn trừ các trường hợp sau đây:

1. Người bảo lãnh.
2. Cha, mẹ hay người bảo hộ của đương đơn dưới 17 tuổi.
3. Cha, mẹ, hay người bảo hộ của đương đơn gặp khó khăn về tinh thần/thể chất (bị tàn tật).
4. Con hay người chăm sóc của đương đơn lớn tuổi (trên 70 tuổi).

Nếu đương đơn có con nhỏ và không có tên trên thư mời phỏng vấn, đương đơn nên sắp xếp người chăm sóc con trong thời gian đương đơn tham dự phỏng vấn vì con của đương đơn sẽ không được vào bên trong khu vực phỏng vấn.  Các thành viên khác trong gia đình, người thân hoặc bạn bè của đương đơn nếu không thuộc một trong bốn trường hợp nêu trên cũng sẽ không được vào bên trong tòa nhà Lãnh Sự.

  • Khi không thể nộp một loại giấy tờ nào đó mà Lãnh sự yêu cầu, tôi cần phải làm gì?

Nếu quí vị không cung cấp được thông tin mà viên chức phỏng vấn yêu cầu, quí vị cần nộp thư giải thích nêu rõ lý do ngăn cản quí vị thực hiện yêu cầu đó. Viên chức sẽ xét duyệt hồ sơ sau khi quí vị nộp thư giải thích.

  • Tôi cần phải làm gì nếu muốn hủy hồ sơ bảo lãnh?

Để hủy hồ sơ bảo lãnh, người bảo lãnh phải gửi cho Lãnh sự thư có công chứng yêu cầu hủy hồ sơ. Thư này có thể scan và gửi cho chúng tôi qua mạng của Bộ phận Thị thực định cư hay cũng có thể gửi bằng đường bưu điện. Người bảo lãnh cũng có thể gửi thư yêu cầu hủy hồ sơ cho Lãnh sự thông qua văn phòng luật sư đại diện hợp pháp. Khi nhận được thư, Lãnh sự sẽ ngừng giải quyết và trả hồ sơ về Sở Di Trú Hoa Kỳ (USCIS). Vui lòng liên hệ chúng tôi, Bộ phận Thị thực định cư để biết thêm thông tin.

  • Tôi nên làm gì nếu có thông tin tố cáo liên quan đến việc tham nhũng hay đề nghị hối lộ?

Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tiếp nhận thông tin tố cáo rất nghiêm túc. Nếu có thông tin liên quan đến việc tham nhũng hay đề nghị hối lộ, quí vị có thể gởi thông tin cho chúng tôi qua email HCMCFPU@state.gov:

  1. Thời gian, địa điểm diễn ra việc đề nghị hối lộ;
  2. Tên của nhân viên Lãnh sự có liên quan;
  3. Tên của đương đơn xin thị thực có liên quan; và
  4. Bất cứ bằng chứng nào khác có thể giúp ích cho việc điều tra sự việc. Chúng tôi sẽ điều tra sự việc quí vị tố cáo. Xin cám ơn quí vị đã cung cấp thông tin.
  • Nếu đương đơn chính qua đời thì hồ sơ của các đương đơn đi theo sẽ như thế nào?

Nếu đương đơn chính qua đời trước khi đương đơn đi theo (phụ thuộc) được định cư ở Hoa Kỳ, viên chức Lãnh sự không thể cấp thị thực cho đương đơn đi theo. Vui lòng truy cập trang web của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ: http://www.uscis.gov/ để biết thêm thông tin về nhập cảnh nhân đạo.

  • Đơn xin thị thực của tôi bị từ chối và hồ sơ bảo lãnh đã bị trả về Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ xem xét hoặc có thể huỷ bỏ. Tuy nhiên, mối quan hệ bảo lãnh của chúng tôi là thật. Bây giờ tôi có thể làm gì?

Ngay cả khi bị trả về Sở Di trú, hồ sơ cũng không tự động bị hủy bỏ. Người bảo lãnh sẽ có cơ hội chứng minh với Sở Di trú khi Sở Di trú xem xét hồ sơ. Sở Di trú có quyền tái chấp thuận hồ sơ bảo lãnh. Nếu muốn khiếu nại hồ sơ bị từ chối, người bảo lãnh có thể liên hệ Sở Di trú nơi mở hồ sơ trước đây. Xin lưu ý, phải mất vài tháng để Sở Di trú nhận được hồ sơ trả về từ Lãnh sự. Xin lưu ý rằng hồ sơ xin thị thực và các thông tin bổ sung đều được xét duyệt theo đúng luật pháp Hoa Kỳ ở văn phòng chúng tôi cũng như ở Sở Di trú.

  • Tôi phải đóng Phí định cư USCIS vào thời điểm nào?

Quý vị phải đóng khoản phí này trước khi rời Việt Nam để nhập cư Hoa Kỳ. Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) sẽ không cấp thẻ xanh cho Quý vị nếu chưa nhận được khoản phí này. Tuy nhiên, trong trường hợp quý vị chưa đóng khoản phí này, các viên chức Cục Hải Quan và Biên Phòng Hoa Kỳ (CBP) vẫn sẽ cho phép quý vị nhập cảnh nếu quý vị hội đủ điều kiện nhập cảnh.

  • Đối tượng nào phải đóng khoản Phí định cư USCIS?

Tất cả các đương đơn được cấp thị thực định cư (kể cả thị thực dành cho người trúng thưởng) đều phải đóng loại phí này, ngoại trừ một số trường hợp sau :

– Các trẻ em được nhận làm con nuôi theo diện Trẻ mồ côi (IR-3/IR-4).

– Diện Công ước Hague (IH-3/IH-4).

– Các công dân Iraq và Afghanistan định cư theo loại thị thực đặc biệt dành cho nhân viên thuộc biên chế Chính phủ Hoa Kỳ.

– Các Thường trú nhân đánh mất tình trạng thường trú nhân (LPR) của mình ở Hoa Kỳ ( SB-1).

– Các trường hợp được cấp thị thực diện Hôn phu/Hôn thê (K visa).

  • Tôi phải đóng khoản phí này như thế nào?

Quý vị có thể đóng khoản phí này bằng cách truy cập địa chỉ trang web www.USCIS.gov/ImmigrantFee, chọn đường dẫn tới trang yêu cầu thông tin của USCIS trên Pay.gov, trả lời các câu hỏi trên trang yêu cầu thông tin của USCIS, và cung cấp thông tin số tài khoản séc, thẻ ghi nợ, hoặc thẻ tín dụng.  Do các khoản thanh toán bằng séc phải được rút tại một ngân hàng thuộc Hoa Kỳ, quý vị có thể nhờ người khác đại diện đóng khoản phí định cư USCIS này.

Quay lại đầu trang

—————————————–

  1. Câu hỏi về thị thực diện K.          
  • Tôi đặt lịch hẹn phỏng vấn như thế nào?

Những đương đơn xin thị thực diện K có thể tự đặt lịch hẹn phỏng vấn và đóng phí thị thực theo hướng dẫn tại địa chỉ: www.ustraveldocs.com/vn_vn. Đương đơn không nên đặt lịch hẹn phỏng vấn nếu chưa nhận được Thư hướng dẫn nộp đơn xin thị thực diện K từ Lãnh sự quán.

  • Mức phí xin thị thực diện K là bao nhiêu?

Phí được thu cho các dịch vụ sau:

– Mở hồ sơ bảo lãnh, mẫu đơn I-129F

– Phí xử lý hồ sơ xin thị thực: 265$ đô-la Mỹ bằng tiền mặt Việt Nam đồng.

– Phí kiểm tra sức khỏe.

– Các phí khác có thể bao gồm phí cho dịch vụ dịch thuật, sao y, phí làm các giấy tờ được yêu cầu trong quá trình xin thị thực (như hộ chiếu, giấy Lý lịch Tư Pháp, giấy khai sinh, v.v.) và chi phí di chuyển đến đại sứ quán hay lãnh sự quán để tham dự phỏng vấn. Để xem các loại phí hiện thời đóng cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hay các dịch vụ thuộc chính phủ, vui lòng xem tại đây.

  • Thời gian giải quyết hồ sơ xin thị thực là bao lâu?

Thời gian giải quyết hồ sơ phụ thuộc vào tình trạng của từng hồ sơ cụ thể. Thời gian giải quyết tại từng văn phòng Sở Di trú và từng văn phòng Lãnh sự cũng khác nhau. Trong một số trường hợp, hồ sơ bị trì hoãn do đương đơn không theo đúng hướng dẫn hay chưa cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu. (Việc thông báo cho chúng tôi chính xác địa chỉ và số điện thoại hiện thời rất quan trọng.) Một số trường hợp khác thì hồ sơ phải cần đợi hoàn tất các thủ tục hành chánh. Việc này đòi hỏi phải cần thêm thời gian để viên chức hoàn tất hồ sơ sau khi phỏng vấn đương đơn.

  • Tôi được biết đã bắt đầu áp dụng mẫu đơn điện tử DS-260 cho hầu hết những đương đơn xin thị thực định cư. Vậy còn thị thực diện K thì sao ?

Tất cả những đương đơn xin thị thực diện K đều được yêu cầu hoàn tất mẫu đơn điện tử DS-160 (Đơn Điện tử Thị thực Không Định cư). Người bảo lãnh khi mở hồ sơ xin thị thực diện K sẽ vẫn tiếp tục sử dụng mẫu đơn bảo lãnh I-129F.

  • Gia hạn thêm thời gian giải quyết hồ sơ bảo lãnh?

Hồ sơ bảo lãnh I-129F có thời hạn bốn tháng từ ngày được Sở Di trú Hoa Kỳ chấp thuận. Viên chức Lãnh sự thông thường sẽ gia hạn thêm thời gian giải quyết thị thực nhằm đảm bảo đương đơn có đủ thời gian hoàn tất hồ sơ của mình.

  • Trong trường hợp người bảo lãnh và đương đơn kết hôn sau khi mở hồ sơ bảo lãnh diện K-1(I-129F) thì hô sơ sẽ như thế nào ? Hồ sơ diện K-1 (Hôn phu/Hôn thê) có thể được chuyển đổi thành diện vợ chồng CR-1 hay IR-1 không?

Nếu đương đơn và người bảo lãnh chính thức kết hôn sau khi mở hồ sơ bảo lãnh I-129F diện Hôn phu/Hôn thê (K-1), thì đương đơn sẽ không còn hội đủ điều kiện theo diện thị thực K1. Hồ sơ bảo lãnh diện K-1 không thể được chuyển đổi thành diện vợ chồng CR-1/IR-1. Hồ sơ bảo lãnh diện K-1 sẽ được trả về Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS). Để tiếp tục tiến trình định cư, người bảo lãnh cần phải đến Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ để mở hồ sơ bảo lãnh diện vợ chồng cho đương đơn.

  • Đối với thị thực diện K, nên dùng mẫu đơn I-864 hay mẫu I-134?

Thị thực hôn phu (hôn thê) là diện thị thực không dân, do đó mẫu đơn cần dùng là I-134. Khi được chuyển tình trạng lưu trú sau khi kết hôn ở Hoa Kỳ, đương đơn sẽ phải nộp mẫu I-864 cho Sở Di Trú Hoa Kỳ.

  • Yêu cầu về mức thu nhập có như nhau cho tất cả các hồ sơ xin thị thực định cư không, ngay cả khi áp dụng mẫu Bảo trợ Tài chánh I-134?

Không. Yêu cầu mức thu nhập tối thiểu 125%, thuế năm gần nhất và những yêu cầu khác chỉ áp dụng cho trường hợp dùng mẫu I-864. Các đương đơn dùng mẫu I-134 sẽ cần chứng minh thu nhập của người bảo lãnh đạt 100% theo Bảng Hướng dẫn về thu nhập hàng năm được yêu cầu theo điều khoản 212(a)(4) của luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ.

  • Sau khi được cấp thị thực diện hôn phu (hôn thê) thì đương đơn phải làm gì?

Sau khi được cấp thị thực và vị hôn phu (hôn thê) đã đến Hoa Kỳ, người bảo lãnh và người hôn phu (hôn thê) đó phải kết hôn trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh Hoa Kỳ.

  • Hồ sơ bảo lãnh của tôi sẽ ra sao sau khi bị từ chối và trả về Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ?

Sau khi hồ sơ đã bị trả về Sở Di trú Hoa Kỳ, nếu có thắc mắc hay yêu cầu gì đối với hồ sơ, vui lòng liên hệ trực tiếp với Sở Di trú Hoa Kỳ nơi mở hồ sơ bảo lãnh trước đây. Quí vị có thể xem thêm thông tin trên trang web của Sở Di trú tại: http://www.uscis.gov/portal/site/uscis.

  • Tôi có thể đi du lịch hoặc công tác Hoa Kỳ khi hồ sơ xin thị thực diện K của tôi đang được xem xét hay không? 

Đương đơn có thể; tuy nhiên, trường hợp của đương đơn có thể sẽ được xem xét kỹ hơn. Chúng tôi thường khuyên đương đơn không nên xin nhập cảnh Hoa Kỳ theo một thị thực diện khác hoặc theo chương trình miễn thị thực trước khi hồ sơ xin thị thực diện K của đương đơn được chấp thuận, vì đương đơn đã nêu rõ ý định sẽ kết hôn tại Hoa Kỳ. Để biết thêm thông tin về thị thực không định cư diện K-1, vui lòng liên hệ: http://travel.state.gov/.

  • Tôi có thể tìm những thông tin về quyền hợp pháp dành cho những người định cư là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình tại Hoa Kỳ và những thông tin về định cư theo diện vợ chồng ?

Ðạo luật Môi giới Hôn nhân Quốc tế (International Marriage Broker Regulation Act – IMBRA) về việc bạo hành đối với phụ nữ và Đạo luật Tái phê chuẩn vào năm 2005 của Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều quyền bảo vệ cho những hôn phu (hôn thê) và những người phối ngẫu nước ngoài của công dân và thường trú nhân Hoa Kỳ nộp đơn xin thị thực theo diện hôn phu (hôn thê) hay diện vợ chồng. Để biết thêm thông tin, vui lòng nhấp vào đây để truy cập vào trang Web của Sở Di trú.

Quay lại đầu trang

————————————–

  1. THỊ THỰC KHÔNG ĐỊNH CƯ.
  2. Câu hỏi về hệ thống đặt lịch hẹn.
  • Tôi cần làm gì để đặt hẹn phỏng vấn xin thị thực không định cư?

Vui lòng truy cập vào trang web www.ustraveldocs.com/vn_vn và làm theo các bước hướng dẫn để đăng ký hồ sơ, hoàn thành việc khai đơn, nộp lệ phí phù hợp và đặt hẹn phỏng vấn xin thị thực không định cư.

Đương đơn xin thị thực không định cư tại Việt Nam có thể đăng ký lịch hẹn ở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh hoặc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.  Xin lưu ý rằng thời gian chờ đối với lịch hẹn thị thực không định cư có thể khác nhau giữa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ.  Vui lòng truy cập trang web Đường link hướng dẫn nội dung để biết thêm thông tin về lịch hẹn và thời gian chờ lịch hẹn.  Tùy thuộc vào thời gian chờ, đương đơn cũng có thể cân nhắc việc đăng ký lịch hẹn tại Hà Nội.  Nếu đương đơn muốn hủy cuộc hẹn ở thành phố Hồ Chí Minh và đăng ký lại ở Hà Nội, xin vui lòng liên hệ với Tổng đài của chúng tôi tại Việt Nam 19006444 hoặc tại Mỹ (703)665-7350 để được hướng dẫn thêm.

  • Nếu tôi không thể tham dự phỏng vấn vào ngày đã hẹn, liệu tôi có thể chuyển ngày hẹn đó sang cho người khác được không?

Không. Ngày hẹn phỏng vấn xin cấp thị thực của quý vị chỉ có giá trị cho bản thân quý vị và không thể chuyển sang cho người khác.

  • Tôi có thể đặt hẹn trước và đóng phí phỏng vấn sau có được không?

Không. Để có thể đặt hẹn phỏng vấn, quý vị cần phải in ra phiếu đăng ký đóng phí ngân hàng trên trang web www.ustraveldocs.com/vn_vn, sau đó đến đóng phí tại ngân hàng HSBC hoặc tại Bưu điện Việt Nam. Một khi quý vị đã thanh toán lệ phí, quý vị có thể quay trở lại trang web này vào ngày làm việc kế tiếp để đăng ký lịch hẹn.

  • Tôi đã trả phí phỏng vấn thị thực và đặt hẹn phỏng vấn. Tuy nhiên, tôi không muốn nộp đơn xin thị thực nữa. Liệu tôi có thể đưa hoá đơn đóng phí thị thực cho người nào khác sử dụng được không?

Không. Hóa đơn gắn liền với hồ sơ cá nhân và không thể chuyển sang người khác. Tuy vậy, hoá hơn này vẫn có giá trị một năm từ ngày thanh toán.

  • Tôi cần đến Hoa Kỳ trước ngày hẹn phỏng vấn có thể đặt được trên trang web ustraveldocs.com/vn_vn. Làm thế nào để tôi có thể xin được ngày hẹn phỏng vấn sớm hơn?

Trước tiên, vui lòng đặt cuộc hẹn phỏng vấn sớm nhất có thể trên trang web www.ustraveldocs.com/vn_vn. Nếu ngày hẹn phỏng vấn sớm nhất đặt được sau ngày quý vị đự định đi, quý vị có thể gởi yêu cầu xin phỏng vấn khẩn.  Lưu ý rằng quý vị chỉ có thể yêu cầu xin phỏng vấn khẩn sau khi đã đặt được cuộc hẹn phỏng vấn.

  • Tôi đang nộp đơn xin thị thực dành cho ngoại giao hoặc loại thị thực không cần đóng phí.  Làm thế nào tôi có thể nộp hồ sơ xin thị thực ngoại giao hoặc loại thị thực không cần đóng phí bằng hệ thống mới?

Những đương đơn không cần đóng phí thị thực thuộc loại thị thực A, G, C-3, thị thực J thuộc chương trình trao đổi văn hóa do chính phủ tài trợ và những đương đơn có hộ chiếu ngoại giao đủ tiêu chuẩn cho thị thực ngoại giao sẽ không cần chọn ngày hẹn phỏng vấn bằng hệ thống đặt hẹn mới này. Vui lòng nộp đơn xin thị thực ngoại giao hoặc thị thực không cần đóng phí qua trang web của chúng tôi tại đây để được hướng dẫn thêm.

  • Nếu tôi muốn xin cấp lại thị thực không định cư mà không cần phỏng vấn thì tôi phải tiến hành như thế nào?

Vui lòng làm theo hướng dẫn tại trang web www.ustraveldocs.com/vn_vn để nộp hồ sơ xin cấp lại thị thực.

  • Làm cách nào tôi nhận đươc hộ chiếu sau khi đơn xin thị thực được chấp thuận? Sau bao lâu tôi nhận được thị thực?  Lệ phí phát chuyển thị thực là bao nhiêu?

Nếu được cấp thị thưc, quý vị sẽ được nhận lại hộ chiếu cùng thi thực thông qua bưu điện. Thị thưc sẽ được chuyển đến địa chỉ mà quý vị đã đăng ký trên trang web www.ustraveldocs.com/vn_vn khi nộp đơn. Quý vị có thể thay đổi địa chỉ nhận thị thưc này cho đến trước ngày phỏng vấn. Thông thường quý vị sẽ nhận được thị thực trong vòng một đến hai ngày nếu việc chuyển phát trong nội thành, hoặc trong vòng ba đến năm ngày nếu việc phát chuyển tới các vùng ngoại thành.

  • Nếu quý vị có câu hỏi khác?

Vui lòng truy cập vào trang web: www.ustraveldocs.com/vn_vn để biết thêm thông tin. Nếu quý vị không tìm thấy thông tin cần thiết trên website, vui lòng liên hệ chúng tôi qua trang web support-vietnam@ustraveldocs.com hoặc dùng mục “Liên hệ chúng tôi” tại trang web www.ustraveldocs.com/vn_vn để nhận được hướng dẫn về cách thức liên hệ với nhân viên qua Trung tâm Dịch vụ khách hàng, Skype hay Chat.

Quay lại đầu trang

  1. Câu hỏi về thị thực công tác/du lịch.
  • Tôi nói tiếng Anh không tốt lắm. Tôi có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt được không?

Có thể. Các viên chức Lãnh Sự đều được đào tạo để phỏng vấn bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sắp xếp nhân viên địa phương phiên dịch cho các đương đơn.

  • Thân nhân hoặc luật sư đại diện của tôi có thể tham dự buổi phỏng vấn xin cấp thị thực của tôi hay không?

Theo thông lệ chung trên toàn thế giới, không một bên thứ ba nào được phép tham dự buổi phỏng vấn xin thị thực không định cư. Quy định này cũng áp dụng cho các bên thứ ba là Công dân Hoa Kỳ hoặc Thường trú nhân Tại Hoa Kỳ. Nếu một bên thứ ba nào đó quan tâm đến trường hợp của đương đơn, vui lòng đề nghị họ viết thư nói rõ mối quan tâm của họ và đương đơn nên mang theo thư này khi đến phỏng vấn. Những đương đơn dưới 17 tuổi Phải đi kèm với ba/mẹ hoặc một người giám hộ hợp pháp khi đến phỏng vấn.

  • Các đại lý dịch vụ thị thực có thể giúp tôi xin được thị thực hay không?

Không. Đương đơn đừng bao giờ trả tiền cho bất kỳ người nào cho rằng họ có thể giúp bạn có được thị thực. Đương đơn cũng không nên trả tiền làm giấy tờ giả mạo vì các viên chức Lãnh Sự của chúng tôi được đào tạo những kỹ năng phát hiện giấy tờ giả.

  • Tôi cần phải cung cấp các loại giấy tờ nào tại buổi phỏng vấn?

Chúng tôi không đề nghị đương đơn mang theo thật nhiều giấy tờ cá nhân. Hầu hết các loại đơn xin thị thực đều chỉ yêu cầu cung cấp hộ chiếu, phí phỏng vấn và trang xác nhận mẫu đơn trực tuyến DS-160. Đối với tất cả các loại thị thực, chứng từ duy nhất được yêu cầu bổ sung thêm là các giấy tờ được chính phủ Hoa kỳ cấp cho đương đơn, các chứng từ này đương đơn thường đã có sẵn và mang đến tại buổi phỏng vấn.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, điều kiện được cấp thị thực phụ thuộc vào cuộc phỏng vấn, do hầu hết các thông tin yêu cầu cho việc cấp thị thực đã được cung cấp đầy đủ trên mẫu đơn. Ngoài các câu hỏi xác nhận thêm thông tin của đương đơn tại buổi phỏng vấn, các viên chức thông thường sẽ không yêu cầu xem thêm chứng từ nào khác cho việc quyết định cấp thị thực.

Chúng tôi không yêu cầu xem thư mời, chứng minh tài chính hoặc giấy xác nhận việc làm, quyết định cấp thị thực không hoàn toàn phụ thuộc vào việc trình các chứng từ này tại buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, rất nhiều đương đơn tin rằng việc cung cấp thêm chứng từ về tài chính và việc làm là cần thiết. Viên chức thông thường không xem xét các chứng từ này, do các thông tin này đã được viên chức biết trước hoặc các thông tin và chứng từ này sẽ không thay đổi được tình trạng cơ bản mà đương đơn đã khai báo trên mẫu đơn.

Xin lưu ý rằng các dịch vụ làm giấy tờ giả thường kiếm cách thu lợi nhuận cho họ bằng cách thuyết phục đương đơn mua giấy tờ giả mạo để cung cấp tại buổi phỏng vấn. Theo luật Hoa kỳ, hình phạt từ việc cung cấp thông tin giả trong quá trình xin thị thực sẽ dẫn đến hậu quả bị cấm vĩnh viển nhập cảnh vào Hoa kỳ.

  • “Những ràng buộc tại Việt Nam” được hiểu như thế nào?

“Những ràng buộc” là các khía cạnh cuộc sống của đương đơn ràng buộc đương đơn với nơi mình cư trú, bao gồm các mối quan hệ gia đình, công việc và tài sản. Trong trường hợp những đương đơn nhỏ tuổi chưa thể thiết lập được những ràng buộc nói trên, viên chức phỏng vấn sẽ xem xét trình độ học vấn, điểm số học tập, nghề nghiệp của cha mẹ, và những kế hoạch dài hạn cũng như triển vọng của đương đơn ở Việt Nam. Vì mỗi đương đơn mỗi hoàn cảnh khác nhau, do đó sẽ không có bất kỳ câu trả lời mẫu nào chứng minh được những ràng buộc này.

  • Nếu như tôi có một lá thư từ một người có chức quyền bảo đảm việc quay trở về Việt Nam của tôi, tôi có được cấp thị thực hay không?

Một lá thư, kể cả từ người có chức quyền, không nhất thiết chứng minh được những ràng buộc của đương đơn bên ngoài phạm vi Hoa Kỳ. Luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu mỗi đương đơn phải tự mình thuyết phục viên chức phỏng vấn bằng khả năng của chính mình.

  • Có tốt hơn nếu tôi che giấu việc tôi có bà con thân thuộc đang sinh sống tại Hoa Kỳ, hoặc tôi có hồ sơ bảo lãnh định cư, hoặc tôi đã bị từ chối cấp thị thực trước đây? Sẽ có hậu quả gì xảy ra nếu như tôi giấu giếm, khai báo sai lệch hoặc nộp giấy tờ giả mạo?

Việc khai báo thành thật, rõ ràng là tốt nhất. Chúng tôi hiểu rằng rất nhiều đương đơn có gia đình, bà con đang sinh sống tại Hoa Kỳ, nhưng đương đơn chỉ muốn đến thăm họ trong thời gian ngắn cũng như đương đơn đang có hồ sơ bảo lãnh nhưng chưa có ý định định cư tại Hoa Kỳ vào thời điểm này. Do đó, tốt nhất đương đơn nên khai báo thành thật tình trạng của mình. Khi viên chức phỏng vấn phát hiện đương đơn cố tình giấu giếm hoặc cung cấp thông tin sai lệch, đương đơn sẽ bị từ chối cấp thị thực và, trong một số trường hợp, đương đơn sẽ vĩnh viễn không được phép nhập cảnh Hoa Kỳ.

  • Nếu tôi có đầy đủ các giấy tờ cần thiết, tôi có được cấp thị thực hay không?

Không nhất thiết như vậy. Viên chức phỏng vấn phải áp dụng điều khoản 214(b) của Bộ Luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (INA) để quyết định xem đương đơn có đủ điều kiện được cấp thị thực hay không. Một phần điều khoản này nêu rằng:

Mỗi ngoại kiều [đương đơn xin thị thực] chắc chắn sẽ được coi như có ý định nhập cư cho đến khi đương đơn, vào thời điểm xin cấp thị thực, thuyết phục được viên chức Lãnh Sự rằng đương đơn hội đủ điều kiện được cấp thị thực không định cư.

Điều này có nghĩa là viên chức Lãnh Sự xem xét trường hợp của đương đơn dựa trên tinh thần của điều luật, luôn xem rằng đương đơn có ý định định cư tại Hoa Kỳ cho đến khi đương đơn chứng minh được điều ngược lại. Đương đơn có thể đưa ra những chứng cứ dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng khi tổng hợp lại, những chứng cứ này phải đủ để viên chức phỏng vấn đánh giá được hoàn cảnh chung của đương đơn và tin rằng những mối ràng buộc về xã hội, gia đình, kinh tế và các ràng buộc khác của đương đơn tại Việt Nam là lý do buộc đương đơn phải rời khỏi Hoa Kỳ sau khi kết thúc thời gian lưu trú tạm thời. Đương đơn nên chuẩn bị để trình bày trường hợp của mình thật rõ ràng và ngắn gọn. Đương đơn có thể yêu cầu buổi phỏng vấn được thực hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, tùy theo nhu cầu của đương đơn.

  • Tại sao cuộc phỏng của tôi quá ngắn? Viên chức chỉ hỏi tôi một vài câu hỏi và hầu như không xem xét giấy tờ của tôi.

Trong một ngày làm việc điển hình, một viên chức Lãnh Sự có thể phải phỏng vấn 80 đương đơn hoặc nhiều hơn, do đó mỗi đương đơn chỉ có thể được phỏng vấn trong một vài phút. Tuy nhiên, mẫu đơn xin thị thực của đương đơn, nếu được điền đầy đủ, đã bao gồm hầu hết các thông tin cần thiết để xét cấp thị thực. Viên chức Lãnh Sự chỉ xem xét các giấy tờ bổ sung khi cần làm sáng tỏ hơn nữa hoàn cảnh của đương đơn.

 

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!