Đánh bại ông Tony Abbott trong cuộc bỏ phiếu của đảng Tự do với tỷ số suýt soát, Bộ trưởng truyền thông Malcolm Turnbull chính thức trở thành tân thủ tướng của xứ sở kangaroo.

lucy-turnbull_swak

Chứng kiến bước ngoặt lớn này trong sự nghiệp chính trị bắt đầu từ năm 1981 của ông Turnbull là người đã sát cánh bên ông trước khi ông bước chân vào chính trường, là người mà ông tự hào tuyên bố: “Chúng tôi còn hơn là một nhóm”.
Bà Margie Abbott từng kể về những khó khăn trong vai trò đệ nhất phu nhân, xem đó là một công việc khó khăn chịu nhiều săm soi không kém gì chiếc ghế lãnh đạo đất nước. Với bà Abbott – một cựu giáo viên và nhà báo, đây không phải là một vai trò bà thích nhưng đối với người kế nhiệm – bà Lucy Turnbull thì xem ra công việc này sẽ khiến tiểu sử của bà thêm đa dạng, hoành tráng.
Cuộc hôn nhân kéo dài 35 năm của gia đình Turnbull cho đến nay vẫn không hề phai nhạt vì mới trong năm nay thôi ông Turnbull khi trả lời phỏng vấn News Corp đã cho biết “vẫn yêu Lucy say đắm”. Bởi sợi dây nối kết họ chính là điểm giao nhau về tài trí và tham vọng và bởi họ chọn lối sống “chúng tôi ủng hộ nhau trong công việc của mỗi người” như tâm sự của ông Turnbull. Và trong mắt bạn bè của họ, đây là một liên minh đặc biệt. Họ gắn bó với nhau trong nhiều “phi vụ” làm nên tên tuổi của Malcolm Turnbull, trong đó có vụ bào chữa cho điệp viên tình báo Anh Peter Wright. Cuốn hồi ký của điệp viên nàySpycatcher: The Candid Autobiography of a Senior Intelligence Officer bị chính quyền của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cấm xuất bản năm 1986. Để đối đầu với bà đầm thép nước Anh, cựu du học sinh Anh Malcolm Turnbull đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ người vợ vốn trao lời hôn ước với ông ngay trên đất Anh. Malcolm chinh chiến ở tòa còn Lucy ngày đêm nghiên cứu tài liệu về chuyện hậu trường.
Từ một luật sư thành công, ông Turnbull đã lấn sân ngoạn mục sang lĩnh vực công nghệ thông tin và bảo hiểm. Cho đến nay tài sản chung của nhà Turnbull trị giá khoảng 186 triệu USD và tòa biệt thự của họ nằm ở một trong những vị trí đắt đỏ nhất nước Úc – khu ngoại ô Point Piper của Sydney.
Không phải là phụ lục
Báo chí Úc chắc sẽ rất thất vọng khi bà Lucy Turnbull tuyên bố rằng bà không thích trả lời phỏng vấn và tự nhận bà là một nửa kín đáo của cặp đôi này. Nhưng sự khiêm nhường đó không “cản” được so sánh đầy tự hào của người dân trong nước khi họ gọi đây là “gia đình Clinton của Úc”. Nếu so với bà Hillary Clinton thì Lucy Turnbull cũng không hề thua kém. Với tấm bằng cử nhân luật của Đại học Sydney và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học New South Wales, bà gặt hái rất nhiều trong vai trò luật sư, nhà kinh doanh và nhà hoạt động cộng đồng. Bà góp mặt trong hội đồng quản trị của rất nhiều trung tâm học thuật cũng như các quỹ từ thiện.
Trước khi rút lui khỏi chính trị để toàn tâm toàn ý cho vai trò từ thiện, bà đã để lại dấu ấn không hề nhỏ – là người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Hội đồng thành phố Sydney năm 1999 và sau đó trở thành nữ thị trưởng đầu tiên của Sydney (2003 – 2004).
Là chủ nhân của chiếc huy chương Úc (OA – Officer of the Order of Australia) vì đã phụng sự cộng đồng hết mình, bà tâm sự: “Khao khát được đóng góp tích cực cho hành tinh này và cho cộng đồng của tôi là một động lực rất lớn suốt một thời gian dài. Nhưng bạn không thể có cơ hội để làm được nhiều điều mình mong muốn cho đến khi bạn có kinh nghiệm và sự tự tin. Khi tôi quyết định rằng mình đã có cả hai, tôi muốn tạo sự khác biệt”.
Bởi thế, bà khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên đồng thời cũng là đích đến của cuộc đời bà – công việc từ thiện dù không thể giữ trọn vẹn “là một nửa kín đáo” khi nhà Turnbull nay đã là đệ nhất gia đình. Bởi thế, lời khẳng định năm 2011 “Tôi không bao giờ xem mình là một bản phụ lục (của Malcolm) bởi bất kỳ ai biết tôi cũng sẽ nói với bạn điều đó” mãi là “tuyên ngôn” của cô con gái của tổng chưởng lý danh tiếng Tom Hughes và của cô cháu gái của thị trưởng đầu tiên của Sydney – Sir Thomas Hughes.
Nguyệt Hàn
khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!