Tôi chào đời trong thời chiến. Những tiếng súng đầu tiên trong cuộc chiến Việt Nam đã dứt tôi ra khỏi vòng tay mẹ khi tôi vừa mới lên 5. Và những tiếng súng ấy theo đuổi tôi từ làng quê này sang thôn xóm khác, đẩy cậu bé ra khỏi gia đình rồi chuyền từ tay bà mẹ nông dân này đến tay người lính cầm súng kia…Tôi là đứa bé chăn bò luôn luôn đói, là đứa con nuôi của người lính Lê Dương luôn ngồi giữa súng đạn, là đứa em nhỏ của những người lính bên giao thông hào, ngày nào cũng nhìn thấy người chết nằm kề bên… Cho đến ngày gặp lại mẹ, tôi được ôm sách đến trường. Tôi đi học giống như chạy giặc. Đúng hơn, như một người đói lâu ngày được ăn. Nhai nuốt vội vàng, nhiều khi không kịp tiêu, chữ thì có, nghĩa thì không. Phải học nhảy lớp cho kịp tuổi. Nhưng, tôi thích đời lính hơn đời thường… Và khi chưa kịp đến tuổi đi lính, tôi đã phải lén mẹ làm giấy thế vì khai sinh tăng thêm tuổi để hy vọng được …đi lính. Mẹ tôi đã kịp thời bắt tôi trở lại nhà trường, bắt tôi phải đi học trước khi tôi muốn trở thành người lính chuyên nghiệp. “Lính chuyên nghiệp hả? Nhà có hai đứa con trai, anh hai mày đi lính là đủ rồi!”

Tôi là đứa học trò kém môn Văn. Tôi chỉ thích môn Toán. Những con số đến với tôi dễ hơn là con chữ! Và như thế tôi lớn lên. Và khi tôi bắt đầu biết đọc biết viết, biết chữ và nghĩa, tôi khám phá ra mình chỉ thích đọc những gì thuộc về hiện tại hơn là quá khứ. Tôi không thích Kim Dung vào cái thời mà sách vở Kim Dung tràn ngập cả Sài Gòn, Việt Nam. Không chỉ không thích mà còn cả không đọc. Tôi chỉ đọc những gì người ta viết về cái thời tôi đang sống! Tôi không mê Hồ Biểu Chánh, tôi chỉ thích Sơn Nam. Những tác giả mà tôi đọc đôi khi là những người tôi từng có dịp ngồi với họ bên ly cà phê buổi sáng. Từng có lúc tranh cãi với họ trong bữa rượu hồi chiều. Họ khác tôi, nhưng họ nói với tôi cùng một thứ ngôn ngữ. Tôi biết mình chật hẹp, nhưng không biết cách nào đi ra khỏi con hẽm đó! Tôi muốn biết người cùng thời đại của mình sống như thế nào, nghĩ như thế nào, họ giải quyết đời sống họ ra sao trước một biến cố mà tôi có lần phải đối diện?

Tôi chưa bao giờ đọc như một nhà biên khảo. Tôi đã khám phá ra trong cái đọc của tôi có quá nhiều thiếu sót. Những thiếu sót ấy cần phải được bù đắp.

Tôi muốn nói trường hợp tác phẩm và tác giả trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Tôi nhớ tựa những cuốn sách tôi tưởng mình đã đọc: Hồn Bướm Mơ Tiên. Đời Mưa Gió. Lạnh Lùng…..tôi nhớ tên những tác giả tôi tưởng mình đã biết: Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo… những tác phẩm lớn của những nhà văn lớn trong văn học Việt Nam.

Trong một thư gửi bạn bè, nhà văn Phạm Phú Minh cho biết trong hai ngày 06 và 07 tháng Bảy  này tại Hội trường báo Người Việt Quận Cam sẽ có cuộc triển lãm và hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn. Và trong hơn một tháng nay nằm trên giường bệnh, tôi nghĩ mình sẽ có dịp bổ sung những khiếm khuyết ấy.

Tôi phải xuống Quận Cam, tôi hứa với Phạm Phú Minh trưởng ban tổ chức Hội Thảo và Triển lãm về Tự Lực Văn Đoàn và báo Phong Hoá, Ngày Nay – như thế, bởi vì ngoài chuyện sẽ gặp lại bạn bè từ lâu không gặp – mà không biết còn có dịp nào gặp nữa không? – còn là dịp hiểu thêm về những tác giả mà tôi đã đọc thiếu chiều sâu.

Sẽ thấy được hai tạp chí Phong Hoá, Ngày Nay, sẽ nhìn chiếc áo dài Le Mur, sẽ nghe những bài nhạc đầu tiên của Việt Nam trên Ngày Nay, sẽ ít nhất xem được vở kịch trong sự hình thành của phong trào kịch mới Việt Nam, cả tranh bìa, hí hoạ, minh hoạ của báo Phong Hoá, Ngày Nay thuở đó….

Và những phát biểu của đại diện gia đình thành viên Tự Lực Văn Đoàn:  Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đại diện gia đình Nhất Linh, Giáo sư Minh Thu đại diện gia đình Hoàng Đạo, Bác sĩ Nguyễn Tường Giang đại diện gia đình Thạch Lam…

Ông Kawaguchi Kenichi, Giáo sư Danh dự Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản, nói về Tự Lực Văn Đoàn và Văn học Cận đại Việt Nam. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, Giáo sư Đại học Victoria, Melbourne, Australia: Đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn. Đó là chưa kể được nghe Đỗ Quý Toàn, Trần Huy Bích, Trần Doãn Nho, Trần Mộng Tú, Đặng Thơ Thơ, Ngự Thuyết cung cấp cho tôi những cái nhìn khác về Tự Lực Văn Đoàn… mà tôi thiếu sót.

Tôi đã lỡ một cái hẹn mà tôi mong ước.

Theo VOA Tieng Viet

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: