Linh cữu cựu thủ tướng Singapore được đặt ở nhà quốc hội cho đến 8h tối thứ Bảy trước khi quốc tang cử hành hôm Chủ nhật.

Quốc tang diễn ra từ 2h chiều đến 5.15 hôm Chủ nhật tại Đại học Quốc gia Singapore.

Linh cữu của ông Lý Quang Diệu sẽ được đưa từ quốc hội về Đại học, đi qua quãng đường hơn 15 cây số.

Cùng ngày, gia đình sẽ làm lễ hỏa táng.

09:31

Hơn 415 ngàn người, tức 12% dân số Singapore, đã tới Tòa nhà Quốc hội để viếng ông Lý Quang Diệu, và ít nhất 850 ngàn người khác đã tới các địa điểm công cộng để tưởng nhớ ông.

09:41

Theo kế hoạch, lễ tang bắt đầu vào lúc 14.00, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo nước ngoài trong đó có cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Úc Tony Abbott và lãnh đạo Hạ viện Anh, William Hague.

Đảng Cộng sản Việt Nam cử Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đại diện sang Singapore dự lễ truy điệu ông Lý Quang Diệu.

Trong hình dưới đây là ông Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ (đứng giữa), tới Tòa nhà Quốc hội để viếng ông Lý Quang Diệu hôm 28/3.

09:47

Lễ rước bắt đầu vào lúc 12.30 Chủ Nhật (giờ địa phương), và linh cữu ông Lý Quang Diệu sẽ được di chuyển qua trung tâm Singapore, tới Trung tâm Văn hóa tại Đại học Quốc gia Singapore (hành trình đánh dấu màu xanh trên bản đồ)

10:07

Nguyễn Lễ của BBC tường thuật từ Singapore về việc người dân đi viếng ông Lý Quang Diệu:

Những người dân vừa viếng ông Lý xong bước ra ngoài được một người đàn ông trang phục chỉnh tề, đeo băng tang kính cẩn bắt tay từng người cám ơn vì đã đến viếng. Một cử chỉ làm tôi cảm thấy ấm lòng vì tình cảm và tấm lòng của người dân đối với ông Lý được trân trọng. Tôi hỏi thăm thì được biết người đàn ông đó là một nghị sỹ Quốc hội.

Tôi chợt nhớ lại câu chuyện mà tôi trao đổi với người tài xế taxi đã chở tôi từ sân bay về khách sạn. Vốn là một cựu quân nhân, ông nói với tôi thành công của Singapore không phải chỉ riêng một mình ông Lý mà là cả một đội ngũ nhân tài mà ông Lý đã tập hợp được.

Tôi đồng ý với người tài xế này, nhưng tôi cũng nói với ông rằng tập hợp được và sử dụng được nhiều người tài như thế thì ông Lý phải là người tài giỏi đứng cao hơn hết cả những người tài kia. Ngẫm lại, trong số những người tài đang phụng sự Singapore, có không ít người Việt Nam không được chính quyền nước mình trọng dụng nên cuối cùng phải đem góp sức giúp cho nước người.

Như thế thì Việt Nam và Singapore, hiện giờ đã một trời một vực, trông sẽ còn cách xa đến mức nào?

10:10

Tại Hà Nội hôm 23/3, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đến sứ quán Singapore ký vào sổ tang chia buồn.

Trong phần chia buồn có đoạn ông viết: “Những cống hiến to lớn của Ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của Ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau.”

“Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của Ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam.”

10:12

Hồi năm 2010, một điện tín ngoại giao được tiết lộ trên trang Wikileaks cho biết cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã từng nói rằng khối Asean lẽ ra không nên nhận Việt Nam, Lào, Campuchia và Miến Điện vào làm thành viên trong thập niên 90.

Đó là vì các thành viên cũ của Asean chia sẻ các giá trị chung và bài Cộng sản. Các giá trị này, theo ông, đã bị các thành viên mới vào “làm vẩn đục”, và các thành viên mới sẽ không hành xử như các thành viên cũ do họ có nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội.

Ông còn nhận xét giới lãnh đạo Miến Điện là “đần độn” và “ngu dốt”.

10:15


Tiến sỹ Vũ Minh Khương, từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cho rằng Việt Nam nên học ba nguyên tắc xây dựng nhà nước mạnh của ông Lý Quang Diệu.

“Tưởng thưởng những người có tài năng, cống hiến sẽ là bước đột phá rất lớn”, ông nhận định.

“Thứ hai là hãy nói thực chất đất nước sẽ đi đến đâu 20, 30 năm nữa, làm sao vượt qua thách thức khu vực.

“Và phải trung thực. Đừng bắt cán bộ phải nói dối, xem như chuyện thường ngày,” tiến sỹ Khương nhận định.

TWEET 10:23

Singapore Diaries Singapore Diaries viết: Thành phố Singapore đầy hoa như ngày nay, là kết quả của tầm nhìn Lý Quang Diệu – ‘thành phố nằm trong một khu vườn’.

 

10:23

Lý Quang Diệu: “Lãnh đạo Việt Nam bị ý thức hệ kìm hãm”

Trong cuốn One man’s view of the world, cựu thủ tướng Singapore cho rằng những thành quả kinh tế Việt Nam từ sau Đổi Mới là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Việt Nam chưa hề và sẽ chưa thể có một lãnh đạo ngang tầm Đặng Tiểu Bình trong một tương lai gần.

Ông đã sử dụng một cụm từ mô tả chung cho toàn bộ giới lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam: ‘Bị kìm hãm trong tư duy xã hội chủ nghĩa’.

Theo lời ông Lý, ở Việt Nam, những vị lãnh đạo bảo thủ đang tiếp tục làm cho Việt Nam trở nên trì trệ. Chỉ khi những vị này nghỉ hưu thì Việt Nam mới có thể có đột phá theo hướng hiện đại hóa.

1

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: