Hơn một năm sau cuộc chính biến Maidan, Ukraine vẫn chưa thể lật đổ được sự thống trị của các oligarch.

23a1_xfpcCuộc đối đầu giữa Poroshenko (trái) và Kolomoisky được dự đoán sẽ còn kéo dài – Ảnh: AFP

Giống như Nga, quá trình tư hữu hóa các tập đoàn nhà nước và thâu tóm những cơ sở công nghiệp quy mô lớn trong thập niên 1990 ở Ukraine tạo ra một tầng lớp oligarch (nhóm thiểu số thao túng kinh tế) ở nước này. Các oligarch đóng vai trò lớn trong chính trường Ukraine, thông qua việc ứng cử vào các chức vụ nhà nước hoặc tài trợ cho những phe phái chính trị thân hữu. Nhưng nước Nga vốn có truyền thống tập trung quyền lực lâu đời và những “trận đánh đẹp” của Tổng thống Vladimir Putin từ khi lên cầm quyền khiến giới oligarch Nga hoặc quy phục Điện Kremlin hoặc bỏ của chạy lấy người hay tệ hơn nữa là ngồi mơ về thời hoàng kim đằng sau song sắt. Còn các oligarch Ukraine chưa bao giờ chịu dưới cơ chính phủ. Trái lại, quyền lực của họ ngày càng hùng mạnh.
Hậu quả là hệ thống chính trị Ukraine tiếp tục phụ thuộc sâu sắc vào sự đỡ đầu và yểm trợ của các oligarch. Mọi đảng chính trị lớn và ứng cử viên cho những vị trí quyền lực trong chính phủ và nghị viện đều có những oligarch chống lưng. Chẳng hạn, nhân vật giàu có số 1 Ukraine Rinat Akhmetov, người thống trị ngành luyện kim và than đá, từng là nhà tài trợ hàng đầu cho đảng Các khu vực của cựu Tổng thống Viktor Yanukovich.
Thực trạng đó chẳng thay đổi sau cuộc cách mạng Maidan (tên gọi phong trào lật đổ chính quyền Yanukovich) vào đầu năm 2014 mà mục tiêu được xác định là giải phóng Ukraine khỏi tình trạng tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu và đưa vào khuôn phép nhóm thiểu số các nhà tài phiệt đã cướp bóc tài sản đất nước và lũng đoạn chính trị hơn hai thập niên qua.
Cục diện mới
Theo tờ Financial Times, sau khi Nga sáp nhập Crimea và những tay súng ly khai bắt đầu chiếm giữ các trụ sở chính quyền ở miền đông vào năm 2014, chính quyền Kiev đã đề ra sáng kiến bổ nhiệm những nhà tài phiệt giàu có nhất nước làm tỉnh trưởng trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng nổi dậy lan rộng. Tỉ phú Igor Kolomoisky, một oligarch sừng sỏ, là người đầu tiên đáp lời. “Phụng sự đất nước là cách để chuộc tội trước nhân dân”, ông này nói khi đó.
Kế sách của Kiev có vẻ như “đơm hoa kết trái”. Với vị trí tỉnh trưởng Dnipropetrovsk, Kolomoisky đã tích cực ngăn chặn sự bành trướng của phe nổi dậy. Sự hỗ trợ tài chính của ông cho các tiểu đoàn tình nguyện đóng vai trò quan trọng nhằm chặn đà tiến của các tay súng ly khai.
Mặt khác, biến động chính trị cũng chứng kiến sự suy giảm ảnh hưởng của các oligarch khác. Trước khi chính quyền Yanukovich sụp đổ, Rinat Akhmetov là oligarch quyền lực nhất Ukraine. Nhưng những lựa chọn “đi dây” trong thời gian đầu của cuộc khủng hoảng ở miền đông khiến ông lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Akhmetov hiện vẫn là người giàu nhất Ukraine nhưng ông mất đi phần lớn sự ảnh hưởng đối với các tiến trình hoạch định chính sách và đang ẩn mình chờ thời ở Kiev.
Việc thích nghi với hiện thực mới ở Ukraine cũng là thách thức đối với các oligarch khác. Victor Pinchuk, nhà tư bản ngành thép và là con rể cựu Tổng thống Leonid Kuchma, chọn ủng hộ Kiev nhưng từ chối tham gia chính phủ. Còn Dmytro Firtash, tỉ phú ngành hóa chất và điện, đã bị bắt ở Áo vào tháng 5 năm ngoái với cáo buộc tham nhũng và hối lộ theo yêu cầu của giới chức Mỹ. Cục diện mới đó cho phép Kolomoisky tự tin tuyên bố: “Thời đại các oligarch đã qua. Giờ là thời của riêng một oligarch”. Khi nói như vậy, Kolomoisky có lẽ quên mất sự hiện diện của một oligarch khác: Tổng thống Petro Poroshenko, tỉ phú ngành bánh kẹo, lãnh đạo khối Petro Poroshenko, đảng chính trị lớn nhất trong nghị viện Ukraine.
Đối mặt
Thế lực ngày càng lớn mạnh của Kolomoisky ở Dnipropetrovsk và chính trường Ukraine khiến một số người ở Kiev đứng ngồi không yên. Họ tố cáo ông lợi dụng chức vụ tỉnh trưởng để bành trướng hoạt động kinh doanh và biến các đơn vị tình nguyện thành quân đội tư nhân. Nỗi lo sợ đó càng gia tăng sau khi lực lượng vũ trang trung thành với Kolomoisky xuất hiện tại đại bản doanh của hai tập đoàn năng lượng lớn nhất Ukraine ở Kiev, làm dấy lên những đồn đoán về cuộc đấu đá quyền lực giữa Kolomoisky và Poroshenko.
Cuộc nổi loạn diễn ra sau một loạt các bước đi của chính phủ Poroshenko nhằm chặt vây cánh của Kolomoisky. Trong tháng 3, nghị viện thông qua một đạo luật với mục đích giảm thiểu sự lũng đoạn của Kolomoisky tại Ukrnafta, tập đoàn dầu khí mà ông nắm 42% cổ phần. Chính phủ cũng tìm cách kiểm soát Ukrtransnafta, tập đoàn vận hành đường ống dẫn dầu quốc doanh, bằng cách thay thế Giám đốc điều hành Oleksandr Lazorko, một đồng minh của Kolomoisky. Theo hai nghị sĩ Ukraine, Kolomoisky đã điều một nhóm quân bịt mặt đến trụ sở Ukrtransnafta vào ngày 19.3 để bảo vệ Lazorko. Ba ngày sau, những tay súng tiến chiếm các vị trí xung quanh Ukrnafta, khiến giới chức Kiev hết sức tức giận. Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov ra tối hậu thư cho các tay súng rút đi trong vòng 24 giờ đồng hồ. Còn ông Poroshenko tuyên bố không tỉnh trưởng nào có quyền có “lực lượng vũ trang riêng”.
Sự kịch tính lên đến đỉnh điểm khi ông Poroshenko ra thông báo chấp thuận đơn từ chức tỉnh trưởng Dnipropetrovsk của Kolomoisky vào ngày 25.3 sau một cuộc gặp giữa hai người. Theo AFP, mặc dù thông báo cho biết Kolomoisky tự nguyện từ chức, nhưng các chuyên gia tin rằng chính ông Poroshenko ra quyết định cách chức. Sergiy Leschenk, nhà báo điều tra sau trở thành nghị sĩ, nhận xét ông Poroshenko buộc phải rũ bỏ ông Kolomoisky vì hành động “diễu võ dương oai” của ông này ở Kiev tạo ra nghi ngờ về sự độc quyền nhà nước đối với việc sử dụng lực lượng vũ trang và giữ lại Kolomoisky sẽ làm xói mòn tính chính danh của chính quyền Poroshenko. “Nó là điểm không thể quay đầu”, Leschenko viết.
Những lời đồn đoán về một thỏa thuận ngầm giữa hai đồng minh một thời cũng không xua tan đi lo ngại rằng cuộc chiến giữa hai chỉ mới khai mào và sẽ còn tiếp diễn. Nếu muốn, Kolomoisky vẫn có dư dả phương tiện để phản công.
Ông sở hữu ngân hàng thương mại lớn nhất Ukraine PrivatBank và được ủng hộ hết mực tại Dnipropetrovsk. Việc Kolomoisky lùi bước cũng làm dấy lên lo sợ về tình hình an ninh ở Dnipropetrovsk nói riêng và số phận của thỏa thuận ngừng bắn nói chung. Nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của Kolomoisky đối với cuộc xung đột ở miền đông, nhà phân tích Volodymyr Fesenko nói với AFP: “Nếu ông ấy muốn chiến tranh, sẽ có chiến tranh”.

Sơn Duân

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!