Tổng hợp (NV) – Việc một đứa trẻ ở Hoa Kỳ có thể kiếm được nhiều tiền hơn ba mẹ nó hay không, phụ thuộc một phần lớn vào việc nó sẽ lớn lên ở đâu. Kết luận này dựa theo nghiên cứu mới nhất được tiến hành trên khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ của ba giáo sư kinh tế học tại Đại Học Harvard và UC Berkeley.

Một thanh niên chờ xe bus sau giờ làm việc. (Hình: Gettyimages)

 

Cụm từ “giấc mơ Mỹ” ám chỉ về ước mơ của giới di dân đang hoặc sẽ, hoặc mơ ước được đến sống tại Hoa Kỳ. Với nhiều người trong số họ, Mỹ là mảnh đất cơ hội để thoát nghèo, đổi đời. Tuy vậy, nếu được lựa chọn, số liệu cho thấy các di dân nên tìm đến một số nước khác như Canada, Úc, Pháp, Đức, hay Nhật. Tỉ lệ người nghèo hóa giàu tại những quốc gia này cao hơn tỉ lệ của Mỹ.

Theo thống kê tiến hành trong lứa tuổi 30 tại Mỹ, cứ ba người có thu nhập cao hơn $100,000/năm, có một người là từ gia đình thuộc “top 1%” giàu có, hai người còn lại thường đến từ gia đình trung lưu trở lên. Với những thanh niên đến từ gia đình không phải trung lưu và thượng lưu, chỉ 4% sẽ có thu nhập trên $100,000/năm khi 30 tuổi.

Trong cùng nước Mỹ, việc gia đình ở tiểu bang, thành phố nào có mối liên hệ mật thiết đến thu nhập trong tương lai tài chính của con cái.

Cuộc thống kê chia dân cư làm năm thành phần thu nhập từ thấp đến cao. Các nhà nghiên cứu sau đó xem xét tỉ lệ những đứa trẻ có cha mẹ thu nhập thấp nhất nhưng khi trưởng thành và đi làm thì bản thân lại có thu nhập thuộc loại cao nhất.

Kết quả, dân cư tại Đông Nam Hoa Kỳ có tỉ lệ “đổi đời” thấp nhất, khoảng 4%, tỉ lệ trung bình là khoảng 10% ở Đông Bắc như New York và miền Tây như California. Tỉ lệ “đổi đời” đặc biệt cao, lên đến hơn 30%, tại một số vùng Bắc miền Trung Tây Hoa Kỳ.

Dùng các phương pháp phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu đưa ra một số giải thích cho sự khác biệt trong tỉ lệ “đổi đời” giữa các vùng.

Gây nhiều ngạc nhiên, cơ hội thoát nghèo, đổi đời không có mối liên hệ đến việc giảm thuế hay tăng phúc lợi cho người nghèo, cũng không có liên hệ đến số trường đại học công lập trong vùng.

Ngược lại, bốn điều kiện có mối liên hệ đến tỉ lệ con cái thoát nghèo, đổi đời là: sự pha trộn giữa vùng dân cư giàu- nghèo, chất lượng trường tiểu học và trung học tại địa phương, gia đình có trọn vẹn cha lẫn mẹ, mật độ các phong trào xã hội.

Thanh thiếu niên trong các gia đình nghèo có nhiều khả năng vượt lên hoàn cảnh, hòa vào giới trung lưu và thượng lưu nếu gia đình ở gần các khu dân cư khá giả, được học tại trường biết chăm lo đến học sinh, được sống với cả cha và mẹ, và được nhận hoặc tham gia nhiều công tác xã hội. (T.A.)

Theo nguoi-viet.com

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: