Quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Barack Obama bảo vệ hàng triệu di dân bất hợp pháp qua lệnh hành pháp có triển vọng vừa là một rủi ro vừa là một phần thưởng chính trị lớn.

Trong bài phát biểu từ Toà Bạch Ốc hôm thứ Năm, tổng thống nói dành cho hàng triệu di dân sự bảo vệ khỏi bị trục xuất là điều chính đáng về đạo đức phải làm. “Chúng ta cần nhiều thứ hơn chính trị thông thường khi có liên quan đến di trú. Chúng ta cần có cuộc tranh luận có lý lẽ, có suy xét, và đầy lòng thương xót tập trung vào các niềm hy vọng, chứ không phải những sợ hãi của chúng ta.”

Thông báo của tổng thống đã khơi mào cho những cuộc liên hoan bên ngoài Toà Bạch Ốc và những giọt nước mắt vui mừng của các di dân trong những buổi tụ họp khắp nước.

Nhưng các đảng viên Cộng hòa coi quyết định này như một sự khiêu khích chính trị rõ ràng, và Chủ tịch Hạ viện John Boehner đã hứa sẽ có phản ứng mạnh trong những ngày sắp tới, mặc dù phản ứng đó là gì thì còn phải chờ xem. “Với quyết định này tổng thống đã chọn cố ý phá hoại mọi cơ may thực thi các cải cách lưỡng đảng mà ông nói là đang mưu tìm. Như tôi đã nói với tổng thống hôm qua, ông đang phá hoại ngay cả chức vụ tổng thống.”

D3D40C95-7C8C-4552-9906-76D2D9C9B88F_w640_r1_s

Những người chống đối cải cách di trú cảnh báo rằng quyết định của tổng thống sẽ có những ảnh hưởng chính trị quan trọng vượt ra ngoài cuộc tranh luận về di trú. Ông Mark Krikorian là giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Di trú. “Sự kiện này đầu độc giếng nước, không những chỉ về vấn đề di trú, và về tất cả mọi thứ khác cần phải thực hiện. Tôi không thấy bất cứ việc gì có thể hoàn tất được trong hai năm sắp tới vì thái độ của tổng thống.”

Các chuyên gia phân tích nói quyết định của ông Obama được thúc đẩy một phần do việc chu toàn một lời hứa chính trị đã có từ lâu với giới hoạt động gốc châu Mỹ Latinh đã đóng một vai trò chủ chốt trong các chiến thắng bầu cử của ông năm 2008 và 2012. Chuyên gia Matt Dalek của trường Đại học George Washington nói: “Ông ấy cảm thấy có nghĩa vụ không những với những người hoạt động mà, theo tôi, cả với cộng đồng Latinh bởi vì người gốc Latinh trong năm 2008 và một lần nữa trong năm 2012 đã bỏ phiếu ồ ạt cho Tổng thống Obama.”

Nhưng ông Dallek thừa nhận rằng có nhiều phần chắc tổng thống sẽ phải trả một cái giá trong ngắn hạn vì quyết định di trú này. “Tôi nghĩ nó đào sâu thêm sự thù nghịch giữa không những các nhánh hành pháp và lập pháp, giữa phe Dân chủ và phe Cộng hoà, mà còn có phần nào gây rạn nứt hơn cho chính trường ở Washington.”

Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa John Boehner

Đồng thời, phe Cộng hòa phải thận trọng đừng xúc phạm khối cử tri gốc Mỹ Latinh ngày càng đông đảo trong nước, theo nhận định của ông Thomas Mann thuộc viện Brookings. “Đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà đất nước phải đối đầu và đang ngăn trở chúng ta và nếu phe Cộng hoà là bên nói ‘không’ về vấn đề này, thì tôi nghĩ cả nước sẽ chịu thiệt hại.”

Di trú cũng sẽ là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và nhà thăm dò của đảng Cộng hòa Whit Ayres nói đảng của ông phải hành động nhiều hơn là chỉ phản đối các nỗ lực cải cách di trú. “Chúng ta có một phần ba số phiếu của người Mỹ gốc Latinh. Chúng ta phải đạt được kết quả tốt hơn với khối người này, với người Á châu. Chúng ta đã thấy chuyện ấy sắp xảy ra. Đó không phải là chuyện cần tranh cãi và đó đơn giản là thách thức mà chúng ta phải đương đầu một cách có hiệu quả nếu chúng ta muốn bầu ra một tổng thống khác.”

Quyết định của tổng thống tự giải quyết các thay đổi hệ thống di trú được đưa ra chỉ vài tuần sau khi đảng Dân chủ của ông bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ.

Đảng Dân chủ đã mất thế đa số tại Thượng viện, và đảng Cộng hòa mở rộng thế đa số tại Hạ viện, phần lớn bởi vì điểm ủng hộ dành cho tổng thống sụt giảm trong các cuộc thăm dò công luận.

Nhưng với quyết định táo bạo và gây tranh cãi về di trú này, ông Obama đã thực hiện điều có thể trở thành một thời khắc quyết định trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, theo ông James Thurber, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Tổng thống tại trường đại học American University ở Washington. “Tôi nghĩ ông ấy làm như vậy vì đó là điều đúng đắn nhưng ông ấy làm như vậy bởi vì ông ấy muốn được nhớ tới về một điểm gì. Các vị tổng thống thường muốn có một lịch sử mà họ được công nhận về một sự kiện nào đó và chắc chắn ông ấy sẽ được biết tới nhờ việc này, theo tôi trong chiều hướng tích cực.”

Sự phán xét của lịch sử sẽ đến sau này. Trong thời gian sắp tới thì tổng thống sẽ phải đối diện với một phản ứng giận dữ của phe bảo thủ về di trú và triển vọng đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát ở cả hai viện Quốc hội vào tháng Giêng này.

Nam.Nguyen

Nam Nguyễn

Nam.Nguyen

Posted by Nam.Nguyen

: