Nathan Smith, người tự nhận mình là “Ngoại trưởng” của Phong trào Chủ nghĩa dân tộc Texas (TNM), xuất hiện tại Hội nghị nhóm cực hữu ở St. Petersburg, Nga vào mùa xuân mới đây.
Tại hội nghị của những người theo chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa phát xít mới, mặc dù đội chiếc nón cao bồi trên đầu, nhưng Smith cố giữ sao cho ít người biết đến. Tuy nhiên, Smith không qua khỏi ống kính của một tờ báo Nga, Vzglyad, lưu ý rằng TNM “hầu như không là một nhóm ngoài lề.”
Smith tỏ ra lạc quan về triển vọng tuyệt vời có thể phần nào tách ra khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông ta tuyên bố TNM hiện tại có 250.000 người ủng hộ, gồm cả những quân nhân hiện nay đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, và tất cả bọn họ “đều tự nhận mình trước hết và quan trọng nhất là người Texas,” nhưng bị bắt buộc phải làm người Mỹ. Hoa Kỳ, Smith nói thêm, “không có dân chủ, mà là chế độ độc tài.”
Đối với người Nga, đây thực sự là đòn giáng trả ngọt ngào. Kể từ khi Liên bang Xô Viết tan rã cách đây hai thập niên, nhiều người Nga đổ lỗi Hoa Kỳ đứng đằng sau. Sự oán giận trút lên đầu Hoa Kỳ về việc Nga mất vị thế quốc gia là một trong những lý do khiến Putin nổi tiếng. Điều này càng ngày càng tồi tệ hơn khi Hoa Kỳ dẫn đầu các nỗ lực quốc tế nhằm cô lập và trừng phạt Moscow về việc sát nhập Crimea và đưa quân vào miền đông Ukraine.
Trong vòng 15 tháng qua, bỗng nhiên Nga đặt sự quan tâm lên những vùng tây nam Mỹ, đáng chú ý nhất là Texas, nơi ngọn lửa muốn ly khai khỏi Liên bang chưa bao giờ tắt hẳn. (Nhóm tiền nhiệm trước TNM – nhóm Cộng hòa Texas bị giải tán sau khi các chiến binh ly khai bắt con tin năm 1997).
Để hâm nóng lại số phận nước Nga, một số không ít bộ phận người Nga đã lên tiếng hình dung về việc người Mỹ li khai, trong đó E Pluribus Unum là một.
Cũng chẳng phải Texas là vùng duy nhất mà Nga đang hỗ trợ ly khai kể từ khi sát nhập Crimea vào. Venice, Scotland, Catalonia, đều có cả. Truyền thông Nga đã lên tiếng ủng hộ ly khai ra khỏi tất cả những đồng minh phương Tây này. (Người Nga có một câu ngạn ngữ – Ly khai khỏi ba, chứ không phải ta – có nghĩa, khó mà tìm thấy Nga chính thức ủng hộ li khai độc lập ở Siberia, Tatar hay Chechen. )
“Kể từ khi bất ổn của phương Tây được đặt lên bàn nghị sự của Nga, họ có thể tìm cách tiếp cận những người muốn tách khỏi liên bang Hoa Kỳ,” Anton Shekhovtsov, nhà nghiên cứu về mối liên quan giữa Moscow với những phong trào cực hữu ở Châu Âu cho biết. Ông nói thêm, Nga muốn “ xã hội Mỹ phân hóa sâu sắc, đời sống chính trị nội bộ bất ổn,” và một số người Texas nhất định đã đáp lại.
Trong chiến thuật chính trị, những điều trên chẳng có gì mới mẻ. Chẳng hạn như vụ bức điện tín Zimmermann Telegram cách đây một thế kỷ.
Vào tháng giêng năm 1917, đại sứ Mỹ tại Anh nhận được bức điện tín được giải mã, bức điện có tên Zimmermann này đã giúp thúc đẩy Mỹ thực sự tham gia vào Thế chiến thứ nhất. Bức điện mã hóa được Bộ trưởng Ngoại giao Đức gởi cho đại sứ Đức tại Mexico yêu cầu thành lập quan hệ đồng minh với Mexico nhằm chống lại Hoa Kỳ và giúp Mexico lấy lại các vùng lãnh thổ đã bị mất trước đây tại New Mexico, Texas và Arizona. Bức điện này đã khiến cam kết không tham chiến của Tổng thống Woodrow Wilson bốc hơi chỉ trong một đêm.
Chỉ một vài tháng trước, một phiên bản tương tự với Bức điện Zimmermann được một quan chức Nga chuyển trực tiếp tới chính phủ Hoa Kỳ. Phát ngôn nội các Chechnya, Dukuvakha Abdurakhmanov, cảnh báo nếu Hoa Kỳ gia tăng viện trợ vũ khí cho Kiev, “chúng tôi sẽ bắt đầu giao vũ khí mới cho Mexico,” và “tiếp tục tranh luận về tư cách pháp lý về những vùng lãnh thổ sát nhập vào Hoa Kỳ, cụ thể bây giờ là tiểu bang California, New Mexico, Arizona, Nevada, Utah, Colorado và Wyoming.”
Hiện không rõ những nỗ lực tuyên truyền này được để mắt nhiều thế nào trong điện Kremlin. Nhưng khó có thể bỏ qua việc hồi tháng 12 vừa rồi Tổng thống Nga Valdimir Putin đả kích sự giả dối phương Tây khi đồng rup trong tình trạng bấp bênh. “Ngay khi họ đeo được vòng cổ vào (gấu mẹ), họ lập tức sẽ nhổ răng và móng vuốt nó,” ông Putin gầm gừ. “Chúng ta rất nhiều lần nghe người ta nói về sự bất công khi Siberia giàu có vô biên lại hoàn toàn thuộc về Nga. Bất công ư? Thế còn nắm lấy Texas từ Mexico thì sao?”
Thực tế là Hoa Kỳ chưa bao giờ giành lấy Texas từ Mexico, sự sát nhập diễn ra dưới sự bảo hộ mở rộng ở thế kỷ 19. Những điểm tương đồng này quá tốt để Putin đem ra làm động cơ chính trị.
Cơ quan truyền thông nhà nước Nga, tất nhiên, lấy Crimea so sánh với Texas và nhanh chóng tuyên truyền. Theo Sputnik, cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea cho thấy tiền lệ lịch sử ở Texas. “Nếu một người chấp nhận tình hình hiện tại của Texas bất chấp nguồn gốc lịch sử còn nhiều tranh cãi, thì họ bắt buộc phải công nhận tình hình tương lai của Crimea,” báo này viết.
Theo Politico