1

Người Hồi giáo Shia tình nguyện cầm súng để hỗ trợ quân đội chính phủ

Tổng thống Barack Obama nói ông cần vài ngày để quyết định hành động của Hoa Kỳ trước khủng hoảng hiện nay tại Iraq, nhưng cũng khẳng định lính Mỹ sẽ không tham chiến.

Bất kỳ sự can thiệp nào của Hoa Kỳ cũng “cần đi đôi với nỗ lực nghiêm túc và thành khẩn từ giới lãnh đạo Iraq nhằm gạt qua một bên những mâu thuẫn phe phái,” ông nói.

Trong những ngày qua, phiến quân Hồi giáo dòng Sunni đã chiếm hai thành phố Mosul, Tikrit, và đang tiến gần đến Baghdad.

Giáo sỹ dòng Shia cao cấp nhất tại Iraq đã ra lời kêu gọi người Hồi giáo Shia cầm súng.

Thông điệp của Đại Giáo sỹ Ayatollah Ali al-Sistani được đọc tại lễ cầu nguyện ở thành phố Karbala hôm 12/6 viết: “Những công dân có thể cầm súng và chiến đấu chống lại khủng bố, bảo vệ đất nước, nhân dân và thánh đường linh thiêng của mình, nên tình nguyện tham gia với lực lượng an ninh để đạt mục đích cao cả này.”

Một số nguồn tin nói hàng nghìn người đã gia nhập lực lượng dân quân Shia, điều được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Baghdad, phóng viên BBC tại đây, Richard Galpin, cho biết.

Phiến quân Hồi giáo dòng Sunni từ lực lượng ISIS (Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant), xem người Shia là “những kẻ ngoại đạo”.

Dòng người tỵ nạn đang đổ về vùng tự trị Kurdistan

 

“Phá vỡ thế tiến công”

Ông Obama nói với các phóng viên rằng ISIS không chỉ là mối nguy đối với đất nước và nhân dân Iraq, mà còn “đe dọa cả những lợi ích của Hoa Kỳ”.

Ông nói Iraq cần sự hỗ trợ để “phá vỡ thế tiến công của lực lượng Hồi giáo cực đoan, đồng thời củng cố khả năng chiến đấu của lực lượng an ninh”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm với ông Maliki hôm 12/6 và hứa Iran – quốc gia nơi người Hồi giáo Shia chiếm đa số – sẽ không “cho phép những kẻ ủng hộ khủng bố quấy phá nền an ninh và sự ổn định của Iraq”.

Một số nguồn tin ẩn danh do tờ Wall Street Journal và đài CNN dẫn lại cho biết Iran đã điều vài đơn vị tinh nhuệ thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng đến chi viện cho Iraq.

Tuy nhiên một số nguồn tin khác nói giới chức Iran đã bác bỏ điều này.

Giá dầu thô Brent đã tăng mạnh hôm 13/6 do tâm lý bất định giữa lúc giao tranh tiếp diễn.

Phiến quân ăn mừng chiến thắng dễ dàng

 

Chia cắt Iraq?

Sau khi chiếm được Mosul vào tối thứ Hai và tiếp đó là quê hương của Saddam Hussein – thành phố Tikrit, phiến quân đã nam tiến xuống tỉnh Diyala.

Hôm 13/6, các tay súng ISIS đã đụng độ với dân quân Shia gần thị trấn Muqdadiya, cách Baghdad 80km.

Lực lượng chi viện thuộc quân đội Iraq và dân quân Shia đã có mặt tại thành phố Samarra, nơi phiến quân đang tìm cách tiến vào từ phía bắc.

Ông Maliki cũng được cho là đang trên đường đến thành phố này để chủ trì một cuộc họp an ninh.

Tại Geneva, Cao ủy phụ trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bà Navi Pillay, đã báo động về “những vụ hành quyết tập thể”, và cho biết số người bị sát hại trong những ngày qua có thể đã lên đến hàng trăm.

Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính 40.000 người đã tháo chạy khỏi Tikrit và Samarra, bên cạnh 500.000 người được cho là đã rời khỏi Mosul.

Nhiều người đã vượt biên sang vùng tự trị Kurdistan.

Lãnh đạo Kurditan đã tận dụng xung đột hiện nay để chiếm giữ các khu vực mà họ muốn sáp nhập vào vùng tự trị của mình từ lâu, như thị trấn Saadiyah và thành phố Jalawla.

Giới phân tích lo ngại rằng bạo lực hiện nay sẽ khiến Iraq bị chia cắt thành những vùng lãnh thổ riêng biệt của người Sunni, Shia và Kurdistan.

 

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: