Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phản ứng gay gắt bài diễn văn của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước Quốc hội Mỹ về thỏa thuận hạt nhân có thể đạt được với Iran.
Ông Obama nói ông không thể xem trực tiếp khi ông Netanyahu phát biểu nhưng ông ‘không thấy có gì mới’ khi ông đọc văn bản bài phát biểu sau đó.
‘Phải cho Iran lựa chọn khác’
“Phương án khác mà ngài thủ tướng đưa ra là ‘không thỏa thuận gì hết với Iran’ – trong trường hợp này Iran sẽ ngay lập tức bắt đầu theo đuổi chương trình hạt nhân trở lại, đẩy nhanh chương trình này mà chúng ta không thể nắm được họ đang làm gì và cũng không có gì ràng buộc họ,” ông Obama nói.
Ông nói chỉ trừng phạt không là chưa đủ mà phải cho Iran một lựa chọn khác.
Các thành viên khác của Đảng Dân chủ cũng chỉ trích bài diễn văn của ông Netanyahu. Hạ nghị sỹ John Yarmuth gọi nó ‘được lấy ra thẳng từ sách của Dick Cheney (cựu phó Tổng thống Mỹ) – tệ nhất là gieo rắc sự sợ hãi’.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Iran nhận xét rằng những lời lẽ của ông Netanyahu là ‘đáng chán và lặp đi lặp lại’, hãng tin Fars của nước này cho biết.
Bà Marzieh Afkham, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Iran, nói bài diễn văn ‘sợ hãi Iran’ là ‘một trò lừa đảo và là một phần trong chiến dịch tranh cử của phe cứng rắn ở Tel Aviv’.
Trong bài diễn văn của mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo rằng một thỏa thuận đang được thương thuyết về chương trình hạt nhân của Iran sẽ ‘dọn đường cho một quả bom hạt nhân’ thay vì ngăn chặn nó.
Trong bài diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay, ông Netanyahu mô tả Iran là ‘mối đe dọa đối với toàn thể thế giới’.
Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đã tiến gần đến thời hạn chót để đạt được một thỏa thuận khung là cuối tháng Ba.
Ông Netanyahu có bài diễn văn này chỉ hai tuần trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử được dự đoán là rất sít sao.
‘Chẳng thà không có thỏa thuận’
Ông nhấn mạnh rằng ông không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ.
Nhà Trắng đã chỉ trích việc ông Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ theo lời mời của Đảng Cộng hòa mà không hỏi qua Nhà Trắng. Ông Netanyahu bị cáo buộc là tìm cách gia tăng sự chống đối đối với thỏa thuận với Iran trong nội bộ nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với báo giới rằng ông ‘không thấy gì mới mẻ’ trong bài diễn văn của ông Netanyahu.
“Về vấn đề cốt lõi là làm sao ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, ngài thủ tướng không đưa ra được bất cứ giải pháp nào khác khả dĩ,” ông nói.
Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc, còn được gọi là nhóm P5+1, đang tìm kiếm một thỏa thuận để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy dỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Các nước này lo ngại rằng Iran có tham vọng chế tạo một quả bom hạt nhân, điều mà Iran bác bỏ. Nước này một mực nói rằng họ có quyền phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.
“Chúng tôi đã được nói rằng chẳng thà không có thỏa thuận nào hơn là một thỏa thuận tồi. Đây là một thỏa thuận tồi, rất tồi,” ông Netanyahu nói.
Các nghị sỹ Mỹ đã reo hò và cổ vũ khi ông Netanyahu tiến về bục phát biểu. Tuy nhiên một số thành viên Đảng Dân chủ, trong đó có phó Tổng thống Joe Biden, đã không đến nghe.
Bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, có lúc đã không vỗ tay trong suốt bài diễn văn của ông Netanyahu. Sau đó bà ra thông cáo nói rằng bài diễn văn của ông Netanyahu là ‘sự xúc phạm đến trí tuệ của nước Mỹ’.
‘Iran không đáng tin’
Thủ tướng Israel nhấn mạnh rằng mối quan hệ Mỹ-Israel ‘phải đứng trên chính trị’ và rằng ông ‘biết ơn sự ủng hộ của nhân dân Hoa Kỳ’.
Nhưng sau đó ông đã nhanh chóng đi vào nội dung chính và nói rằng Iran đã chứng tỏ nước này không đáng tin cậy hết lần này đến lần khác.
Theo ông, Iran đang đi trên con đường ‘chinh phục, chế ngự và khủng bố’.
“Chế độ Iran đang cực đoan hơn bao giờ hết. Ý thức hệ của họ bắt rễ sâu trong Hồi giáo chiến đấu. Đất nước này sẽ mãi luôn là kẻ thù của Hoa Kỳ,” ông nói.
“Việc Iran tham gia vào cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo chẳng thể khiến họ trở thành bạn,” ông nói thêm, “Kẻ thù của kẻ thù vẫn là kẻ thù.”
Ông Netanyahu đã chỉ trích những nét chính của thỏa thuận hiện đang được bàn thảo ở Thụy Sỹ, nơi Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã gặp người đồng cấp Hoa Kỳ John Kerry hôm 3/3.
Ông nói thỏa thuận này phụ thuộc rất nhiều vào việc giám sát của cộng đồng quốc tế trong khi Iran ‘đã chơi rất giỏi trò che đậy và lường gạt các thanh sát viên quốc tế’.
Ông nói thỏa thuận sẽ giúp cho Iran có được cơ sở hạ tầng hạt nhân rộng lớn và dỡ bỏ những giới hạn về chương trình hạt nhân của Iran trong một thập kỷ.
“Thỏa thuận này không ngăn chặn Iran chế tạo được bom mà là tạo điều kiện cho họ,” ông Netanyahu nói.
Lợi thế cho Netanyahu?
Từ Jerusalem, phóng viên BBC Kevin Connolly bình luận:
“Các đối thủ của ông Benjamin Netanyahu trong cuộc bầu cử sắp tới đối mặt với một tình huống khó khăn khi mà những tràng pháo tay dành cho bài diễn văn của ông ở Washington bắt đầu lắng xuống.
Họ có cảm giác rất bức bối khi nhìn thấy ông ấy bước lên vũ đài thế giới và xem ông ấy phát biểu qua truyền hình.
Về vấn đề cốt lõi là làm sao ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, ngài thủ tướng (Netanyahu) không đưa ra được bất cứ giải pháp nào khác khả dĩ.
Đó là những hình ảnh trên truyền hình mà anh không thể nào có được trong bất cứ cuộc vận động tranh cử nào khi mà các nghị sỹ Mỹ liên tục đứng lên dành cho ông Netanyahu những tràng pháo tay.
Tuy nhiên nếu họ lặp lại lời cảnh báo rằng ông Netanyahu đang gây nguy hại cho an ninh Israel với việc chọc tức Nhà Trắng thì họ có nguy cơ kéo dài một câu chuyện có lợi cho ông Netanyahu.
Nhiều người trong số họ, chẳng hạn như lãnh đạo đối lập Yitzhak Herzog, đều cảm thấy họ cũng cứng rắn với Iran như ông Netanyahu nhưng họ không có cơ hội bước lên vũ đài thế giới như ông.
Đảng Likud của ông Netanyahu đã bắt đầu hỏi các cử tri Israel rằng họ có thể nghĩ ra một chính khách Israel nào khác có thể có bài diễn văn như thế.
Phe đối lập bắt đầu nói về những vấn đề mà họ cảm thấy họ có ưu thế như giá cả sinh hoạt – họ hy vọng rằng hình ảnh ông Netanyahu được vỗ tay vang dội sẽ lu mờ khi đến ngày bầu cử trong hai tuần nữa.”