ANTA ANA, Calif. – “Ở trường La Quinta, có cô bé bị ung thư, mới qua Mỹ, nhưng thi SAT (Scholastic Assessment Test) đạt 2,390 điểm, gần như tuyệt đối, được nhận vào Đại Học Harvard.”

Lời truyền miệng quả thật gây tò mò, cho tất cả mọi người. Lân la dò tìm, cuối cùng, phóng viên Người Việt đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với Nam Mỹ Linh, cô bé làm nên kỳ tích đó.
Khác với những gì vẽ vời sẵn trong đầu về một “con mọt sách” có gương mặt “đăm đăm chiêu chiêu” hay một vẻ yếu ớt, nhăn nhó vì bệnh tật, Nam Mỹ Linh xuất hiện trước mặt người đối diện là một cô bé cao ráo, tóc xoăn dày, mang kính cận, cùng gương mặt rạng rỡ với nụ cười thật tươi.

228928-Nam-My-Linh-01-600

Nam Mỹ Linh, “Học với con như một niềm vui, chứ không phải là một áp lực điểm số.” 

Ung thư xương ở tuổi lên 10

Vừa đưa tay chỉ vào vết sẹo dài dọc theo chân phải, Linh vừa kể, “Con bị ung thư xương năm con 10 tuổi.”
“Thoạt đầu con cảm thấy đau, tưởng là đau cơ, đau khớp bình thường. Nhưng bôi dầu, dán thuốc mấy ngày không hết. Nó trở nên nhức nhiều hơn, nên mẹ mang con vô bệnh viện Chấn thương chỉnh hình ở Sài Gòn để chụp x-ray thì bác sĩ thấy có một bướu xương,” Linh nhớ lại.
Lời chẩn đoán “bị ung thư xương” được bác sĩ thông báo đến bố mẹ Linh, trong khi bản thân cô bé thì “không ai cho con biết, chỉ nói là viêm xương. Mà lúc đó con cũng còn nhỏ nên không biết ung thư là gì, cũng không thấy sợ, chỉ thấy đau và những lúc làm hóa trị thì con bị mệt và ói thôi.”
Nhận được “hung tin”, thoạt đầu gia đình muốn đưa Linh sang Mỹ vì “có dì, có chú bên này.”
Nhưng, như Linh nói, “xin visa đi chữa bệnh rất rắc rối mà bệnh để lâu quá thì không tốt nên mẹ con xin visa cho con qua Singapore cho dễ hơn, nhanh hơn.”
“Ba mẹ con phải bán nhà, không dám chi tiêu gì nhiều, dành dụm lấy tiền chữa bệnh cho con,” Linh kể.
Chữa trị liên tục trong sáu tháng, ngay từ khi được phát hiện, trải qua 8 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, từ mổ làm sinh thiết, mổ ghép xương, đến mổ chỉnh đốn lại ốc vít, mổ chỉnh cho các khớp xương nối nhau, và cuộc mổ gần đây nhất là ở UCLA để chỉnh lại xương vì bị lệch 30 độ… trong thời gian 8 năm, cùng 7 đợt hóa trị, “đến hôm nay, là 8 năm rồi, bệnh ung thư của con coi như đã hết. Bác sĩ nói sau 5 năm mà không thấy tế bào ung thư xuất hiện thì khả năng ung thư tái phát không có,” Mỹ Linh cười.
Vấn đề còn lại, theo Linh, “là những cái xương.”
Em giải thích, “Bác sĩ cắt những bướu xương ung thư ra và thay xương của người hiến tặng vô. Vì không phải là xương của mình nên nó khó lành. Cho nên hiện tại con đi lại bình thường nhưng bác sĩ nói không được chạy, hay chơi thể thao mạnh. Đi nhiều hay cử động mạnh thì sẽ đau.”
Tuy nhiên, như một sự bù trù, “trong cái rủi có điều may”, nhận thấy môi trường giáo dục ở Singapore tốt hơn, nên từ thời điểm đó, bố mẹ Mỹ Linh quyết định cho em và người anh trai hơn em một tuổi ở lại Singapore tiếp tục việc học hành, bên cạnh việc trị bệnh.
Em cho biết, “Năm đó con học lớp 5, mà chính sách bên Singapore khi đó cũng dễ, họ muốn thu hút nhiều người nước ngoài tới cho nên con và anh con được giấy của Sở Di Trú mời đến để nói rằng có thể xin làm thường trú nhân nên tụi con nộp hồ sơ và họ chấp thuận. Chính vì vậy mà con được học ở trường công, và không có đóng nhiều tiền như du học.”
Cho đến Tháng Năm, 2014, lúc đang học lớp 10, Mỹ Linh cùng mẹ và anh trai sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình, do người cậu bảo lãnh.
“Riêng ba con thì không thích đi vì ba lớn tuổi rồi, sợ qua phải bắt đầu từ đầu, nên mẹ con cũng đi đi về về, chỉ có hai anh em con ở đây với nhau,” Linh nói.

Đạt 2,390 điểm SAT sau 5 tháng tới Mỹ

Qua Mỹ vào Tháng Năm, ít lâu sau thì Linh ghi danh học luyện thi SAT ở UC Campus và thi ngay vào Tháng Mười, thi một lần duy nhất, và số điểm gần như tuyệt đối, 2,390/2,400.
Kết quả của Mỹ Linh khiến thầy cô và bạn bè ngỡ ngàng.
Tôi hỏi đùa, “Sao con không ráng thêm 10 điểm nữa cho tuyệt đối luôn?”
Linh cười tươi, “Con nghĩ 10 điểm nữa cũng không quan trọng, vì không ai có thể hoàn hảo được.”
Cô bé cho biết, “Con xem đó như là thành công đầu tiên của con khi đặt chân đến Mỹ. Thầy cô, bạn bè chúc mừng khiến con thấy vui, thấy mình có nhiều cơ hội được học nên ráng học.”
Vẫn giọng nói trong trẻo, hoạt bát, Linh tâm sự, “Con thích trường La Quinta, thầy cô giáo ở đó rất tốt. Hai năm con học ở đây, thầy cô giáo lúc nào cũng sẵn sàng để giúp đỡ con khi con cần biết thêm điều gì. Thầy cô sẵn sàng ở lại sau giờ dạy để trả lời hay giúp con những gì con cần. Thầy cô rất nhiệt huyết để dạy học sinh. Bạn bè ở La Quinta cũng rất chăm học, nên đó cũng là tấm gương để mình cố gắng học nhiều hơn vì nhìn thấy bạn bè học thì mình cũng phải lo học.”
Với điểm trung bình là 4.48, Nam Mỹ Linh cho rằng, “Học với con như một niềm vui, chứ không phải là một áp lực điểm số. Con thấy mình vui mình học thì tự dưng điểm A nó tới chứ không phải mục đích con học vì điểm A.”
Linh giải bày, “Mỗi khi học được điều gì mới con thấy rất vui, ví dụ như khi học lịch sử Hoa Kỳ, con đọc thêm sách để biết đất nước này được tạo dựng như thế nào, khởi sự ra sao… Tất cả đều như mở mang cho mình một kho tri thức mới, và con thích điều đó. Giống như con đọc lịch sử, không thấy giống như mình bị ép phải học thuộc lòng, mà con đọc và nghe như nghe một câu chuyện, như chuyện Bạch Tuyết hay Lọ Lem, nên con thấy rất thú vị.”
Nói về kinh nghiệm học tập, Linh cho rằng, “Trong lớp con tập trung nghe thầy cô giảng nhiều hơn, để tiếp thu nhiều hơn, vì vậy con cũng tiết kiệm được thời gian tự học hơn. Mỗi ngày, sau khi ở trường về, con làm ‘homework’ chừng 1-2 tiếng là xong hết rồi.”
Với nữ sinh 18 tuổi này, việc thức khuya mỗi ngày, nếu có, “cũng là chỉ để chơi, nói chuyện với bạn, coi TV hay coi phim thôi chứ không phải vì thức học bài. Nhưng chủ yếu thức khuya là để đọc sách. Con thích đọc sách, mỗi khi muốn tìm hiểu về đề tài gì thì con mượn sách về đọc.”
Cô bé có đời sống khá độc lập này cho biết, “Ba mẹ cũng muốn con học giỏi nhưng chưa bao giờ bắt con phải học, hay xem kết quả điểm của con. Mẹ chỉ nói con được cơ hội học mà nhiều người không có, như mẹ không có cơ hội lên cao, vì bà ngoại mất sớm, ba thì không học đến trung học. Mẹ chỉ nhắc khi con tự mình bồi bổ kiến thức mình muốn chứ không phải coi việc học như máy, như bị ép buộc. Con hiểu điều mẹ nói nên được cơ hội là con cố gắng học tới luôn, ngay từ nhỏ đã như vậy.”
Ngoài việc học ở trường, Linh còn học tiếng Spanish và học đàn piano. “Con thích học ngôn ngữ mới. Học đàn với con cũng là ngôn ngữ mới, thay vì mình nói bằng lời thì mình dùng nốt nhạc ghép lại thành một câu chuyện.”

Học đàn cũng là ngôn ngữ mới, thay vì mình nói bằng lời thì mình dùng nối nhạc ghép lại thành một câu chuyện.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chọn Harvard và ước mơ thành bác sĩ

Đến giờ phút này, Nam Mỹ Linh đã quyết định chọn trường đại học danh tiếng Harvard làm nơi đeo đuổi trong 4 năm đại học sắp tới với một học bổng toàn phần, bao gồm chi phí học hành lẫn ăn ở.
Tuy nhiên, Linh kể, “Lúc đầu, con nộp đơn vào rất nhiều trường vì muốn chắc ăn hơn là mạo hiểm. Con nộp hết các trường UC, ngoại trừ Santa Barbara và Santa Cruz. Con nộp luôn các trường Ivy League, ngoại trừ trường Cornell. Con nộp vào Williams College và MIT nữa.” (Ivy League là hệ thống 8 trường đại học ở miền Đông Bắc, được xem như đứng đầu Hoa Kỳ, bao gồm Brown, Columbia, Cornell, Dartmouth, Harvard, Princeton, Pennsylvania và Yale – NV)
Có bao nhiêu trường chấp nhận đơn của Nam Mỹ Linh?
“Tất cả các trường UC đều nhận con, còn Ivy League thì có Harvard, Princeton, Dartmouth nhận. MIT và Williams College cũng nhận luôn,” Linh khoe.
Cuối cùng, Mỹ Linh chọn học Harvard vì “con thích thành phố Boston.”
Linh giải thích thêm lý do chọn Harvard, “Mới 2 tuần trước con bay đi thăm trường Harvard vì trường mời, cho tiền vé máy bay và cho ở ký túc xá. Buổi tối ở Boston rất nhộn nhịp, phương tiện công cộng nhiều, chỉ cần đi xe điện hay xe bus là đến được những nơi mình muốn đến. Boston gợi cho con nhớ lại Singapore, dù thành phố Singapore nhỏ hơn, nhưng phương tiện công cộng rất nhiều. Bạn bè ở Harvard cũng có vẻ thân thiện hơn.”
Chuyến đi đó, ngoài Harvard, Linh còn thăm cả trường MIT, Dartmouth, Williams College.
Ngoài học bổng toàn phần tại Harvard, Linh còn nhận được học bổng Bill Gates, tài trợ những khoảng cho phí mà trường đại học không cung cấp, như chi phí mua thêm sách vở, đi lại, tiêu xài…
Cô bé có mái tóc xoăn chọn học Harvard với ước mơ “trở thành bác sĩ”, dĩ nhiên là “bác sĩ trị ung thư.”
Linh nói một cách nghiêm túc, “Khi con được chữa bệnh ung thư ở Singapore thì con biết có nhiều người ở Việt Nam chữa trị ung thư khi muộn quá nên không hết bệnh. Con thấy điều đó rất đáng buồn. Con biết có một chị cũng từ Việt Nam qua Singapore chữa bệnh, chỉ có khác con là thay vì lúc phát bệnh là đi thẳng qua Singapore chữa liền, thì chị ở Việt Nam chữa đến 3 tháng sau mới qua. Lúc đó coi như quá muộn, chị bị cưa cái chân. Con thấy đó là điều rất đáng buồn, vì trình độ y khoa ở Việt Nam chưa được tiên tiến.”
“Cho nên nếu được học để trở thành bác sĩ chữa ung thư, có cơ hội con sẽ trở về giúp cho những người Việt Nam,” Linh nói chắc nịch.

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: