Erik Prince, nhà sáng lập tổ chức đánh thuê khét tiếng Blackwater, đang bị Mỹ điều tra vì tội rửa tiền và môi giới dịch vụ quân sự.

linh-danh-thue-d_OMVSErik Prince (trái) và một lãnh đạo FSG tại Hồng Kông – Ảnh: HKEJ

Dựa trên các cuộc phỏng vấn gần 10 đối tác và những người quen biết của Erik Prince, tạp chí The Intercept mới đây công bố báo cáo điều tra phanh phui các cáo buộc nhằm vào nhân vật từng làm mưa làm gió tại những quốc gia Trung Đông vốn oằn mình vì nội chiến.
Thay hình đổi dạng
Từng là một cựu lính đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ, Erik Prince là một khuôn mặt khét tiếng trong giới đánh thuê toàn cầu. Từ năm 1997 – 2010, Công ty an ninh tư nhân Blackwater dưới quyền lãnh đạo của Erik Prince đã giành được các gói thầu vô cùng béo bở khi cung cấp dịch vụ bảo vệ an ninh cho chính phủ Mỹ trị giá 2 tỉ USD ở Afghanistan và Iraq.
Trong đó, kể từ năm 2001 – 2010, CIA đã ký kết các hợp đồng bảo mật với giá trị lên đến 600 triệu USD cho Blackwater. Đây cũng là gói thầu lớn nhất trong 3 nhà thầu an ninh tư nhân được Bộ Ngoại giao Mỹ thuê lại nhằm cung cấp lực lượng bảo vệ cho các sứ quán và căn cứ Mỹ ở nước ngoài.
Tháng 9.2007, một đoàn xe chở lính Blackwater đã giết chết 17 dân thường Iraq và làm bị thương nặng 20 người. Sau quá trình xét xử, tòa án Mỹ kết án 3 nhân viên của hãng về tội ngộ sát và giết người.
Khi Tổng thống Barack Obama chính thức vào Nhà Trắng năm 2008, dư luận vẫn tiếp tục chỉ trích các hành vi man rợ và bất cẩn của các tay lính đánh thuê Blackwater. Vì thế, năm 2010, ông Prince bắt đầu bán tháo “đế quốc đánh thuê” này.
Những tưởng Prince sẽ giải nghệ từ đó, nhưng điều tra mới nhất của tờ The Intercept cho thấy ông ta không những không chịu “giã từ vũ khí” mà còn lao đầu vào những dự án tầm cỡ hơn.
Cụ thể, dựa trên khoản tiền thu được từ việc bán Blackwater, Prince tiếp tục đầu tư vào các dịch vụ lính đánh thuê gây tranh cãi, bao gồm các chiến dịch ở Somalia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Bất chấp vết nhơ từ Blackwater, Prince vẫn tuyển mộ được các cựu quan chức và sĩ quan giỏi từng phục vụ trong quân đội và tình báo Mỹ tham gia Công ty Frontier Services Group (FSG) do ông ta thành lập.
Với vỏ bọc bề ngoài cung cấp các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng không kết nối với châu Phi, FSG còn đảm nhiệm các sứ mệnh sơ tán có độ nguy hiểm cao tại những điểm nóng xung đột. Bản thân Prince tự mô tả mình là người cổ súy cho “hòa bình và phát triển kinh tế”.
Tuy nhiên, The Intercept dẫn các tài liệu và nguồn tin giấu tên cho hay, ẩn dưới lớp vỏ bọc phục vụ cho hòa bình của FSG, Prince đang bí mật xây dựng lại một tổ chức kiểu CIA và chuyên thực hiện các chiến dịch đặc biệt.
Kinh doanh chiến tranh
Kể từ năm 2014, Prince đã đến hơn 6 nước để chào bán các phiên bản khác nhau của một lực lượng quân đội tư nhân, bí mật gặp gỡ nhiều quan chức châu Phi. Một trong số những quốc gia đã được Prince vạch kế hoạch triển khai lực lượng bán quân sự chính là Libya.
Cụ thể, chiến dịch tại Libya có mật danh Lima, với mục tiêu cung cấp một loạt các thiết bị và dịch vụ quân sự cho chính quyền tại đây. Các phương tiện được cung cấp dưới danh nghĩa FSG là trực thăng, tàu bè, máy bay trinh sát và được thiết kế để hỗ trợ công tác ổn định lại tình hình ở phía bắc Libya.
Một nguồn thạo tin cho biết kế hoạch này còn tuyển mộ các cựu biệt kích thuộc lực lượng đặc biệt của quân đội Úc. Tuy nhiên, Prince không tìm được người môi giới thích hợp để chào bán những kế hoạch đó.
Đến tháng 5.2015, dù không có sự đồng ý của Hội đồng quản trị FSG, Prince đã quay lại Libya với bản kế hoạch Lima được điều chỉnh. Thay vì là một lực lượng trấn áp phong trào nổi dậy, đội ngũ và trang thiết bị do ông ta cung cấp sẽ đóng vai trò củng cố an ninh biên giới. Các đoàn xe, tàu bè, máy bay trinh sát có vũ trang được dùng để ngăn chặn làn sóng di dân từ ngõ Libya sang châu Âu.
Ông Prince nói với các đồng nghiệp rằng mình đã nhận được sự ủng hộ của một quan chức cấp cao thuộc chính quyền Libya. Tuy nhiên, Prince còn phải có được sự hậu thuẫn của châu Âu nhằm gỡ bỏ lệnh phong tỏa tài sản của chính phủ Libya để có tiền trả cho chiến dịch của ông ta.
Với sự quan ngại của châu Âu trước làn sóng nhập cư chảy từ Libya, Prince tự tin sẽ có được sự ủng hộ từ lục địa già. Ông đã giới thiệu kế hoạch trên tại Ý nhưng chỉ nhận được phản ứng lãnh đạm từ các quan chức châu Âu. Nỗ lực vận động tại Đức sau đó cũng không thành.
Một ví dụ khác cho thấy tham vọng của Prince nhằm thành lập đội quân tư nhân để chống các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan tại châu Phi là tại Nigeria. Năm 2014, Prince đến Nigeria và có cuộc gặp riêng với tổng thống lúc đó là Goodluck Jonathan, chào bán kế hoạch trị giá 1,5 tỉ USD để quét sạch tổ chức Boko Haram, theo tờ The Intercept dẫn lời một nguồn thạo tin.
Tuy nhiên, Nigeria sau đó đã thuê Eeben Barlow, huyền thoại lính đánh thuê Nam Phi và là đối thủ một mất một còn của Prince, để triển khai chiến dịch kéo dài 3 tháng chống Boko Haram.
Trong lúc Prince vẫn ráo riết xúc tiến kế hoạch xây dựng quân đội tư nhân thì các cơ quan liên bang Mỹ cũng đã đánh hơi được những hoạt động phạm pháp của ông ta và theo dõi nhất cử nhất động của trùm đánh thuê này.
Theo The Intercept, ông Prince đang đối mặt với cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan liên bang khác về những cáo buộc như rửa tiền, chào bán dịch vụ quân sự tại Libya và các nước châu Phi.
Qua mặt công ty
Theo The Intercept, khi cấp lãnh đạo của FSG biết được về những kế hoạch bí mật của Prince, một số đồng nghiệp đã cáo buộc ông ta lợi dụng vị trí chủ tịch để cung cấp các dịch vụ đánh thuê cho các chính phủ nước ngoài, dù hãng chưa được phép làm điều đó.
Giám đốc điều hành Gregg Smith, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, đã cực lực bác bỏ bất cứ liên quan nào của công ty với những chiến dịch tại Libya nếu có.
Một trong các đồng sự gần gũi với Prince mô tả rằng: “Ông ta là một kẻ nổi loạn. Erik muốn trở thành lính đánh thuê thực sự. Ông ấy vượt rào và đẩy nhiều công dân Mỹ đến nguy cơ trở thành tội phạm”.
Hội đồng quản trị FSG ngày càng trở nên lo lắng về vị chủ tịch và đã bỏ phiếu thông qua một loạt các quyết định nhằm hạn chế quyền lực của ông này. FSG cũng cắt hợp đồng với hai cộng sự trung thành nhất của Prince vì nghi ngờ những người này nhúng tay hỗ trợ các chiến dịch phi pháp của vị chủ tịch.
Thụy Miên

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.