Bill Gates, Steve Jobs, và Mark Zuckerberg là những cái tên mà bất cứ ai muốn tiến lên từ người sinh viên bỏ học giữa chừng để tự tạo hướng đi tới tương lai vĩ đại cho riêng mình, vẫn thường nhắc tới như tấm gương noi theo.

209830-BillGates-400

Tỷ phú Bill Gates, sáng lập viên của công ty Microsoft phát biểu trong một
chương trình truyền hình Pháp hôm 25 Tháng Sáu, 2015.(Hình: Bertrand
Guay/AFP/Getty Images)

Hiện nay đang có nhiều người trẻ giỏi giang đang theo chân ba nhân vật này, từ bỏ con đường bằng cấp để có một cơ hội thành công lớn qua việc dồn tất cả nỗ lực cho một công ty trong lãnh vực mới nào đó, theo tờ Wall Street Journal (WSJ).

Đây là một chiều hướng được một số người hoan nghênh, vì coi là sự thay đổi của quan niệm phải có bằng cấp đại học mới có thể thành công – một điều đang khiến nhiều người suy nghĩ hơn do sự gia tăng học phí cũng như nợ tiền học.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người khác đưa ra cảnh báo về những gì có thể dễ vấp ngã trong việc chọn con đường doanh nghiệp (entrepreneurship) thay vì đầu tư thời gian vào học vấn đại học, mà kết quả nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy có thể gia tăng mức độ thành công trong doanh nghiệp và kiếm được nhiều tiền hơn. Một số người so sánh điều này cũng không khác gì muốn trở thành một thể tháo gia chuyên nghiệp: chỉ có một thiểu số rất nhỏ thật sự thành công.

Nhưng xác suất thành công ngày nay có cao hơn trước và cũng có lối suy nghĩ mới về các sinh viên giỏi giang trong lãnh vực kỹ thuật nhưng quyết định bỏ ngang.

“Chẳng bao lâu trước đây, việc nghỉ học giữa chừng để thành lập một công ty được coi là điều có nhiều rủi ro,” theo WSJ.

“Đối với những người trong thế hệ này, đó là một huy chương của lòng can đảm, một chứng cớ cho thấy có tham vọng và chú tâm vào việc mình làm.”

Thật ra cũng dễ dàng để nhận ra điều này. Kỹ thuật và Internet đã tạo sự dễ dàng hơn bao giờ hết cho những người tự học, cũng như thông tin liên lạc với những người có tài năng, chuyên tâm và lòng nhiệt thành trong sự tìm hiểu, khám phá, và nhất là được khuyến khích bởi tấm gương của những người đi trước như Gates, Jobs và Zuckerberg hay Jack Dorsey và Evan Williams, hai người đồng sáng lập Twitter; Jan Koum, người tạo ra WhatsApp; David Karp với Tumblr; và hàng chục người khác.

“Khi các khí cụ tuyệt hảo về trí tuệ và học hỏi này được cả thế giới tiếp cận thì học vấn theo phương cách truyền thống ngày càng trở nên ít quan trọng hơn,” theo lời người đồng sáng lập Napster, Sean Parker, nói với tạp chí tài chánh Forbes.

Ngay từ ba năm trước đây, đã có sự thay đổi lớn lao của thành phần người trẻ tuổi vào đại học, khi họ quyết định từ bỏ giáo dục đại học,” theo tờ New York Times.

“Họ coi mình là những người tiên phong, quyết tâm thay đổi quan niệm của xã hội về những người bỏ ngang đại học, từ bị coi là một thất bại cá nhân sang một sự lựa chọn có ý nghĩa, ít ra là đối với những người sẵn sàng chấp nhận rủi may,” cũng theo tờ New York Times.

Và sự giúp đỡ của các nhà tỷ phú từng là sinh viên bỏ ngang cũng giúp cho phong trào này.

Nhà kinh doanh Peter Thiel giúp trợ cấp hai năm cho một số người trẻ sẵn sàng bỏ học để theo đuổi những ý tưởng đầy tham vọng, theo tờ Wall Street Journal.

Một trong những người trẻ này là Ari Weinstein, người bỏ học trường Massachusetts Institute of Technology (MIT) ngay năm đầu tiên để nhận sự tài trợ $100,000 từ ông Thiel hầu có thể biến ý tưởng của anh ta thành hiện thực.

Weinstein, 20 tuổi, người lập website đầu tiên của mình khi mới 7 tuổi, nay sống ở San Francisco cùng với một số các bạn đồng lứa, cũng bỏ ngang đại học như mình, và làm việc cật lực hầu đạt được giấc mơ kỹ thuật của mình.

Có khoảng 2/3 trong số 43 người đầu tiên được Thiel tài trợ đang làm việc cho các công ty mới thành lập khác hay các kế hoạch mới, trong khi năm người vào làm việc cho các công ty kỹ thuật lớn. Số 12 người còn lại quay trở về trường học tiếp.

“Tôi không nghĩ rằng đại học luôn là điều dở, nhưng xã hội chúng ta có vẻ nghĩ rằng đại học luôn luôn là điều tốt, cho mọi người, với bất cứ phí tổn nào,” ông Thiel nói với tờ WSJ. “Đó là điều mà chúng ta phải đặt câu hỏi.”

Những người không đồng ý với việc bỏ học nói rằng con đường từ sinh viên bỏ ngang để thành nhà triệu phú không phải là giải pháp cho mọi người, và đối với đa số các người trẻ này việc ở lại trường để học cho xong là giải pháp tốt nhất.

“Những người đạt thành công mà không cần có bằng đại học thường là những người đã phát triển được những khả năng cao từ trước khi họ vào đại học,” theo lời viện trưởng đại học University of Chicago, ông Robert J. Zimmer, viết trên tờ The Atlantic.

“Họ biết cách tự huấn luyện mình, biết cách vay nợ ngân hàng, cũng như điều hành thời giờ và tiền bạc của họ. Họ có các mối quan hệ có thể giúp đỡ, dẫn đường cho họ trong các lãnh vực và là sự hỗ trợ tinh thần cần thiết,” ông nói thêm.

Và đối với đại đa số những sinh viên trẻ thì đây là những điều họ không có, đặc biệt là đối với những người đến từ các gia đình không khá giả, và việc nghỉ học là điều rất không nên. Và thật ra, đối với những người ở trong các gia đình nghèo, việc hoàn tất đại học sẽ là điều giúp đỡ cho họ nhiều nhất, theo một cuộc nghiên cứu do đại học UCLA thực hiện năm 2010.

Một cuộc nghiên cứu khác, thực hiện năm 2008, trong 500 công ty mới thành lập khắp Hoa Kỳ, có tới hơn 90% người sáng lập có bằng cử nhân. Và các công ty do những người tốt nghiệp đại học thành lập thường kiếm được nhiều tiền hơn và mướn nhiều người hơn là các công ty do những người chỉ có bằng trung học lập ra.

 

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: