Mỹ phẩm Shiseido là hàng được ưa chuộng tại Việt Nam.
Gần phân nửa các vụ ăn cắp hàng hóa tại Nhật dính líu người Việt và cảnh sát ra trát bắt một tiếp viên Vietnam Airlines, một báo có uy tín tại nước này đưa tin.
Báo Sankei của Nhật Bản vào ngày 27/02/2014 đưa hai bài về thực trạng ăn cắp đồ và chuyển về Việt Nam để tiêu thụ.
Bấm Bài báo đầu tiên cho biết Cục Chống tội Phạm Có Tổ chức thuộc Sở Cảnh sát Tokyo đã ra trát bắt một nữ tiếp viên hàng không của Hãng hàng Không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vì nghi ngờ vận chuyển hàng trộm cắp từ một phụ nữ người Việt khác khoảng 30 tuổi.
Tuy nhiên cảnh sát nói nữ tiếp viên này đã không còn ở Nhật và quá trình điều tra cho thấy tiếp viên này biết đây là hàng trộm cắp và họ tin rằng có nhiều hơn một tiếp viên dính líu.
Vào ngày 03/03/2014, Người phát ngôn Vietnam Airlines nói với BBC rằng Vietnam Airlines chưa nhận được thông báo gì của cảnh sát Nhật về việc này.
Vào tháng 12 năm 2013, một nhóm bốn thanh niên người Việt khoảng 20 tuổi đã ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo và hàng chôm được đã được gửi tới nhà của người phụ nữ khoảng 30 tuổi kể trên qua đường bưu điện.
Người phụ nữ này và bốn thanh niên hiện đã bị bắt giữ.
“Một lượng lớn hàng ăn cắp đã được các tiếp viên chuyển một cách có tổ chức để bán tại Việt Nam”
Cảnh sát Tokyo
Báo này mô tả kiểu ăn trộm đồ, đa số là hàng mỹ phẩm Shiseido và quần áo hiệu Uniqlo, là đưa nhiều hàng vào vali trong thời gian rất ngắn rồi bỏ chạy. Quá trình điều tra cho thấy người phụ nữ tầm 30 tuổi này chỉ dẫn cụ thể cho nhóm ăn trộm mặt hàng nào để chôm.
Sau đó người phụ nữ này đã chuyển hàng bằng thùng các tông qua đường bưu điện đến một khách sạn gần sân bay Narita nơi phi hành đoàn ở và nữ tiếp viên Vietnam Airlines đã chuyển đồ từ thùng sang vali.
Cảnh sát cho biết hàng trộm cắp bị phát hiện vẫn còn nguyên nhãn của siêu thị bày bán và lập luận rằng nữ tiếp viên hẳn phải biết đây là hàng ăn cắp.
Cảnh sát cho biết quá trình khâu kiểm tra hải quan nặng về an ninh để theo dõi súng lục và ma túy chứ không nhắm vào quần áo mỹ phẩm nên các tiếp viên đã lợi dụng điểm yếu này để tuồn hàng về nước.
Cảnh sát Tokyo tin rằng một lượng lớn hàng ăn cắp đã được các tiếp viên chuyển một cách có tổ chức để bán tại Việt Nam.
‘Thu nhập thêm’
Trong Bấm một bài khác được đăng cùng ngày, báo Sankei cho biết đồ mỹ phẩm Nhật được bán tại khu vực gần trụ sở chính của Vietnam Airlines ở Hà Nội với giá thấp hơn giá tại Nhật và thậm chí nhãn ghi giá bằng tiền yên của Nhật vẫn gắn ở sản phẩm bán tại đây.
Bài báo kể lại vụ một Cơ phó của Vietnam Airlines trước đây từng bị kết án cũng vì dính líu vào việc vận chuyển hàng phi pháp.
Trong phiên xử cách đây 5 năm, Cơ phó này được báo Sankei dẫn lời nói “Ở Vietnam Airlines lương rất thấp và việc phi hành đoàn chuyển hàng trộm cắp để có thu nhập thêm là chuyện thường xảy ra.”
Cơ phó này nói tại tòa rằng “Có khả năng đồng nghiệp của ông dính vào đường dây tuồn hàng lậu về nước.”
Bài báo nhận định nếu giới chức Cảnh sát Tokyo nếu không ngưng được hoạt động thông đồng của nhân viên hàng không và vai trò của bên trung gian thì nạn trộm cắp như vậy sẽ chỉ gia tăng mạnh hơn mà thôi.
Hàng hóa Nhật, đặc biệt là mỹ phẩm, được ưa chuộng tại Việt Nam. Nhật xuất khẩu chính thức sang Việt Nam lượng mỹ phẩm tăng 5 lần so với cách đây 10 năm. Giới chức cảnh sát tin rằng đồ chôm được là món lời béo bở cho kẻ cắp.
Một người muốn ẩn danh từ Hà Nội nói với BBC bấy lâu nay nhu cầu mua hàng Nhật với giá rẻ rất cao và rằng việc chuyển hàng về nước, kể cả hợp pháp lẫn phi pháp, là mảng được mô tả là “siêu lợi nhuận”.
“Vietnam Airlines yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ”
Lê Trường Giang, Người phát ngôn Vietnam Airlines
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật nói số các vụ chôm đồ bị bắt liên quan tới người Việt tăng mạnh tại Nhật, từ 247 vụ năm 1998 lên 999 vụ năm 2012.
Riêng sáu tháng đầu năm 2013 đã có 401 vụ liên quan tới người Việt, chiếm 40% tổng số vụ chôm đồ liên quan tới người nước ngoài nói chung, theo báo Sankei.
Ông Lê Trường Giang được báo Bấm Người Lao Động ngày 28/02 dẫn lời mô tả điều ông gọi là “cho tới nay không có thành viên phi hành đoàn nào của Vietnam Airlines bị tạm giữ để điều tra vụ án mà báo chí Nhật đưa tin’’
“Vietnam Airlines cũng chưa nhận được bất cứ yêu cầu hợp tác điều tra chính thức nào từ cơ quan chức năng Nhật Bản về vụ việc này”,
“Cảnh sát Nhật Bản có thể làm việc trực tiếp với văn phòng Vietnam Airlines ở Nhật Bản hoặc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam hay Interpol”, ông Giang nói thêm.
Ông Giang cũng dẫn chiếu tới vụ Bấm Cơ phó Đặng Xuân Hợp từng bị “tạm giữ để điều tra” nhưng mô tả rằng “Ông Hợp đã được đặc cách điều tra và trả tự do và đã được bay trở lại.”
Người phát ngôn Vietnam Airlines được dẫn lời nói rằng “Trong quy chế nội bộ, đoàn bay và đoàn tiếp viên Vietnam Airlines yêu cầu 100% phi công, tiếp viên phải ký cam kết không buôn lậu và không tiếp tay cho buôn lậu trong khi làm nhiệm vụ. Nếu vi phạm, trách nhiệm thuộc về cá nhân và bị xử lý nghiêm theo quy định của Bộ Luật Lao động.”
Mới đây báo Dân Trí có bài với tựa ‘Bấm Tại sao ở Nhật dễ…ăn cắp‘.
Bài báo của tác giả Anh Đào từ Tokyo có đoạn nói “số liệu báo chí lấy của cảnh sát nói năm 2013, có gần 3.200 người nước ngoài bị bắt vì phạm tội tại Nhật, tăng 133% so với năm trước đó, trong đó đa phần là ăn cắp vặt và móc túi.
“Có báo đưa, rất nhiều trong số này là người nhà mình. Thật buồn!”.