Việt Nam xếp áp chót trong bảng xếp hạng các “quốc gia tử tế”. Ảnh: VietNamNet |
Tháng 6 năm 2014, nhà cố vấn chính sách độc lập Simon Anholt công bảng xếp hạng “Good Country Index” (Chỉ số quốc gia tử tế), Việt Nam đứng áp chót bảng xếp hạng 124/125 nước được điều tra (chỉ trên mỗi quốc gia đang chìm trong nội chiến là Lybia).
Đây là chỉ số xếp hạng mức đóng góp của các quốc gia cho thế giới. Và như vậy, Việt Nam chúng ta là một trong những quốc gia có đóng góp tối thiểu cho phồn vinh nhân loại.
Tất nhiên sẽ có những người “phản pháo” Simon Anholt! Người Việt Nam có thể đổ lỗi rằng cơ chế, môi trường khiến chúng ta không thể phát huy hết năng lực của mình. Sẽ biện bạch rằng ở những nước phát triển, người Việt Nam thực sự không kém ai.
Người Việt thành danh tại nước ngoài, tiêu biểu có Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, GS.TS.Hùng Nguyễn (Đại học Sydney ở Australiavới phát minh xe lăn điều khiển thông qua ý nghĩ của con người), Bác sĩ Phạm Hoàng Tánh (Dr. Randal Pham – Chủ tịch Hội Y Bác sĩ Hoa Kỳ đã phát minh ra phương pháp mới giúp những người có bệnh về mắt không phải đeo kính)…
Về chính trị có Philipp Rösler – một người đã từng làm tới Phó thủ tướng của Cộng Hòa Liên Bang Đức… Còn rất nhiều người thành đạt mà do hiểu biết hạn hẹp của mình tôi không biết tên nữa.
Và du học sinh Việt Nam, sinh viên gốc Việt theo học tại Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, hay Tây Âu rất xuất sắc. Nhưng đấy là ta nói sự thành công vượt bậc của người Việt Nam và so sánh với chính người Việt Nam trong nước.
Vậy còn cộng đồng người Do Thái, Ấn kiều, người Hoa kiều, Myanmar… thì sao?
Cũng trong bảng xếp hạng “quốc gia tử tế”, Simon Anholt xát muối thêm: “Đáng nói là, các chỉ số như số lượng sinh viên học tập tại nước ngoài, số bài báo quốc tế, số xuất bản phẩm quốc tế, số bằng sáng chế của Việt Nam theo bảng xếp hạng này đều ở mức thấp hơn so với trung bình chung của thế giới”.
Và nhìn về lịch sử – nhìn về văn minh, văn hiến hay sức phát triển quốc gia, ta sẽ thấy người Việt Nam hôm nay còn rất nhiều tồn đọng cần vượt qua.
Hãy cứ so sánh Việt Nam trong không gian Á Đông để định vị lại chính mình.
Chữ viết là một trong những thước đo quan trọng của nền văn minh. Trong cuốn “Nguồn gốc gia đình và chế độ tư hữu”, Friedrich Engels cho rằng chữ viết có vần và việc sử dụng chữ để ghi lời văn là bước chuyển qua thời đại văn minh.
Cha ông ta đã vật lộn với Hán tự rồi tạo ra chữ Nôm theo cách phức tạp hóa một thứ chữ vốn rất phức tạp. Chữ Nôm không thành công bất chấp việc những nhà trí thức khoa bảng, những vị minh quân Việt Nam bỏ công theo đuổi hàng trăm năm.
Nhưng ngót 600 năm trước, tại vương quốc Joseon (Triều Tiên), Sejong đại đế nhận ra chữ Hán rất khó học, không thể phổ cập cho bình dân, ông quyết tâm làm ra chữ viết riêng cho vương quốc của mình.
Vượt qua rất nhiều thử thách, cùng các bề tôi tin cẩn, Sejong đại đế đã sáng tạo ra Hangul với bảng chữ cái, nguyên âm và phụ âm. Đó là chữ viết của Hàn Quốc và Triều Tiên hôm nay.
Với Nhật Bản thì sao?
Trong lịch sử Nhật Bản có một giai đoạn mà đặc biệt đáng chú ý. Đó là việc Mạc phủ (tướng quân) nhà Tokugawa thực hiện chế độ Châu Ấn Thuyền (Shuinsen).
Những thuyền buôn Nhật Bản được cấp giấy thông hành (Châu Ấn Trạng) tỏa ra buôn bán khắp Nam Dương (vùng Đông Nam Á theo cách gọi của Nhật Bản).
Tại Việt Nam, những đoàn thuyền buôn Nhật Bản đã góp phần làm nên phố Nhật ở Hội An.
Người Việt Nam không sáng tạo ra chữ viết của mình (hoặc đến giờ chúng ta chưa tìm được những bằng chứng rõ ràng về chữ viết của người Việt cổ), cũng không buôn bán đường biển lừng lẫy như Nhật Bản.
So với Chiêm Thành, với Khmer, các công trình kiến trúc còn đến ngày nay đủ chứng minh các vương quốc này không hề thua kém Việt Nam về trình độ văn minh.
Người Khmer từng có một đế quốc rộng cả triệu km2 trước khi những sức mạnh của người Thái (vương quốc Xiêm – Siam) lan tràn trên bán đảo Indochina. Chiêm Thành đã từng là quốc gia mạnh về buôn bán đường biển.
Và hẳn nhiều người trong chúng ta cũng biết đến Đế quốc Majapahit với nền văn hóa rực rỡ ảnh hưởng đến quần đảo Mã Lai, góp phần quan trọng làm nên Indonesia ngày nay.
Không chỉ là lịch sử mà hiện tại, tương lai đang thách thức người Việt Nam.
30 năm Đổi mới, GDP bình quân đầu người của nước ta tăng từ 86USD/năm/người lên 2.300 USD; từ năm 1989 đến cuối 2015 quy mô kinh tế tăng 32 lần (từ 6,3 tỷ USD lên 204 tỷ USD). Đó là một thành tựu lớn, nhưng đấy là ta tự hào với chính ta.
Sau 30 năm, nhiều quốc gia trong khu vực đã công nghiệp hóa thành công, còn Việt Nam mục tiêu “đến năm 2020, cơ bản thành một nước Công nghiệp” vẫn trở nên xa vời.
Năm 1990, khoảng cách về GDP bình quân đầu người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD, đến nay đã là 8.000 USD.
Nhìn lại mình một cách chân thực là việc đầu tiên cần phải làm để tiến trình “Hóa rồng”, “hóa Cọp” có thể khởi động thành công. Tự huyễn hoặc, chúng ta sẽ sa lầy trong những cái bẫy tự tạo ngay dưới chân mình.