Bà là một trong những nhân vật chính trị có mặt khắp nơi ở nước Mỹ nhưng có lẽ nhiều người Mỹ chưa bao giờ nghe về bà. 

rosa-rios_ORTTBà Rios

Tên bà xuất hiện trong những giao dịch hằng ngày, từ mua bánh mì, cà phê đến thanh toán hóa đơn nhà hàng. Nhưng chỉ những ai chịu khó soi xét tờ đô la Mỹ mà họ đang cầm trên tay mới biết Rosa Gumataotao Rios là ai.
Theo dòng lịch sử
Tuần vừa qua, Cơ quan Khắc dấu và in ấn (BEP) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, thường được dân Mỹ gọi nôm na là sở in tiền, theo thông lệ từ năm 2000 đã ra mắt bộ sưu tập tiền mừng tuổi cho năm mới sắp tới. BEP cùng với Sở Đúc tiền Mỹ (US Mint) là hai cơ quan trực thuộc sự giám sát của bà Rosa Rios. Với gần 4.000 nhân viên dưới trướng, bà còn là người tư vấn cho Bộ trưởng Tài chính Jack Lew về những vấn đề như phát triển cộng đồng và chính sách chống tiền giả. Kể từ tháng 8.2009 khi bà chính thức trở thành Treasurer thứ 43 của nước Mỹ theo sự chỉ định của Tổng thống Barack Obama, chữ ký của bà đã vinh dự được in trên những tờ đô la với tổng giá trị 700 tỉ USD, chiếm khoảng một nửa số tiền giấy đang được lưu hành. Đó là một vinh dự khi bà “sánh tên” cùng với Bộ trưởng Tài chính, trước là Timothy Geithner và sau là Jack Lew (từ năm 2013).
“Chữ ký của tôi hiện diện khắp thế giới. Đó là một cảm giác tự hào về công việc và về cá nhân đối với gia đình tôi”, người phụ nữ gốc Mexico 50 tuổi này cho biết. Và bà Rios hẳn nhiên hiểu rõ sức nặng lịch sử ở cương vị trên, khi người đầu tiên giữ chức này là Michael Hillegas nhận nhiệm sở năm 1775, một năm trước khi đất nước này có tên chính thức United States of American.
Và đây cũng là một vị trí quan trọng mà phụ nữ Mỹ để lại dấu ấn của họ. Từ năm 1949 khi Tổng thống Mỹ Harry S.Truman bổ nhiệm bà Georgia Neese Clark cho công việc này thì phụ nữ “đóng đô” luôn ở đây. Bà Rios là người phụ nữ thứ 15 với trọng trách in tiền cho nước Mỹ. Một con số thống kê thú vị nữa: bà là người Mỹ gốc Mexico thứ 2, là người phụ nữ thứ 2 liên tiếp xuất thân từ khu vực nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và là người Mỹ Latin thứ 6 giữ chức vụ này. “Phải nói rằng quyết định của Tổng thống Truman rất dũng cảm và mang tính biểu tượng cao”, bà Rios cho biết.
Từ đó, các đời tổng thổng Mỹ đã chọn chữ ký của một phụ nữ xuất hiện cùng với chữ ký của người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ để in lên một trong những tờ tiền phổ biến nhất thế giới. Còn hiện nay, đích thân bà Rios cùng với các lãnh đạo cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ đang tìm kiếm một nhân vật nữ để in hình chân dung lên tờ tiền giấy 10 USD. Mọi ý kiến đều được cân nhắc trước khi Bộ trưởng Jack Lew công bố người được chọn vào cuối năm nay với một điều kiện: nhân vật đó đã qua đời. Tờ 10 USD này sẽ ra mắt vào năm 2020 đúng kỷ niệm 100 năm ngày phê chuẩn Đạo luật thứ 19 trao quyền bầu cử cho phụ nữ.
Đây không phải là tờ tiền giấy đầu tiên in chân dung một phụ nữ bởi Pocahontas và Martha Washington đã xuất hiện trên những tờ tiền giấy của những năm 1800. Và lịch sử tiền tệ Mỹ hiện đại đang đợi một cái tên mới. Đó có thể là nhà đấu tranh bãi bỏ chế độ nô lệ Harriet Tubman, nhà hoạt động nhân quyền Rosa Parks hay cựu đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt.
Dấu ấn cá nhân
Trong cuộc trò chuyện với tờ Fortune, bà Rios khi được hỏi muốn chọn ai, đã trả lời: “Tôi sẽ chọn mẹ mình nếu có thể, ngay lập tức”. Bởi đó là hình tượng mà bà đã đặt trong trái tim mình. Người mẹ nhập cư này đã một tay nuôi 9 đứa con (Rios là con thứ 6) sau khi ly dị chồng năm 1974. Để đỡ đần mẹ, Rios cùng các anh chị em phải làm thêm việc thu hoạch trái cây ở các nông trại thuộc phía bắc California. “Tất cả 9 đứa chúng tôi đều làm việc hăng say. Tôi rất, rất nhỏ. Tôi nhớ khi thức dậy buổi sáng trời còn tối lắm. Nhưng với con nít thì chuyện này rất vui. Thay vì chơi ném bóng tuyết, chúng tôi ném trái đào vào nhau trong lúc đùa giỡn”, bà nhớ lại.
Người mẹ ấy không bao giờ bị khuất phục trước nghèo khó và không để cho đứa con nào bị ngăn cản trên đường đến với giảng đường đại học. Với sự tiếp sức của mẹ và sự say mê tri thức của bản thân, bà Rios trở thành một trong số ít sinh viên gốc Mexico tại Đại học Harvard. Ngay từ năm đầu trường trung học, Rios nhận được công việc chính thức đầu tiên của cuộc đời tại Thư viện công cộng hạt Alameda ở Hayward.
Bà kể: “Như thể trúng xổ số, tôi được tiếp cận với tất cả những cuốn sách mà tôi từng muốn. Tôi đọc ngấu nghiến. Và tôi chắc rằng công việc đó đã đưa tôi đến Harvard”. Và nay, cậu con trai lớn của bà Rios tiếp bước mẹ tại Harvard, mang theo lời dặn của mẹ khi đến giảng đường: “Đừng tuân theo Harvard. Hãy để Harvard thích ứng với con!”.
Còn riêng bà Rios, cho đến nay vẫn không bao giờ quên “bộ quy tắc làm việc” mà mẹ bà dựng lên cho bà. “Tôi lớn lên cùng với ba chữ F của những gia đình người nhập cư: Family (gia đình), Food (thức ăn) và Faith (niềm tin)”, bà cho biết. Giữa một hội thảo quy tụ những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Fortune tổ chức, bà đã không ngần ngại bày tỏ: “Hãy là người phá vỡ theo tinh thần xây dựng. Kết quả sẽ không chỉ là người ta nghe thấy tiếng nói của bạn mà còn lắng nghe tiếng nói ấy”.

Nguyệt Hàn

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.