Cơ hội tìm ra giải pháp ngoại giao cho vụ khủng hoảng Ukraine có lẽ đang gia tăng, dựa trên phát biểu mới của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và tin cho biết Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang đến Âu châu để tìm cách giàn xếp một cuộc họp khẩn với nhà ngoại giao hàng đầu của điện Kremlin.
Ông Kerry đang trên đường từ Ả rập Xê-út trở về Washington khi ông nghe tin là ông Lavrov tuyên bố Moskova không có kế hoạch đưa binh sĩ vượt qua biên giới vào Ukraine.
Ông Sergei Lavrov hôm nay nói trên đài truyền hình nhà nước rằng Moskova tuyệt đối không có ý định và không hề muốn vượt qua biên giới của Ukraine sau khi đã chiếm bán đảo Crimea.
Máy bay chở ông Kerry ngày hôm nay đã chuyển hướng để đi Paris và các giới chức Mỹ nói rằng các nỗ lực đang được thực hiện để hai vị ngoại trưởng Mỹ, Nga gặp nhau càng sớm càng tốt.
Theo tường thuật của thông tín viên Scott Stearns của đài VOA đang tháp tùng ông Kerry, có lẽ ông Kerry và ông Lavrov sẽ gặp nhau vào ngày mai hoặc ngày mốt, tại Paris hoặc tại một nơi khác ở Âu châu.
Hôm qua, Tổng thống Vladimir Putin gọi điện thoại cho Tổng thống Barack Obama để thảo luận về một đề nghị của Mỹ nhằm giải quyết vụ khủng hoảng Ukraine. Các giới chức Mỹ nói rằng đề nghị xoa dịu căng thẳng này được phối hợp chặt chẽ với chính phủ Ukraine.
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Obama đề nghị Tổng thống Putin đưa ra một phúc đáp bằng văn bản đối với giải pháp ngoại giao mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trình bày với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi đầu tuần này.
Các giới chức Washington không cho biết chi tiết về đề nghị đó, nhưng trong thời gian qua Hoa Kỳ đã thúc giục Nga rút binh sĩ ra khỏi các căn cứ ở Crimea và để cho quan sát viên quốc tế tới vùng này để bảo đảm khối người Ukraine thiểu số ở đó được an toàn.
Việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự xung quanh Ukraine trong vài ngày qua đã tạo ra những mối quan tâm trên khắp thế giới, kể cả những mối lo ngại là các chính sách của Tổng thống Putin có thể đưa nước ông vào “một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.” Các giới chức Mỹ ước tính Nga đã tập trung 40.000 binh sĩ gần biên giới Ukraine, trong khi các giới chức chính phủ Ukraine cho rằng số binh sĩ Nga ở các vùng biên giới phía nam, phía đông và phía bắc Ukraine đã lên tới 100.000 người.
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Moskova và Kyiv đã biến thành khủng hoảng gần một tháng trước, khi lực lượng Nga tiến vào Crimea để hỗ trợ cho phong trào đòi ly khai ở đó. Các lực lượng thân Nga đơn phương đề nghị và đã tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Cuộc đầu phiếu với kết quả tán đồng hơn 90% làm cho phần đất ven Hắc hải này tách khỏi Ukraine và giới hữu trách địa phương bắt đầu chiếm quyền kiểm soát các tài sản của nhà nước Ukraine.
Ông Putin và quốc hội Nga sau đó đã sáp nhập Crimea, biến nơi này thành một phần lãnh thổ Nga tuy Crimea không có biên giới giáp Nga. Vụ sáp nhập gặp phải sự lên án của thế giới, trong đó có một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, và Hoa Kỳ và các đồng minh Âu châu bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp chế tài chống lại Moskova.