Quốc hội Ukraine đã giao quyền tự trị ở một phần miền Đông hiện do phe nổi dậy thân Nga kiểm soát, đồng thời ân xá cho nhiều chiến binh.
Biện pháp được đưa ra phù hợp với thỏa thuận ngừng bắn từ hôm 05/09 do Tổng thống Petro Poroshenko ký.
Quốc hội Ukraine và châu Âu cũng đã bỏ phiếu phê duyệt thỏa thuận chính về Hiệp hội EU-Ukraine.
Phe nổi dậy vẫn đang chiến đấu chống lại lực lượng của chính phủ kể từ khi chiếm đóng một số khu vực ở Đông Ukraine giáp biên giới với Nga.
Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga gửi quân và vũ khí hạng nặng tới hỗ trợ phe nổi dậy, tuy nhiên Nga phủ nhận cáo buộc trên.
Ít nhất 3.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài sáu tháng và hơn 310.000 người buộc phải di dời, theo Liên Hiệp Quốc.
Lệnh ân xá áp dụng đối với các chiến binh phe nổi dậy ở vùng Donetsk và Luhansk, nhưng không bao gồm vụ bắn rơi máy bay dân sự MH17 hồi tháng Bảy.
Các lãnh đạo phương Tây tin rằng phe nổi dậy đã bắn rơi chiếc máy bay của hàng không Malaysia bằng tên lửa của Nga – nhưng cáo buộc này đã bị cả phe nổi dậy và Nga phủ nhận.
Thành viên của phe nổi dậy phạm phải “trọng tội” cũng không được hưởng ân xá.
Ngày lịch sử
Lực lượng thân Nga đã giành kiểm soát hầu hết Donetsk và Luhansk từ tháng Tư 2014. Chiến dịch nổi dậy được thực hiện không lâu sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine.
Thỏa thuận được ký hôm thứ Ba 16/09 chính là gốc rễ của cuộc xung đột Ukraine.
Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối thỏa thuận với EU vào tháng 11/2013 châm ngòi cho biểu tình trên diện rộng và khiến ông bị lật đổ.
Nay cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận diễn ra cùng lúc, với video phát trực tiếp nối hai đầu Brussels và Kiev.
Tổng thống Poroshenko và Chủ tịch Nghị viện châu Âu, ông Martin Schulz, gọi đây là ngày lịch sử.
Thỏa thuận khiến Ukraine tuân theo các tiêu chuẩn của EU về nhân quyền, an ninh và kiểm soát vũ khí, và phải gỡ bỏ hàng rào thương mại.
Nhưng thương lượng với Nga hồi tuần trước khiến thỏa thuận về thương mại tự do sẽ phải hoãn tới năm 2016.
Tuy nhiên từ nay cho đến năm 2016, Ukraine vẫn giữ các hạn chế đối với nhập khẩu từ EU và có thể hoàn toàn thâm nhập vào thị trường châu Âu cho mảng xuất khẩu.
Đổi lại, Nga hứa sẽ giữ các quy định thương mại có lợi cho Ukraine do từng thuộc khối Liên Xô.
Nhưng cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ Nga – Ukraine, với hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế được áp dụng lẫn nhau giữa hai vị láng giềng.
Đạo luật ân xá do quốc hội Ukraine thông qua có nghĩa là thành viên phe ly khai thân Nga bị bắt trong cuộc xung đột sẽ được thả tự do.
Phe nổi dậy sẽ phải rời các tòa nhà chính phủ ở miền Đông và trao trả tù binh Ukraine cùng những tù nhân khác, và giao nộp vũ khí.
Tuy nhiên, rất nhiều người thuộc phe nổi dậy vẫn yêu cầu được độc lập hoàn toàn, và nhắc tới việc thiết lập chính quyền mới mang tên “Novorossia”, điều mà Tổng thống Nga Putin cũng từng nhắc tới.
Andre Purgin, một lãnh đạo phe nổi dậy ở Donetsk, nói với hãng tin AFP rằng vùng Đông “không còn liên quan gì tới Ukraine”.
“Ukraine được tự do dùng bất kỳ luật nào họ muốn,” ông được dẫn lời. “Nhưng chúng tôi không có kế hoạch lập quan hệ liên bang với Ukraine.”
Tuy nhiên ông cũng cho rằng quá trình lập pháp “là dấu hiệu tích cực vì nó đánh dấu việc Kiev trở về với thực tế.”
Tổng thống Poroshenko nói đề xuất sẽ đảm bảo “chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập” của Ukraine, trong lúc dọn đường cho quá trình phân cấp.